(Tổ Quốc) - Nhật hoàng có mối tình lãng mạn “phá vỡ” truyền thống, từng hai lần chiến thắng Tổng thống Bush trên sân tennis…
Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28/2 – 5/3. Năm nay 83 tuổi, Nhật hoàng Akihito đã trị vì trong 28 năm, tiếp tục đưa Nhật Bản trở thành nền quân chủ lâu đời nhất thế giới. Cuối năm ngoái, ông gây bất ngờ khi đề cập đến ý định muốn thoái vị, nhường lại ngôi cho con trai do sức khỏe bị giảm sút, trên sóng truyền hình quốc gia. Nếu trở thành sự thật, truyền thống mỗi vị hoàng đế Nhật Bản sẽ đảm nhận vị trí của mình cho đến lúc qua đời, sẽ lần đầu tiên bị thay đổi trong vòng 200 năm trở lại đây. Trước khi quyết định cuối cùng được đưa ra, hãy cùng điểm qua một số điều ít biết đến về Nhật hoàng Akihito và vương triều Nhật Bản.
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản rời Nhật Bản bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam và Thái Lan |
Nhật Bản là quốc gia có chế độ quân chủ lâu đời nhất vẫn đang tồn tại
Hầu hết người Nhật Bản đều tin rằng, dòng tộc của Nhật hoàng Akihito đã trị vị đất nước trong suốt khoảng 2.700 năm qua. Mặc dù không có nhiều thông tin về 25 vị vua đầu tiên - bắt đầu với vương quyền năm 600 TCN của Hoàng đế Jimmu, được xưng tụng là con trai của Thần mặt trời Amaterasu – tuy nhiên, một số bằng chứng cụ thể cho thấy, chế độ cha truyền con nối đã được kéo dài liên tục từ năm 500 TCN đến tận thời điểm hiện tại. Theo truyền thống hoàng gia, kể từ khi 2 tuổi, Nhật hoàng Akihito đã được tách khỏi bố mẹ, nuôi dưỡng riêng biệt tại một khu nhà trẻ của hoàng thất.
Người Nhật sử dụng lịch theo số năm trị vì của các vị Hoàng đế
Đây là một hệ thống lịch độc nhất vô nhị tính theo năm cầm quyền của các vị Hoàng đế. Ví dụ như, năm 2017 là năm Akhito thứ 29. Khi có một vị Nhật hoàng mới lên, lịch sẽ được đặt lại từ năm đầu tiên. Theo tục lệ của Nhật Bản hiện đại, khi một vị Hoàng đế qua đời, họ sẽ nhận gọi bằng những tên mới theo triều đại mà họ trị vì. Cha của Nhật hoàng Akihito có tên thật là Hirohito, nhưng sau khi ông mất, ông được gọi bằng tên Showa (tiếng Nhật có nghĩa là “Nhật Bản chói sáng”). Bản thân Nhật hoàng Akihito, tên gọi sau khi băng hà của ông sẽ là Heisei (tiếng Nhật có nghĩa là “hòa bình khắp muôn phương”).
Mối tình lãng mạn, phá vỡ truyền thống của Nhật hoàng Akihito
Cho đến tận thế kỷ XX, các hoàng đế Nhật Bản thường có một hoàng hậu và một vài phi tần – tất cả đều xuất thân từ các gia đình quý tộc quyền quý. Nhật hoàng Akhito là vị vua đầu tiên được phép kết hôn với một thường dân, và ông đã làm đúng như vậy sau khi tìm được “một nửa” đích thực của mình là bà Michiko Shoda (giờ đây là Hoàng hậu Nagako). Lần đầu gặp gỡ tại một sân tennis, cả hai đã tổ chức đám cưới vào năm 1959 và có cùng nhau 3 người con. Con trai cả của Nhật hoàng Akhito, Thái tử Naruhito cũng cưới một thường dân – công nương Masako Owada.
Thái tử Akihito và bà Michiko Shoda (giờ đây là Hoàng hậu Nagako)gặp nhau trên sân tennis |
Nhật Hoàng mới chỉ phát biểu trên truyền hình đúng hai lần
Bài phát biểu hôm 8/8 năm ngoái của Nhật hoàng mới chỉ là lần thứ hai trong gần 30 năm cầm quyền của mình – đồng thời là lần thứ ba trong lịch sử quân chủ của nước Nhật - ông Akihito phát biểu trên sóng truyền hình/truyền thanh quốc gia.
Năm 2011, truyền hình Nhật Bản từng phát đi thông điệp của Nhật hoàng Akihito động viên người dân nước này sau thảm họa sóng thần – động đất, dẫn đến vụ rò rỉ hạt nhân tại Fukushima. Bài phát biểu của ông Akhito gợi nhớ đến lần xuất hiện chưa từng có tiền lệ trên sóng truyền thanh vào tháng 8/1945 của cha ông, Nhật hoàng Showa để thông báo Nhật đã chính thức bị các nước đồng minh đánh bại trong Thế chiến thứ Hai. Trước đó, rất nhiều người Nhật Bản chưa từng bao giờ được nghe giọng nói của vị Hoàng đế trị vì mình.
Nhật Bản đang cân nhắc thay đổi luật cho phép phụ nữ được kế thừa ngôi vị
Mặc dù trong lịch sử, phụ nữ có thể kế thừa ngôi vị, và thực tế, chế độ quân chủ Nhật Bản đã chứng kiến sự trị vì của 8 vị Nữ vương; thế nhưng, luật pháp hiện tại của nước này lại quy định chỉ con trai mới được thừa kế ngai vàng. Đã có nhiều lần việc thay đổi quy định kế vị được đưa ra thảo luận, nhưng mọi việc hầu như không có tiến triển, đặc biệt là khi Công nương Kiko (phu nhân của con trai thứ hai của Nhật hoàng Akihido) hạ sinh hoàng tử vào năm 2006. Tuy nhiên, trước khả năng Nhật hoàng thoái vị và Hoàng tử Hisahito, mới chỉ 11 tuổi, là người thừa kế nam duy nhất được sinh ra trong gia đình hoàng gia kể từ năm 1965, rất có thể việc xem xét lại luật kế vị sẽ được tái khởi động.
Nhật hoàng có lịch trình làm việc “siêu” bận rộn
Tờ Wall Street Journal cho biết, năm 2015, Nhật hoàng Akihito đã tham dự hơn 250 sự kiện lớn nhỏ, từ các dịp kỷ niệm, lễ nhậm chức của các quan chức chính phủ cho đến các buổi gặp mặt ngoại giao… Nhật hoàng Akihito từng chia sẻ rằng, mình đã cảm thấy già, và có ít nhất 3 lần, ông đã mắc phải sai lầm khi tham gia các sự kiện.
Nhật hoàng Akihito có lịch trình làm việc vô cùng bận rộn |
Nhật hoàng sở hữu niềm đam mê khoa học
Kể từ năm 1869, ngay sau khi Nhật hoàng Meiji khôi phục vương quyền, và đưa Nhật Bản tiến vào kỷ nguyên hiện đại hóa và công nghiệp hóa, vào đầu mỗi năm, hoàng đế Nhật Bản đều tổ chức một loạt các buổi giảng bài về khoa học.
Nhật hoàng Akihito - lúc đó còn là Thái tử - và cha, Nhật Hoàng Showa đều có sở thích về sinh học đại dương. Nhật hoàng Showa từng viết khá nhiều bài báo về tập đoàn thủy tức – một loại sinh vật biển cùng họ với sứa; còn Nhật hoàng Akihito được đánh giá là một chuyên gia về họ cá goby, với gần 40 bài báo khoa học về họ cá này. Thậm chí, một loài mới trong họ goby còn được đặt theo tên ông là Exyrias Akihito.
Nhật hoàng từng được nữ sinh chụp ảnh
Hoàng đế Akihito sở hữu một phong cách hiện đại, đời thường và luôn nỗ lực để khiến gia đình hoàng gia trở nên thân thiện hơn với người dân, bằng cách đi công du khắp đất nước, và tiếp xúc trực tiếp với người dân Nhật Bản nhiều hơn bất kỳ vị Hoàng đế nào trước đây.
Nhà vua và hoàng hậu cũng không tỏ thái độ đặc biệt khi một nữ sinh từng chụp ảnh họ và đăng trên tài khoản Twitter. Hành động này khi đó đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều: những người lớn tuổi cho rằng nữ sinh này có thái độ bất kính, trong khi giới trẻ chấp nhận nó một cách thoải mái.
Nhật hoàng từng đấu tennis với Tổng thống Bush
Nhật hoàng Akihito đã công du và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo thế giới nhiều hơn so với bất kỳ người tiền nhiệm nào. Năm 1998, ông từng gặp Nữ hoàng Elizabeth vào năm 1998. Nhật hoàng Akihito cũng từng thi đấu tennis với Tổng thống Mỹ George H. W. Bush, và giành chiến thắng trong cả hai lần đối mặt.