(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đưa thêm quân tới chiến trường Syria, nơi họ đang hợp tác với Nga để chấm dứt cuộc xung đột hơn 6 năm qua.
"Những người lính của chúng tôi ở biên giới đã sẵn sàng cho một sứ mệnh (tại Syria) bất cứ lúc nào", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Toàn cầu Bloomberg ở New York. Ông nói rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đã chống lại các lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tay súng người Kurd ở phía bắc Syria kể từ tháng 8 năm ngoái, sẽ mở rộng hoặc cắt giảm sự hiện diện tại đây tùy theo yêu cầu.
Ông Erdogan nói rằng nước ông, một thành viên của NATO, đang "gặt hái được thành quả" bằng cách bắt tay với Nga tại Syria. Ông nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc thảo luận trên diện rộng về vấn đề này với Mỹ từ thời chính quyền Tổng thống Obama, "nhưng không thể đạt được kết quả nào."
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết ông sẽ thảo luận thêm với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi hai nhà lãnh đạo ăn tối vào tuần tới.
Giống như Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lực lượng nổi dậy trong cuộc xung đột Syria. Tuy nhiên, khi sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria đã mang lại nhiều thắng lợi cho Tổng thống Bashar al-Assad và khiến cục diện Syria thay đổi, ông Erdogan đẩy mạnh hợp tác với Nga và Iran để bình ổn chiến sự tại nước này.
Cùng với quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Nga, nhiều nhà phân tích đã dấy lên nghi ngờ về lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh phương Tây.
Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ?
Ông Erdogan đã cho biết thỏa thuận vũ khí với Nga bắt nguồn từ nhu cầu của đất nước này để bảo vệ chính mình. "Chúng tôi sẽ tự lo cho quyền lợi nếu chúng tôi không thể có được nếu chúng tôi không thể có được vũ khí mà chúng tôi muốn từ các nước NATO", ông nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ tại một Diễn đàn của Bloomberg. (Nguồn: Bloomberg) |
Ông Erdogan đã nói về các trụ cột khác của mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây: mong muốn của nước này trong việc gia nhập Liên minh châu Âu, đã trải qua vài thập kỷ và bị ngưng trệ trong những năm gần đây.
Khi được hỏi lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ nỗ lực, ông nói đó là một "câu hỏi hay" và nhấn mạnh rằng chính phủ của ông sẽ không phải là bên rời khỏi tiến trình đàm phán tư cách thành viên EU. Ông so sánh mối quan hệ này với một trận đấu đấu vật. "Chúng tôi không bao giờ chạy trốn khỏi tấm thảm đấu", ông nói. "Hãy để họ làm việc đó. Hãy để họ đưa ra quyết định."
Các nhà phê bình châu Âu đã chỉ trích chính phủ Erdogan về những hành động bắt bớ, truy lùng sau vụ đảo chính thất bại tại nước này hồi năm ngoái. Reuters ngày 31/7 dẫn tin từ Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, có 1.098 người bị bắt do nghi liên quan đến các tổ chức phiến quân hoặc âm mưu đảo chính bất thành năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang giam giữ 188 nhà báo, nhiều hơn bất cứ nước nào khác, theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới. Nước này xếp hạng 155/ 179 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2017 của tổ chức này.
Về phần mình Tổng thống nói rằng hầu hết các phóng viên bị giam giữ - do các tổ chức nhân quyền nêu ra "không phải là các nhà báo. Hầu hết đó là những kẻ khủng bố. Nhiều người đã tham gia vào các vụ đánh bom hoặc trộm cắp."
Căng thẳng về người Kurd
Ông Erdogan cũng cáo buộc các đồng minh phương Tây thực hiện tiêu chuẩn kép. Ông nói rằng nhà lãnh đạo một phong trào Hồi giáo được cho là đã xúi giục cuộc đảo chính thất bại chống lại chính phủ của ông hồi năm ngoái vẫn tự do ở Mỹ, trong khi những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ để buộc Đức thực hiện các hành động chống lại các chiến binh người Kurd ở nước này đã bị bác bỏ.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq đã phát triển mạnh mẽ dù chính phủ của ông Ergogan vẫn phản đối mạnh mẽ phong trào người Kurd đang tìm kiếm tự trị tại nội địa. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu người Kurd ở Iraq tiến hành trưng cầu dân ý vào tuần tới.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với các cộng đồng người Kurd ở miền bắc Iraq nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, ông Erdogan nói. Ông đang chuẩn bị cho một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia và sẽ thảo luận về phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với vấn đề này vào ngày 22/9. Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Iran và Syria, có thiểu số người Kurd sinh sống, đều phản đối bất kỳ hành động nào nhằm tìm kiếm quyền tự trị của người Kurd tại Iraq do lo ngại xu hướng này có thể lan rộng.
"Chúng tôi đã nói rằng Iraq không bao giờ được phân chia," ông Erdogan cho biết. Thổ Nhĩ Kỳ đã cử các phái viên tới gặp các nhà lãnh đạo người Kurd ở Iraq để nói rằng họ "không bao giờ nên rơi vào sai lầm này". "Nhưng thật không may, họ đã mắc sai lầm."
Theo Bloomberg