• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nông dân Ấn Độ bứt phá hiệu quả chống chọi với hạn hán

Thế giới 27/12/2022 16:11

(Tổ Quốc) - Người nông dân Ấn Độ tập trung vào trồng thanh long vì lợi nhuận cao, khả năng kháng sâu bệnh và phát triển trong điều kiện khô cằn cũng như nhu cầu nước tương đối thấp.

Theo trang SCMP, thanh long là loại cây trồng phổ biến mà hầu hết người nông dân nào ở Ấn Độ cũng lựa chọn để thu lợi nhuận. Bên cạnh đó, loại cây này cũng có khả năng kháng sâu bệnh tốt, phát triển trong điều kiện khô cằn và nhu cầu nước tương đối thấp.

Nông dân Ấn Độ bứt phá hiệu quả chống chọi với hạn hán - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP

Bà Siddhu Arani, một nông dân Ấn Độ đã trồng 1.600 cây thanh long ở ngôi làng chịu hạn hán thường xuyên Maroli thuộc bang Maharashtra cách đây một thập kỷ. Chỉ trong vòng 3 năm, người nông dân trồng loại cây ăn quả này không chỉ thu hồi được khoản đầu tư ban đầu mà còn thực sự kiếm được lợi nhuận hàng năm lên tới 400.000 rupee.

"Lợi nhuận hàng năm cao hơn 50% so với thu nhập từ nho và lựu mà tôi trồng trước đây. Ở những vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thanh long là cây trồng duy nhất có thể sống sót", bà Arani nói.

Không riêng bà Arani, một số nông dân khác ở các vùng bán khô hạn và bị hạn hán ở Maharashtra như Gujarat, Karnataka và Andhra Pradesh đều trồng thanh long thay thế cây trồng truyền thống. Từng được xem là loại trái cây "kỳ lạ" và giá trị dinh dưỡng cao cách đây 30 năm nhưng đến năm 2020, Ấn Độ đã xuất khẩu 12.000 tấn thanh long hàng năm. Theo Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ, nước này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng lên 50.000 ha đất để trồng thăng long trong 5 năm tới.

Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia hiện chiếm khoảng 93% sản lượng thanh long trên toàn cầu nhưng Ấn Độ đang lấn sân sang thị trường này. Năm nay, Ấn Độ đã xuất khẩu 1.150 lô hàng thanh long sang Nepal, Maldives và Bhutan và trước đó là xuất khẩu sang Anh và Bahrain.

Giải cứu nông dân Ấn Độ

Goraksha C Wakchaure, nhà khoa học cấp cao tại Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ cho biết thanh long đã "giải cứu" nông dân Ấn Độ trước những thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt thường xuyên, thoái hóa đất, nhiệt độ khắc nghiệt và sâu bệnh. Thanh long có thể được trồng ở những vùng đất bạc màu và dễ bị hạn hán ở các phạm vi nhiệt độ khác nhau.

NV Deshpande, Giám đốc của Yerala Projects Society – một tổ chức phi lợi nhuận giúp thực hiện các kỹ thuật canh tác sáng tạo ở những vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán – cho biết nông dân trồng thanh long có thể thu lại chi phí vốn ban đầu trong vòng ba năm đồng thời có thể kiếm được 400.000 rupee lợi nhuận tích lũy. Chi phí bảo trì khoảng 30.000 rupee hàng năm.

Anandrao Baburao Pawar (80 tuổi), một trong 700 nông dân trồng thanh long ở quận Sangli của Maharashtra cho biết loại cây này cũng kháng sâu bệnh và cần ít nước hơn so với các loại cây khác như mía. Vào cao điểm mùa hè, một mẫu thanh long chỉ cần khoảng 13.600 lít nước mỗi tuần. Trong khi đó, cây mía cần gấp tám lần số lượng đó.

Ông Pawar trồng 1.320 cây thanh long trên một mẫu đất, mang lại năng suất 200kg vào năm 2017; 1,7 tấn vào năm 2018 và 6,6 tấn vào năm 2019. Sau đó, ông trồng thêm 3.280 cây non trên một mẫu đất khác và tổng cộng hai mẫu đất đó đã cho ra 9,2 tấn quả trong năm nay, giúp ông kiếm 820.000 rupee (9.900 USD) tiền lãi từ việc trồng thanh long.

Trồng thanh long mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với trồng nho. Lata Aigale, một nông dân ở làng Ajur thuộc quận Belgaum của Karnataka bày tỏ hy vọng chính quyền sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho nông dân trồng thêm thanh long - những người thường rất khó khăn để tiếp cận trợ cấp của chính phủ.

Tại ngôi làng Chiklod ở Madhya Pradesh, nơi nhiệt độ có thể lên tới 45 độ C vào mùa hè, Amitesh Argal, một người làm vườn 30 tuổi bắt đầu trồng thanh long vào năm ngoái trên đất cát, đá không thấm nước. Tuy nhiên, anh hy vọng sẽ thu hồi vốn đầu tư 700.000 rupee trong vòng hai năm tới. Lợi nhuận của việc trồng thanh long cũng đang thu hút đầu tư từ các chuyên gia giàu có. Chủ ngân hàng đầu tư Parth Mirani đã đầu tư 6 triệu rupee (72.400 USD) vào năm 2018 trên 9 mẫu Anh (3,6 ha) canh tác thanh long ở bang Chhattisgarh của miền Trung Ấn Độ – nơi có khí hậu khô hạn quanh năm – mang lại cho anh ta khoản lãi hàng năm là 2,5 triệu rupee từ năm thứ ba trở đi.

Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản đầu tư đều thành công như vậy. Chẳng hạn như Kalpesh Hariya, Giám đốc của Auroch Agro Products, và hai đối tác của ông đã đầu tư khoảng 10 triệu rupee vào 6 ha đất ở quận Kutch bán khô cằn của Gujarat vào năm 2014. Ban đầu kết quả mang lại không khả thi nhưng năng suất chỉ bắt đầu cải thiện vào năm 2016 sau khi hạ thấp độ pH của đất, làm cho đất ít kiềm hơn và trồng lại hơn 18.000 cây con. 1,5 năm sau, họ thu hoạch khoảng 14 tấn trái cây và mang lại lợi nhuận tốt./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ