• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nóng diễn biến chiến sự: Libya giục Mỹ lập căn cứ đối phó Nga

Thế giới 24/02/2020 09:19

(Tổ Quốc) - Người đứng đầu an ninh Libya kêu gọi Mỹ thiết lập một căn cứ ở quốc gia Bắc Phi này để đối trọng với Nga – hiện đang mở rộng ảnh hưởng ở Châu Phi.

Fathi Bashagha, bộ trưởng nội vụ của chính quyền có trụ sở ở Tripoli, cho biết chính phủ của ông đã đề xuất việc mở một căn cứ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đưa ra kế hoạch thu hẹp sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trên lục địa và tái trọng tâm việc triển khai trên toàn cầu để đối đầu với Nga và Trung Quốc. Chính phủ Bashagha trong nhiều tháng qua đã rơi vào cuộc xung đột kéo dài với các lực lượng đang muốn giành quyền kiểm soát thủ đô do Tướng Khalifa Haftar dẫn đầu – người được cho là đang nhận được sự hỗ trợ của các lực lượng lính đánh thuê Nga.

"Việc tái bố trí lực lượng này chưa rõ ràng đối với chúng tôi", ông Bashagha nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg hôm thứ Sáu. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng việc tái bố trí bao gồm cả Libya để nơi này không để lại khoảng trống để Nga có thể khai thác.

Quốc gia giàu dầu lửa này là một trong những điểm đến chính để Nga đẩy mạnh ảnh hưởng trong năm qua. Hơn một ngàn lính đánh thuê, được cho là do một người thân thiết với Tổng thống Vladimir Putin triển khai, đã tới để hỗ trợ cuộc tấn công nhằm vào Tripoli của Haftar.

Bashagha cảnh báo rằng sự ủng hộ của Nga đối với lực lượng của ông Haftar là một phần trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng rộng lớn hơn.

Ông Bashagha nói rằng: "Người Nga ở Libya không chỉ vì Haftar. Họ có một chiến lược lớn ở Libya và châu Phi".

Cánh cổng đến lục địa đen

Kế hoạch của ông Esper về việc rút quân khỏi châu Phi đã dấy lên sự chỉ trích tại Quốc hội, khi 11 nhà lập pháp do Phó Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Anthony Brown, một thành viên đảng Dân chủ, lưu ý trong một bức thư hồi tháng trước rằng Nga và Trung Quốc đang đầu tư vào lục địa này để tăng cường ảnh hưởng. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, một đồng minh hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, cũng nằm trong nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng, có lập trường đối đầu với ông Esper bên lề một hội nghị an ninh ở Munich và cho biết họ sẽ không ủng hộ kế hoạch này, NBC đưa tin hôm thứ ba.

Nóng diễn biến chiến sự: Libya giục Mỹ lập căn cứ đối phó Nga - Ảnh 1.

Chính quyền Libya - được LHQ hỗ trợ - muốn Mỹ sát cánh nhiều hơn. Ảnh: AFP/Getty.

Vào cuối tháng 1, ông Esper cho biết Hoa Kỳ sẽ rút toàn bộ quân đội khỏi châu Phi, nhưng thừa nhận một bản đánh giá đang được tiến hành để tính đến một chiến lược mới, theo đó sẽ đặt việc chống Nga và Trung Quốc trở thành ưu tiên. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói, nước này có khoảng 6.000 binh sĩ tại châu Phi, bao gồm cả những người bảo vệ các cơ sở ngoại giao.

Một báo cáo của tổng thanh tra Lầu Năm Góc công bố trong tháng này cho biết các hoạt động của Nga tại Libya và Bắc Phi đã đặt ra những thách thức đáng kể cho Hoa Kỳ và các đối tác của họ, làm xói mòn quan hệ quân sự với các nước trong khu vực.

"Libya rất quan trọng ở Địa Trung Hải: nơi đây có sự giàu có về dầu mỏ và bờ biển dài 1.900 km và các cảng cho phép Nga xem nơi này là cửa ngõ vào châu Phi, ông Bashagha nói. Nếu người Mỹ cần một căn cứ, với cương vị chính phủ Libya, chúng tôi sẽ không ngại, để chống khủng bố, tội phạm có tổ chức và hạn chế các nước ngoài can thiệp từ xa. Một căn cứ của Mỹ sẽ dẫn đến sự ổn định".

Cuộc tấn công Benghazi

Hoa Kỳ không đưa lực lượng đến Libya kể từ tháng 4 năm ngoái, khi họ rút quân trong bối cảnh lực lượng của ông Haftar nhắm vào thủ đô. Đất nước này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc tấn công do Hoa Kỳ lãnh đạo năm 2011 và do NATO hậu thuẫn lật đổ chính quyền lâu năm của ông Moammer al-Qaddafi. Năm sau đó, một đám đông do lực lượng cực đoan dẫn đầu đã tấn công lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố phía đông Benghazi, giết chết đại sứ Mỹ Christopher Stevens. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 với Fox News, Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama nói rằng việc không lên kế hoạch cho hậu quả của vụ lật độ Qaddafi là sai lầm tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

"Chúng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ có thể bước ra từ sự cố đáng tiếc này", ông Bashagha nói về cuộc tấn công vào đại sứ quán Mỹ khi đó. "Tất cả người Libya đều hối tiếc. Đó không phải là người dân Libya mà là một nhóm tội phạm nhỏ đã làm điều đó".

Kể từ tháng tư, quyền kiểm soát đất nước đã bị chia rẽ giữa các lực lượng Haftar, những người cũng được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hỗ trợ, và chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận, đang nhận được sự hỗ trợ quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến sự này đã khiến Hoa Kỳ rút một đội quân chống khủng bố khỏi Tripoli – bên đã nhận được sự giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS ở Châu Phi.

Ông Bashagha cảnh báo rằng vũ khí đang đổ vào đất nước này bất chấp lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc. Những loại khí tài này có thể tìm đường đến nước láng giềng Ai Cập, nơi chúng đến tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS ở Sinai và Dải Gaza lân cận.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ