(Tổ Quốc) - Là một quốc gia nằm ở vị trí thấp nhất trên thế giới với gần 1200 hòn đảo lớn nhỏ tạo thành, Maldives nổi tiếng không chỉ bởi sự xuất hiện thường xuyên trên trang bìa tạp chí mà còn chịu rủi ro bởi mực nước biển tăng.
Theo CNN, ở Maldives, mối đe dọa ô nhiễm môi trường đang trở nên cấp bách hơn. Xuất phát từ bối cảnh xa xôi của quốc đảo cùng với cơ sở vật chất hạn chế, và số lượng lớn khách du lịch đến quốc đảo này mỗi năm đã dẫn đến số lượng rác thải quá nhiều và gây ô nhiễm.
Hệ sinh thái rạn san hô mỏng manh là điểm đến thu hút nhiều thợ lặn nhưng đang bị tàn phá nghiêm trọng đối với "thiên đường nghỉ dưỡng" này. Cuộc khảo sát khoa học vào năm 2016 cho thấy rạn san hô bị tẩy trắng do biến đổi khí hậu đã làm hư hại hơn 60% các rạn san hô của quốc đảo.
"Sở dĩ, Maldives thu hút số lượng lớn khách du lịch là bởi một môi trường đại dương khỏe mạnh. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường nên tiếp tục được chú trọng nhằm thu hút khách du lịch sẵn sàng chi số tiền lớn đến đây", ông James Ellsmoor, Giám đốc điều hành của Island Innovation, một mạng lưới toàn cầu giúp thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững trên đảo nói.
Hiện tại, trong khi khoảng 540.000 người dân ở nước này dựa vào du lịch để kiếm sống thì ngành du lịch thường lại được xem là nguyên nhân gây trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng môi trường. Các khu nghỉ dưỡng ở Maldives đòi hỏi nhu cầu năng lượng và tài nguyên cao cũng như gây ra số lượng lớn chất thải dư thừa. Đáng buồn nhất, việc phụ thuộc quá nhiều vào các chuyến bay đường dài đã mang đến lượng khí thải đáng kể tới hòn đảo này .
Các chuyên gia cho rằng ở Maldives, tính bền vững là cần thiết để duy trì hoạt động lâu dài của doanh nghiệp. Thêm vào đó, những sáng kiến ở khu nghỉ dưỡng như sáng kiến cơ sở hạ tầng năng lượng sạch sẽ tạo tiền đề mang lại lợi nhuận tốt.
"Chi phí nhập khẩu nhiên liệu cao để cung cấp năng lượng cho các máy phát điện đã gây ra ô nhiễm, ồn ào. Vì vậy, chúng ta nên chuyển sang năng lượng mặt trời, gió và pin ", ông Ellsmoor. Chính quyền Maldives vừa ban hành các chính sách thúc đẩy các biện pháp du lịch bền vững trong năm 2023. Một số khu nghỉ dưỡng ở Maldives đang dẫn đầu chương trình hành động bền vững sáng tạo nhằm giảm thiểu tác động nhưng vẫn đảm bảo duy trì điểm đến sang trọng và bền vững.
Cơ sở tái chế tại chỗ
Về lịch sử, hầu hết các chất thải quản lý kém đã gây ô nhiễm không khí và tổn hại đến hệ sinh thái biển. Rất may, chính phủ nước này đã bắt đầu thực hiện các bước để khắc phục vấn đề nêu trên. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khách du lịch là những người tạo ra lượng rác cao nhất ở Maldives tính theo đầu người. Một số khu du lịch trên đảo hiện đang áp dụng các giải pháp sáng tạo để quản lý chất thải.
Chẳng hạn như, khu nghỉ dưỡng sinh thái Soneva Resorts vừa thúc đẩy chương trình ủ phân hữu cơ và vận hành Eco Centro, cơ sở xử lý chất thải tại chỗ nhằm tái chế khoảng 90% nhựa, nhôm và chất thải thủy tinh ở các khu nghỉ dưỡng. Công ty cũng đã giới thiệu ý tưởng Makers' Place tại Soneva Fushi vào năm ngoái, nơi các nhà sản xuất và nghệ sĩ tái sử dụng chất thải như gạch ốp tường hay đồ thủy tinh, làm thành các tác phẩm nghệ thuật và thủ công có thể bán được. Cơ sở này dự kiến sẽ trở thành một trung tâm tái chế khu vực cho các cộng đồng xung quanh với sứ mệnh là giáo dục học sinh địa phương tái chế và bảo tồn.
Sam Dixon, nhà sinh vật học biển tại Fairmont Maldives nói rằng quan hệ đối tác với trường học rất quan trọng vì họ đang khuyến khích thế hệ tiếp theo ý thức bảo vệ hệ sinh thái và sinh vật biển sinh sống ở đây.
Năng lượng mặt trời
Nguồn tài nguyên của Maldives vốn dĩ sở hữu rất nhiều ánh nắng mặt trời, mở ra xu hướng năng lượng mặt trời tái tạo mà nhiều khu nghỉ dưỡng đang tìm cách khai thác. Vào năm 2018, Đảo tư nhân Kudadoo Maldives trở thành khu nghỉ dưỡng đầu tiên trong nước sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời với thiết kế tập trung của 1000 tấm pin mặt trời phủ trên tầng thượng của khu The Retreat ( trung tâm ăn uống, chăm sóc sức khỏe và bán lẻ).
Đến đầu năm nay, sân bay quốc tế Gan cũng đã công bố kế hoạch trở thành sân bay chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên của Maldives.
Bên cạnh đó, bởi cơ sở hạ tầng nông nghiệp hạn chế, hầu hết các mặt hàng thực phẩm ở Maldives đều phải vận chuyển bằng đường bay. Để phần nào bù đắp lượng khí thải carbon, giảm thiểu chất thải đóng gói cũng như tiết kiệm chi phí, một số khu nghỉ dưỡng đã tăng cường phát triển các giải pháp "cây nhà lá vườn".
Amilla Maldives Resort vừa đưa ra một loạt sáng kiến ăn uống bền vững thông qua thiết kế đồn điền trồng chuối, vườn thủy canh, chòi nấm, cơ sở chế biến dừa…để đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại khu nghỉ dưỡng./.