• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nikkei Asia nhận định về tham vọng của "ông lớn" bán lẻ Masan

Thế giới 31/12/2021 16:20

(Tổ Quốc) - Nhà điều hành WinMart đang đặt mục tiêu trở thành "siêu thị một cửa" trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và nhiều tham vọng hơn thế nữa, theo tờ Nikkei Asia.

Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam Masan Group sẽ bổ sung các quán cà phê và ngân hàng vào phần lớn các các cửa hàng tiện lợi do tập đoàn này vận hành. Theo Nikkei Asia, đây là một nỗ lực của Masan để trở thành điểm dừng chân cho những khách hàng bận rộn và ngày càng cẩn trọng vì dịch Covid-19.

Chiến lược "bành trướng" nhanh chóng của Masan

Masan có kế hoạch sửa chữa và nâng cấp hơn 1.000 cơ sở của chuỗi siêu thị mini WinMart Plus trong năm 2022. Tập đoàn này cũng sẽ bổ sung thêm từ 700 đến 1.000 cửa hàng mới trong năm tới, nâng tổng số cửa hàng thuộc chuỗi này lên tới 3.600 cơ sở.

Một cửa hàng WinMart đầy đủ tại Hà Nội hiện được nâng cấp bao gồm quầy cà phê Phúc Long và một góc dành cho dịch vụ ngân hàng Techcombank, có máy ATM và một nhân viên liên kết hỗ trợ phát hành thẻ rút tiền và thẻ tín dụng mới.

Các cửa hàng tiện lợi đa chức năng như vậy đã rất phổ biến ở Nhật Bản và các nước khác, nhưng vẫn còn rất ít ở Việt Nam, ngay cả ở các thành phố lớn.

Báo kinh tế ngoại nhận định về tham vọng của ông lớn bán lẻ Masan - Ảnh 1.

Một cửa hàng tiện lợi Winmart được tích hợp đầy đủ dịch vụ. Ảnh: Nikkei Asia.

Một khách hàng 40 tuổi cho biết: "Do virus corona lây lan, tôi cố gắng mua sắm mọi thứ chỉ ở một nơi càng nhiều càng tốt. Thật là tiện lợi khi có thể vừa mua một ly cà phê nóng và vừa rút được tiền".

Masan là một tập đoàn trẻ, được thành lập vào năm 2004 với lĩnh vực kinh doanh chính là thực phẩm. Vào cuối năm 2019, Masan đã tiếp quản khoảng 3.000 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart Plus từ tập đoàn lớn nhất Việt Nam là Vingroup.

Thương vụ mua lại này đưa Masan lên vị trí hàng đầu trong hệ thống phân cấp bán lẻ của Việt Nam. Các cửa hàng VinMart sau đó được đổi tên thành WinMart.

Theo tờ Nikkei Asia, trong thời gian qua, có thể nói Masan luôn ở vị thế là kẻ "đi săn" trong các thương vụ mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp hướng tới người tiêu dùng. Vào tháng 5/2021, Masan đã đạt được thỏa thuận mua 20% cổ phần trong công ty điều hành thương hiệu Phúc Long. Vào tháng 9/2021, Masan cho biết họ đã mua 70% cổ phần của công ty khởi nghiệp viễn thông Mobicast. Hiện Masan cũng sở hữu khoảng 1/5 Techcombank và tập đoàn này sẽ kết hợp dịch vụ của các công ty trên vào cùng một tổ hợp.

Đại dịch thay đổi thói quen tiêu dùng

Tại Việt Nam, các chợ truyền thống vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Tới đây, người dân có thể dễ dàng tiếp cận được nhiều sản phẩm tươi sống, cá và thịt. Tuy nhiên, có nhiều nguy cơ lây lan Covid-19 tại các khu chợ tươi sống này, khi lượng người giao dịch lớn và các biện pháp phòng, chống dịch khó có thể phát huy được đầy đủ hiệu quả. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tới nay, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã được người dân ưu ái hơn khi có thể đảm bảo một không gian mua sắm hợp vệ sinh.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mức 3.000 USD, một ngưỡng thường gây ra những thay đổi lớn trong thói quen chi tiêu. Kéo theo đó, lĩnh vực bán lẻ của nước này đã thu hút các công ty đa quốc gia nước ngoài bao gồm Central Group của Thái Lan và Aeon của Nhật Bản.

Trong bối cảnh này, Masan đã nhanh chóng nắm bắt được một phần nhu cầu mới từ người dân và thị trường. Theo báo cáo tình hình kinh doanh quý 3/2021 từ tập đoàn này, Masan đạt doanh thu 23.605 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận ròng quý 3/2021 đạt 1.147 tỷ đồng, tăng 35% so với quý 3/2020.

Cùng với đà phát triển hiện tại, Masan đang huy động tiền mặt để tài trợ cho các kế hoạch đáp ứng nhu cầu thị trường. Công ty con tiêu dùng - bán lẻ CrownX (hợp nhất WinCommerce -trước đây là VinCommerce và Masan Consumer Holdings) của Masan vào tháng 12 đã công bố khoản đầu tư 350 triệu USD từ một liên doanh nước ngoài, bao gồm nhà đầu tư Mỹ TPG và một công ty con của Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi. Thương vụ này sẽ đảm bảo cho Masan có 81,4% cổ phần tại CrownX.

Kể từ năm 2020, nền tảng bán lẻ này đã huy động được 1,5 tỷ USD, bao gồm khoản đầu tư 400 triệu USD vào tháng 5 từ một tập đoàn do Alibaba Group Holding dẫn đầu và 340 triệu USD vào tháng 11 từ tập đoàn SK Group của Hàn Quốc.

CrownX có mục tiêu "số hóa toàn bộ nền tảng của chúng tôi để trở thành một công ty công nghệ tiêu dùng", hướng tới tỷ suất lợi nhuận hai con số, hướng tới việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra nước ngoài vào năm 2023 hoặc 2024, Giám đốc điều hành Tập đoàn Masan, Danny Le cho biết trong một tuyên bố trong tháng này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ