• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nỗ lực giảm thiểu hôn nhân cận huyết ở Cao Bằng

Pháp luật 25/10/2023 08:54

(Tổ Quốc) - Là tỉnh vùng biên của Tổ quốc với nhiều dân tộc thiểu số sống lâu đời, Cao Bằng đứng trước thách thức gia tăng tình trạng hôn nhân cận huyết. Tỉnh Cao Bằng đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 ngăn chặn thành công tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Vẫn còn tình trạng hôn nhân cận huyết

Cao Bằng là một trong những địa bàn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả nước, chiếm tới 94,88%, với 35 thành phần dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua, công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn được lãnh đạo các cấp, ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai, tuy nhiên tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại, thậm chí có nơi có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều hệ lụy buồn.

Nỗ lực giảm thiểu hôn nhân cận huyết ở Cao Bằng - Ảnh 1.

Tỉnh Cao Bằng tăng cường tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết (ảnh minh họa)

Theo báo cáo, giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh có 2.060 cặp tảo hôn, chiếm 6,62%, trong đó 994 cặp tảo hôn cả vợ, chồng; 26 cặp hôn nhân cận huyết thống. Về độ tuổi tảo hôn thấp nhất với nữ là 14 tuổi, nam là 11 tuổi, chủ yếu xảy ra vùng đồng bào dân tộc Mông, Dao, Nùng, Tày, Sán Chỉ, Lô Lô.

Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 10.681 cặp kết hôn, trong đó có 666 cặp tảo hôn, chiếm 6%, giảm 731 cặp so với giai đoạn 2015-2020; có 310 cặp tảo hôn 1 người, 356 cặp tảo hôn cả 2 người. Độ tuổi tảo hôn trung bình ở nữ là trên 16 tuổi, ở nam là trên 17 tuổi. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn ở trẻ em với 56 em tảo hôn, chủ yếu ở dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Nùng sinh sống ở các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng… Ngoài ra, tình trạng hôn nhân cận huyết thống toàn tỉnh có 6 cặp, giảm 20 cặp so với giai đoạn 2015-2020.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại những hệ lụy nghiêm trọng đến giống nòi, đời sống và sức khỏe. Theo Ban Dân tộc tỉnh, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tảo hôn chủ yếu là do trình độ dân trí của các dân tộc thiểu số ở địa phương còn thấp, người dân chưa nhận thức rõ tác hại sâu xa của tình trạng tảo hôn. Vấn nạn tảo hôn còn tước đi sự phát triển toàn diện của các bé gái... Tuy nhiên, đây lại là những tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều vùng, miền khu vực dân trí còn thấp, nơi các cộng đồng dân cư sống biệt lập, ít tương tác với các cộng đồng dân cư khác, đặc biệt là các dân tộc rất ít người, các dân tộc cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Đẩy mạnh nhiều giải pháp

Xác định tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở địa phương không chỉ đơn thuần là vấn đề xã hội mà còn đi kèm với văn hóa của các dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm tiến tới mục tiêu năm 2025 chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết ở vùng dân tộc thiểu số của Cao Bằng.

Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, công tác triển khai thực hiện Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn còn có những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm tổ chức thực hiện thường xuyên, đa dạng hóa nội dung, hình thức nhưng việc thay đổi nhận thức của đồng bào cần phải có thời gian, nên hiệu quả chưa được như mong muốn.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Tiểu dự án, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành 3 Kế hoạch và hơn 40 văn bản liên quan khác để triển khai thực hiện các nội dung của Tiểu dự án 2. Theo đó Sở Y tế được phân công thực hiện nội dung "Công tác tư vấn, can thiệp lồng ghép": Tăng cường các hoạt động, tư vấn, lồng ghép với các chương trình, dự án mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất và hôn nhân cận huyết thống ... UBND các huyện dựa trên nguồn vốn được cấp đã lựa chọn các nội dung thực hiện phù hợp với từng địa phương và ban hành hơn 20 kế hoạch, Quyết định phê duyệt thực hiện Tiểu dự án 2 trên địa bàn huyện.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới gắn với tuyên truyền các quy định về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được chú trọng. Hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trên đại bàn các huyện, xã, thôn, xóm có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được tăng cường, thực hiện dưới nhiều hình thức, phong phú về nội dung.

Tiếp tục duy trì 7 Mô hình tại các xã, các huyện có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong giai đoạn 2015-2020. Xây dựng 4 Mô hình tại các xã, các huyện có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 3 huyện: Hạ Lang, Bảo Lạc, Thạch An. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Tiểu dự án 2 là 10.557 triệu đông. Trong đó cấp tỉnh là 5.271 triệu đồng, cấp huyện 5.286 triệu đồng. Đến ngày 20/6/2023 đã thực hiện giải ngân được 1.091 triệu đồng.

Trưởng Ban dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng cho biết: Thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn trẻ em, cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, góp phần nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt, là thực hiện Tiểu dự án 2 nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…/.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ