(Tổ Quốc) - Mười hai quan chức tình báo Nga vừa bị Mỹ cáo buộc đã theo dõi máy tính và lấy trộm dữ liệu từ nhóm tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump có khuynh hướng không quả quyết khi nêu ra vấn đề can thiệp bầu cử với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/7 tới thì bản cáo trạng nhằm vào 12 quan chức tình báo Nga về việc họ đã can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 sẽ khiến cách tiếp cận của ông Trump ban đầu khó khăn hơn nhiều.
Ông Trump phải đối mặt với một tình huống khó khăn hơn trước thềm thượng đỉnh với ông Putin. |
Một bồi thẩm đoàn liên bang ngày 13/7 đã cáo buộc các quan chức của cơ quan tình báo quân sự Nga – GRU đã bí mật theo dõi máy tính và lấy trộm dữ liệu từ nhóm tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Nga cho biết không có bằng chứng cho thấy 12 người bị Hoa Kỳ truy tố ngày 13/7 có liên quan đến hoạt động tình báo quân sự hoặc đã có hành vi xâm nhập vào mạng máy tính của đảng Dân chủ Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết bản cáo trạng này có ý định phá hủy bầu không khí trước hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Helsinki ngày 16/7.
Theo Reuters, các cáo buộc này tạo nên một điểm nóng mới về cách ông Trump sẽ gặp ông Putin. Trước đó Nga đã phủ nhận mọi liên quan đến các cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 để giúp ông Trump thắng cử.
Ông Trump trước đó đã chỉ trích cuộc điều tra về mối liên quan giữa nhóm tranh cử của ông với phía Nga, gọi đây là "cuộc săn lùng phù thủy" và tỏ ra muốn tăng cường hợp tác với ông Putin.
Jeffrey Mankoff, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS cho biết: “Ông Trump có thể có ít không gian để xoay sở hơn nếu ông ấy từ đầu muốn giảm nhẹ hoặc giả vờ rằng vấn đề này (cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ) không thực tế”.
Các nhà phê bình khác vẫn bày tỏ sự hoài nghi rằng ông Trump sẽ đẩy mạnh nội dung này, bất chấp bản cáo trạng trên.
Nhiều nghị sĩ dân chủ đã kêu gọi ông Trump hủy bỏ cuộc gặp gỡ với ông Putin. Nhà Trắng đáp lại rằng, việc các cáo buộc trên được đưa ra sẽ không ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga.
Garrett Marquis, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết: “Thông báo này không ảnh hưởng đến cuộc họp hôm thứ hai.
Dù vậy, khi thượng đỉnh diễn ra, tuỳ theo mức độ cứng rắn của ông Trump đối với việc nêu ra vấn đề can thiệp bầu cử, có thể gia tăng sự chia rẽ giữa Tổng thống Mỹ và các cố vấn riêng của ông, chưa kể đến các thành viên Cộng hòa khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, ít nhất là trước khi gia nhập Nhà Trắng, cả hai đều có lập trường cứng rắn với Moscow hơn là Tổng thống mà họ đang phục vụ.