(Tổ Quốc) - Trên đường sang Đảo Guam tập trận, đội tàu Ấn Độ đã phải đối mặt với sự bám đuổi từ tàu Trung Quốc.
Tờ India Today đưa tin, tuần trước, khi các tàu của Ấn Độ trên đường tới đảo Guam để tham gia tập trận chung với Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ hải dương Nhật Bản, một số tàu Trung Quốc đã bám theo liên tục, khiến lực lượng Ấn Độ phải thực hiện các “biện pháp cắt đuôi”.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1992, Malabar là một cuộc tập trận hai bên giữa hải quân Mỹ và Ấn Độ. Năm 2015, Nhật Bản bắt đầu gửi tàu đến tham giam sự kiện này. Mục đích của hoạt động tập trận chung là tăng cường khả năng hợp tác giữa hải quân ba nước.
Theo trang Business Insider, các tàu của Hải quân Trung Quốc đã theo dõi và bám đuổi đội tàu của Ấn Độ cho đến khi họ vượt qua Biển Philipines và tiến vào Thái Bình Dương.
Hôm 9/6, Chuẩn Đô Đốc Dinesh Tripathi nói với tờ báo Ấn The Economic Times rằng, các nhóm liên lạc của Ấn Độ và Trung Quốc đã có “một cuộc đối thoại tốt đẹp và lịch sự”. “Có đôi khi họ ở đó và có đôi khi không. Khoảnh khắc chúng tôi tiến vào Thái Bình Dương từ Biển Philippines, họ đã quay trở lại”, ông Tripathi cho biết.
Các tàu Trung Quốc sau đó tiếp tục quan sát đội tàu Hải quân Ấn Độ đi qua Biển Đông và hướng về đảo Guam.
Ông Tripathi cũng chia sẻ: “Chúng tôi biết mình đang bị bám đuôi, nhưng chúng tôi đang ở trên vùng biển quốc tế, vì vậy chúng tôi đã thực hiện các biện pháp tránh đi”, một nguồn tin từ Hải quân Ấn Độ nói với tờ India Today. Còn Chuẩn Đô đốc Tripathi phủ nhận việc bị tàu Trung Quốc “giám sát” là một bất ngờ cho phía Ấn Độ. Chuyến đi tới đảo Guam từ Ấn Độ có thể coi là khá dài, tuy nhiên ông Tripathi khẳng định, “khoảng cách không phải là vấn đề. Nơi nào có lợi ích biển cho Ấn Độ, chúng tôi sẽ tiến hành hoạt động hợp tác”.
Tập trận Malabar bao gồm hải quân của ba nước Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản |
Hồi tháng 11/2017, tờ báo Trung Quốc Hoàn Cầu từng đặt câu hỏi về ý định thực sự của tập trận chung Malabar. “Nếu tập trận quân sự chung Malabar giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản thật sự là vì an ninh cho Ấn Độ Dương thì Trung Quốc cũng phải được mời tham dự”, Long Xingchun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Đại học sư phạm Tây Trung Quốc, viết. Theo ông, Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào thương mại trên toàn Ấn Độ Dương, dọc theo Con đường tơ lụa trên biển, do vậy, Bắc Kinh cũng có lợi ích trong việc duy trì an ninh hàng hải.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Business Standard, các quan chức hải quân Ấn Độ cho biết, cuộc tập trận giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản 2018 (diễn ra từ ngày 7 – 16/6) tập trung vào các chiến thuật chiến tranh chống tàu ngầm. Ngoài ra, họ cũng đề cập đến sức mạnh chiến đấu dưới nước của hải quân Trung Quốc.