(Tổ Quốc) - Giới quốc phòng Mỹ đang đứng trước sự lựa chọn giữa hai đồng minh quan trọng bậc nhất là Mỹ và châu Âu.
Trang Financial Times đặt ra câu hỏi, liệu nước Đức có thực sự nghiêm túc về việc gia tăng chi phí quốc phòng và trở thành một cường quốc có tiếng nói hơn về quân sự? Đây là vấn đề mà thế giới có thể sẽ sớm tìm ra câu trả lời.
Không bao lâu nữa, Bộ Quốc phòng tại Berlin được cho là sẽ công bố các dự định thay thế một phi đội bay "già cỗi" của lực lượng không quân nước này – gồm 85 chiếc phi cơ chiến đấu Torado, bằng một hợp đồng trị giá nhiều tỷ euro. Đối với một quốc gia vốn luôn phải đối mặt với những chỉ trích vì "thói quen" tiết kiệm ngân sách quốc phòng, sự đầu tư trên có thể sẽ gây nên những chấn động lớn.
Đức sẽ lựa chọn máy bay của Mỹ hay châu Âu? (ảnh: getty)
Tuy nhiên, tài chính không phải là lời giải thích duy nhất cho loạt tranh cãi mà quyết định của chính phủ Đức sắp mang lại. Trọng tâm chính là, kế hoạch mua máy bay mới sẽ đặt Berlin đứng trước sự lựa chọn giữa hai đồng minh chiến lược quan trọng nhất của mình: châu Âu và Mỹ.
"Thứ mà bạn mua quyết định ai là đối tác gần gũi nhất đối với bạn trong nhiều thập kỷ tới", Christian Mölling, một nhà phân tích quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Đức, có trụ sở ở Berlin, chỉ ra. "Tuy nhiên, nó cũng đánh dấu một quyết định chủ chốt về tương lai của nền quốc phòng nước Đức: sẽ tập trung vào quan hệ hợp tác châu Âu hay xuyên Đại Tây Dương?".
Nói một cách cụ thể, chính phủ Đức sẽ phải chọn lựa giữa các máy bay chiến đấu châu Âu – do Airbus và các tập đoàn lớn khác của châu Âu chế tạo; hoặc một trong ba mẫu phi cơ do Mỹ sản xuất là F-35, F-15A hoặc F/A-18 E/F.
Việc mua ít nhất một vài chiếc máy bay từ phía Mỹ mang động cơ chính trị không hề thấp. Trong những năm gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ít lần "chĩa mũi nhọn" vào Đức vì hai lý do chính như sau: thứ nhất là chi phí quốc phòng khá "eo hẹp" của Berlin và thứ hai là thặng dư thương mại đang ngày càng phình to giữa hai nước. Quyết định mua máy bay của Mỹ sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên; đồng thời có thể khiến hội nghị thượng đỉnh lần tới của NATO trở nên dễ chịu hơn cho Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thứ mà bạn mua quyết định ai là đối tác gần gũi nhất đối với bạn trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, nó cũng đánh dấu một quyết định chủ chốt về tương lai của nền quốc phòng nước Đức: sẽ tập trung vào quan hệ hợp tác châu Âu hay xuyên Đại Tây Dương.
Christian Mölling
Tuy nhiên, những người ủng hộ cho một giải pháp nghiêng về châu Âu, tỏ ra thiếu kiên nhẫn với logic trên và cho rằng, các công ty châu Âu là lựa chọn hoàn hảo để chế tạo ra mẫu máy bay quân sự phù hợp với yêu cầu của phía Đức. Theo họ, mua máy bay do Mỹ sản xuất, sẽ là một tín hiệu "kinh khủng" cho tương lai của nền công nghiệp quốc phòng châu Âu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm Đức và Pháp đang cùng cam kết (ít nhất là về mặt giấy tờ) nhằm phát triển và xây dựng một "hệ thống chiến đấu trên không tương lai" thế hệ sau siêu hiện đại vào sau năm 2035. Để dự án này có thể trở thành hiện thực, các chính phủ châu Âu cần phải bảo hộ được những công nghệ của mình, cũng như năng lực sản xuất ngay trên "sân nhà" – chứ không phải là giao phó tất cả cho Mỹ.
Một số chuyên gia e ngại rằng, tham vọng trên có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngay cả trong một kịch bản mà Bộ Quốc phòng Đức sẽ tách đơn đặt hàng của mình ra làm hai và quyết định mua máy bay từ cả châu Âu và Mỹ. Mặc dù vậy, phần lớn giới quan sát đều dự đoán, đây sẽ chính là lựa chọn của Berlin. Phụ thuộc vào quy mô của các hợp đồng, cách tiếp cận hỗn hợp này thậm chí có thể cho phép chính phủ Đức làm hài lòng tất cả các bên.
Tuy nhiên, ngay cả như vậy, vẫn tồn tại một thách thức. Một trong các nhiệm vụ của phi đội Tornado đó là chuyên chở và triển khai các vũ khí hạt nhân của Mỹ đặt tại Büchel, phía tây nước Đức. Đây là một phần thuộc hiệp định "chia sẻ hạt nhân" trong khuôn khổ NATO. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ vẫn phải tuân theo thoả thuận trên và cần phải được Mỹ chứng nhận. Trong trường hợp các máy bay chiến đấu do châu Âu sản xuất, việc có được chứng nhận từ Mỹ có thể sẽ trở nên khó khăn hơn. Từ đó dẫn tới những nghi ngờ về khả năng của Đức trong vị thế một yếu tố chủ chốt của lực lượng phòng thủ hạt nhân NATO.
Cho dù thế nào, quan trọng nhất, trong những năm qua, các nhà lãnh đạo Đức đã hứa hẹn rằng, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẵn sàng tăng tốc và đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Quyết định Tornado là một cơ hội để Thủ tướng Merkel và giới quân sự nước này "ra mặt" và công khai giải thích ba sự thật không hề dễ dàng: tại sao Berlin cần phải dành ra thêm hàng tỷ euro cho quốc phòng; tại sao một ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh của châu Âu lại đem lại lợi ích cho nước Đức; và tại sao các lực lượng quân đội của Đức lại phải có vai trò trong sứ mệnh phòng thủ hạt nhân NATO?
Đó cũng chính là những gì mà các chính trị gia và dư luận Đức dường như tránh nói tới trong nhiều năm nay. Quyết định sắp tới sẽ cho thấy những gì đã thay đổi – nếu sự thay đổi thực sự diễn ra.