• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những điểm chính rút ra từ quyết định cắt giảm lãi suất mạnh tay của FED

Thế giới 19/09/2024 14:55

(Tổ Quốc) - Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã cắt giảm lãi suất mạnh tay vào ngày 18/9, công bố lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 3/2020.

Theo hãng CNN, động thái giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) mở đường cho chi phí vay thấp hơn ở tất cả các hạng mục, từ thế chấp đến thẻ tín dụng.

Những điểm chính rút ra từ quyết định cắt giảm lãi suất mạnh tay của FED - Ảnh 1.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. Ảnh: CNN

Theo hãng CNN, diễn biến này đánh dấu một cột mốc quan trọng cho cuộc chiến chống lạm phát lịch sử của ngân hàng trung ương, giúp duy trì lãi suất ở mức cao nhất kéo dài một năm trong 23 năm qua.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thừa nhận thành công của FED đưa ra vào thời điểm quan trọng trong một tuyên bố trên X. Trong khi đó, diễn biến thị trường cổ phiếu chao đảo sau khi quyết định được FED công bố.

Quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) đã truyền đi thông điệp tới thế giới rằng các ngân hàng trung ương cảm thấy cấp bách phải cung cấp cho nền kinh tế Mỹ sự cứu trợ nhanh chóng khỏi chi phí vay tăng cao kể từ khi FED bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo, Chủ tịch FED ông Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương "không tụt hậu" và quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản là "một dấu hiệu cho thấy cam kết của chúng tôi" không tụt hậu trong việc ứng phó với tình hình thực tế của nền kinh tế.

Các quan chức FED cũng dự báo sẽ tiếp tục đưa ra thêm các đợt cắt giảm lãi suất hơn vào cuối năm trong dự báo về kinh tế mới nhất gần đây. Các ngân hàng trung ương dự kiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao hơn trong năm nay, tăng 4,4% so với mức hiện tại là 4,2% tính đến tháng 8.

Bất chấp hành động quyết liệt của FED vào ngày 18/9, cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương dường như đang có kết quả tích cực cho đến nay. Cụ thể, lạm phát năm 2022 thấp hơn đáng kể so với mức cao trong 40 năm qua. Và nền kinh tế không xảy ra suy thoái. Tiến bộ quan trọng này không chỉ nhờ vào chiến dịch tăng lãi suất cao hơn mà còn cho thấy nền kinh tế Mỹ đang dần phục hồi sau những gián đoạn nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia, FED thực sự đã đi trên ranh giới mong manh để "chế ngự" áp lực giá cả tiêu dùng và vực dậy thị trường việc làm của Mỹ. Đây được xem là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn vì việc tăng lãi suất hoạt động được ví như mong muốn "làm mát" nền kinh tế. Công cụ mà FED sử dụng thường được mô tả là một chiếc búa tạ, không phải là một con dao mổ.

Tương lai thị trường việc làm

Các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù lạm phát đang giảm, nhưng vẫn còn sự lo lắng, chủ yếu tập trung vào tương lai của thị trường việc làm hiện tại, thay vì khả năng lạm phát bị mắc kẹt hoặc bùng phát trở lại. Đó chính xác là lý do tại sao một số ý kiến kêu gọi FED nên bắt đầu cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trước đó.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã tăng tương đối nhanh trong năm qua.

Diễn biến này đang gây nguy hiểm cho khả năng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ. Kịch bản đặt ra là lạm phát phải được kiểm soát nhưng không làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, kết quả như vậy chỉ mới xảy ra một lần trong lịch sử hiện đại vào giữa những năm 1990. Hiện tại, FED đang trong tầm với của một thành tựu lịch sử nếu khắc phục được tình trạng thất nghiệp.

Quyết định nới lỏng được đưa ra "dựa trên tiến triển về lạm phát và cân bằng rủi ro".

"Chúng tôi đang cố gắng đạt được tình huống khôi phục sự ổn định giá cả mà không có sự gia tăng về tỷ lệ thất nghiệp trong bối cảnh tình trạng lạm phát hiện nay. Đó là những gì chúng tôi cố gắng thực hiện và tôi nghĩ rằng bạn có thể coi hành động ngày hôm nay là dấu hiệu cho thấy cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc đạt được mục tiêu đó", Chủ tịch Jerome Powell cho biết tại một cuộc họp báo sau quyết định.

Giao dịch biến động sau quyết định cắt giảm lãi suất của FED. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt tới 375 điểm sau khi được công bố. Các nhà đầu tư cũng tiếp thu tin tức và xem xét diễn biến kinh tế hiện tại.

"Đây không phải là khởi đầu của một loạt đợt cắt giảm 50 điểm cơ bản. Đó là quyết định đúng đắn vào thời điểm này ", ông Tom Porcelli, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại PGIM Fixed Income cho biết.

FED đã giảm lãi suất lần cuối vào ngày 16/ 3/2020, một phần của phản ứng khẩn cấp đối với tình trạng đóng cửa kinh tế do sự lây lan của Covid-19. Sau đó, FED bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022 khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm và lần tăng lãi suất gần đây nhất là vào tháng 7/2023.

Trong chiến dịch thắt chặt, FED thậm chí đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản 4 lần liên tiếp.

Mức thất nghiệp hiện tại là 4,2%, tăng cao hơn trong năm qua mặc dù các chuyên gia vẫn đánh giá tỷ lệ này vẫn đảm bảo thị trường việc làm hài hoà.

"Đây là một đợt cắt giảm lớn không bình thường. Chúng tôi không gõ cửa suy thoái. Việc nới lỏng và cắt giảm này là về việc hiệu chỉnh lại chính sách vì thực tế là lạm phát đã chậm lại rất nhiều", ông Porceli nói.

Khi FED là trung tâm của vũ trụ tài chính toàn cầu, quyết định vào ngày 18/9 có thể sẽ gây tiếng vang trong các ngân hàng trung ương khác, một số trong số họ đã bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Các yếu tố thúc đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao chủ yếu liên quan đến đại dịch - chuỗi cung ứng quốc tế bị tê liệt, nhu cầu hàng hóa quá lớn so với dịch vụ và dòng tiền kích thích tài khóa và tiền tệ chưa từng có.

Trước đó, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và ngân hàng trung ương Canada đều đã cắt giảm lãi suất gần đây. Những ngân hàng khác đang chờ tín hiệu từ FED./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ