(Tổ Quốc) - Việc tổ chức “Những vở kịch còn mãi với thời gian” tại Nhà hát Lớn trong tháng 8 này được đã tạo sự hứng khởi và sự tin yêu đối với nghề của các nghệ sĩ.
- 16.01.2017 Năm 2017- Nhà hát Lớn rộng cửa: Sẽ tổ chức Những vở kịch còn mãi với thời gian
- 26.01.2017 Năm 2016, giới nghệ sĩ nức lòng với chủ trương mở rộng cửa Nhà hát Lớn
- 20.02.2017 Tháng 5/2017, Nhà hát Lớn ưu tiên nghệ thuật truyền thống
- 28.02.2017 Nhiều nhà hát hưởng ứng chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao của Bộ VHTTDL
- 24.07.2017 Trình diễn 12 vở kịch trong “Những vở kịch còn mãi với thời gian“
- 31.07.2017 “Những vở kịch còn mãi với thời gian”: Các nhà hát sát cánh để quảng bá kịch
NSƯT Xuân Bắc: Đưa kịch vào Nhà hát Lớn giữ được niềm tin vào nghề cho nghệ sĩ
Tổ chức “Những vở kịch còn mãi với thời gian” nói riêng và chủ trương mở cửa Nhà hát Lớn là một trong những chủ trương rất đúng của Bộ VHTTDL. Việc này không chỉ để quảng bá cho nghệ thuật mà còn để Nhà hát Lớn được thực hiện đúng chức năng, đó là nơi tổ chức những chương trình biểu diễn.
Với riêng “Những vở kịch còn mãi với thời gian” thì đây là cú hích cho sân khấu kịch. Vì khán giả chê rạp xấu xí sập sệ thì có rạp tốt nhất. Khán giả chê không có rạp đẹp thì đây, có rạp đẹp nhất.
NSƯT Xuân Bắc: Chúng tôi tham gia "Những vở kịch còn mãi với thời gian" bằng sự đam mê, lòng khát khao đến mãnh liệt đối với sân khấu kịch truyền thống (ảnh internet) |
Nhưng cái gì cũng có tính lịch sử, đó là tính phát triển trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Không chỉ kịch mà cả sân khấu nói chung đều khó khăn. Nếu nhanh có các giải pháp thì sẽ giúp sân khấu nhanh qua các giai đoạn khó khăn. Quy luật của phát triển là bất kỳ một điều gì phát triển cực thịnh rồi cũng sẽ thoái trào và nếu cần thiết cho cuộc sống thì nó sẽ lại phát triển. Đó là quy luật tự nhiên. Thế nhưng không vì quy luật tự nhiên đó mà chúng ta không hành động. Chấp nhận quy luật nhưng phải đấu tranh để tác động vào quy luật theo hướng có lợi cho mình.
Trong giai đoạn này, cần tác động vào quy luật bằng cách làm tốt 2 việc: Một là chất lượng nghệ thuật phải đặt lên hàng đầu. Chất lượng nghệ thuật ở đây không chỉ là chất lượng mang tính học thuật mà chất lượng mà tính thời đại, phải là hơi thở của ngày hôm nay, tiếng nói của ngày hôm nay. Đó không chỉ là tiếng nói của nghệ sĩ, mà còn là sự mong muốn của khán giả chính đáng của khán giả. Không phải các nhà hát tự nói vở của tôi hay lắm, nhưng khán giả đến xem mà không hiểu gì, không thấy mình trong đó.
Hai là việc marketing quảng bá. Điều này không phải tôi nói mà là quy luật do chính những giáo sư hàng đầu thế giới đưa ra. Nếu không quảng bá là đi ngược lại quy luật phát triển. Phải giới thiệu cho mọi người, nói cho mọi người biết cái mình đang có và chứng minh cái mình đang có là cái mà mọi người cần. Và truyền thông chứ không phải tuyên truyền.
Nếu làm tốt hai điều đó, sẽ làm cho cơn khủng hoảng của sân khấu nhanh qua, phục hồi được những giá trị chúng ta đang hướng tới. Việc chúng ta đưa các vở diễn vào Nhà hát Lớn là chúng ta đang vận động để tác động vào quy luật này.
Phải thẳng thắn nhìn nhận, “Những vở kịch còn mãi với thời gian” có 11 đêm diễn, với mỗi đêm có 400 - 500 khán giả cũng không thể trở thành cứu cánh cho ngành sân khấu được. Nhưng nó có thể giữ lại niềm tin rất lớn cho ngành chúng tôi, cho hàng nghìn nghệ sĩ làm nghề. Không phải chúng tôi phụ thuộc tất cả cuộc sống vào nguồn thu từ nghề, nhưng chúng tôi đến đây biểu diễn không phải chỉ vì tiền mà là sự đam mê, lòng khát khao đến mãnh liệt đối với sân khấu kịch truyền thống.
Diễn viên Bảo Thanh: Sẵn sàng bỏ việc khác để tham gia “Những vở kịch còn mãi với thời gian”
Tôi xuất thân là diễn viên kịch nói nên sân khấu vẫn sẽ là công việc chính. Đi đóng phim, quảng cáo hay làm bất cứ công việc gì khác nhưng khi anh Chí Trung (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ- PV) gọi điện, tôi sẽ về ngay. Được tham gia “Những vở kịch còn mãi với thời gian” Bảo Thanh không ngại bỏ hết những việc khác.
Một đêm diễn kịch có thể chỉ được 300.000-500.000 đồng thù lao trong khi đi sự kiện có thể được vài chục triệu. Thế nhưng ánh đèn sân khấu thực sự rất ma mị khiến người nghệ sĩ như lên đồng, quên hết mệt mỏi.
Diễn viên Bảo Thanh: Mong sân khấu trở lại thời hoàng kim (ảnh internet) |
Với tư cách một người nghệ sĩ sân khấu, Thanh thấy rất buồn khi những vở diễn sân khấu không được đón nhận nhiều bằng những bộ phim truyền hình. Rõ ràng, mình có làm phim truyền hình, nhận được sự yêu mến của khán giả truyền hình, nhưng chính gốc xuất thân là diễn viên kịch nói, Thanh vẫn mong muốn sân khấu kịch nói trở lại thời kỳ hoàng kim của nó.
Diễn viên sân khấu hiện nay, bản thân Bảo Thanh hay các anh chị em đồng nghiệp đều vất vả đổ mồ hôi tập luyện trên sân khấu nhưng không đến được với đông đảo khán giả. Điều này không chỉ là trăn trở băn khoăn của những người đứng đầu, những lãnh đạo mà cũng là nỗi buồn, trăn trở của nghệ sĩ. Chẳng lẽ khán giả quay lưng với sân khấu kịch hay sao, hay còn gì chưa đáp ứng được yêu cầu của khán giả, hay những gì chúng tôi làm chưa vừa lòng khán giả…? Chúng tôi mong nhận được đóng góp, phản hồi của khán giả, đặc biệt là khán giả yêu sân khấu để nghệ sĩ chúng tôi, cũng như là những lãnh đạo các nhà hát biết là các vở diễn cần cái gì để hấp dẫn hơn. Hiểu được tâm tư, nguyện vọng của khán giả để đi đến với khán giả giống như những bộ phim truyền hình đang làm được. Sân khấu cần đổi mới, cải tiến điều gì, mong muốn cầu thị để duy trì, tồn tại sân khấu Việt Nam, sân khấu kịch nói riêng và các bộ môn nghệ thuật khác nói chung, để anh chị em chúng tôi vẫn được đứng dưới ánh đèn sân khấu.
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội: Mong khán giả mở lòng với sân khấu
NSND Trung Hiếu: Mong khán giả mở lòng với sân khấu (ảnh internet) |
Sân khấu kịch hiện nay đang đứng trước một nỗi lo về tài chính vô cùng khủng khiếp. Bây giờ các đoàn hầu như không có đoàn kịch nói riêng nữa, mà trở thành tạp kĩ rồi, ca múa nhạc kịch đều phải ghép lại. Rõ ràng trong giai đoạn hiện nay chúng ta đã có được những vở kịch rất hay, rất xuất sắc nhưng công chúng vẫn chưa đến gần thưởng thức bằng nhiều lý do, có thể là do truyền thông, truyền hình… Sắp tới khi mà tất cả các nhà hát đều được xã hội hóa, tới năm 2019 – 2020 sẽ phải tự chủ hoàn toàn về tài chính, có nghĩa là chúng ta phải trả lương cho biên chế, tự kiếm tiền mà nuôi nhau, lúc đấy tôi nghĩ không biết sân khấu kịch sẽ đi đến đâu? Sẽ còn bao nhiêu nhà hát hay đơn vị tham gia vào các chương trình như thế này nữa? Họ không thể tự bỏ ra chi phí rất lớn để tự mình đi biểu diễn kịch được. Vì vậy, chủ trương biểu diễn kịch ở Nhà hát Lớn hỗ trợ rất nhiều cho các đoàn kịch.
Chúng tôi, những người nghệ sĩ với cái tâm của nghề và với danh dự của người nghệ sĩ thì ở đâu cũng phải diễn hay, nơi nào cũng phải diễn tốt. Chính vì thế, chúng tôi rất mong khán giả sẽ có cái nhìn gần gũi hơn đối với các nghệ sĩ, cũng như mở lòng ra đón nhận sân khấu kịch một cách thiện cảm, đó cũng là động lực rất lớn cho các nghệ sĩ như chúng tôi có thêm tự tin và niềm đam mê đối với nghệ thuật truyền thống này. Vì vậy, làm thế nào để kéo được khán giả đến với nghệ thuật sân khấu sẽ là một việc hết sức khó khăn, nó cần có sự chung tay của tất cả chúng ta chứ không chỉ đối với các nghệ sĩ của sân khấu kịch./.