(Tổ Quốc) - Vụ du khách Trung Quốc bị từ chối nhận phòng tại một khách sạn Thụy Điển tiếp tục kéo theo nhiều hệ lụy tới quan hệ hai nước.
Nửa đêm ngày 2/9, một người đàn ông Trung Quốc có họ là Zeng và bố mẹ đã có mặt tại nhà nghỉ Generator Stockholm, ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) – sớm 14 giờ so với giờ làm thủ tục nhận phòng. Gia đình này đã bị nhà nghỉ từ chối không cho chờ ở sảnh và sau đó bị một nhóm cảnh sát Thụy Điển lôi đi. Video của Zeng đăng tải trên mạng cho thấy cảnh sát thả bố mẹ anh này tại vỉa hè gần một khu nghĩa trang hoang vắng.
Ngày hôm sau, Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển đã công khai chỉ trích cách hành xử của lực lượng cảnh sát Thụy Điển, đồng thời đưa ra cảnh báo tới các du khách Trung Quốc muốn tới quốc gia châu Âu.
Mọi chuyện chưa dừng ở đây, tuần trước, đài truyền hình quốc gia Thụy Điển STV bất ngờ phát sóng một video trong đó liệt kê những điều “được làm và không được làm” dành cho du khách Trung Quốc. Ngay lập tức, Đại sứ quán Trung Quốc lại có phản ứng, cáo buộc nhà sản xuất video và người dẫn chương trình Jesper Rönndahl là “truyền bá và ủng hộ cho sự phân biệt chủng tộc và bài ngoại”.
Cùng lúc, một số cư dân mạng Trung Quốc đã “vượt tường lửa” và để lại hàng nghìn bình luận tiêu cực trên các trang Facebook của Bộ Ngoại giao Thụy Điển, đài STV và Rönndahl (thông thường Facebook bị chặn truy cập tại Trung Quốc). Trên nhiều trang mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi người dân Trung Quốc không du lịch tới Thụy Điển. Một số người khác đề xuất tẩy chay Ikea, thương hiệu nội thất và đồ gia dụng nổi tiếng đến từ quốc gia Bắc Âu.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến phê phán gia đình Trung Quốc và cho rằng, không cần phải chĩa mũi dùi về phía Thụy Điển.
Hai cảnh sát Thuỵ Điển khiêng người đàn ông ra khỏi nhà khách (ảnh: SCMP) |
Du lịch và lữ hành chiếm chưa đầy 1/10 GDP của Thụy Điển năm 2017. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều du khách Trung Quốc chọn Thụy Điển cho chuyến du lịch của mình. Theo thống kê của Học viện Du lịch Trung Quốc tại Bắc Kinh, Thụy Điển cũng là một trong 10 điểm đến có tỷ lệ khách Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất trong nửa đầu năm nay.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định, ảnh hưởng của sự kiện trên tới Thụy Điển sẽ là rất nhỏ. Giáo sư Jiang Shixue của Đại học Thượng Hải cho rằng, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ không có hành động nhằm vào các công ty Thụy Điển.
“Thụy Điển cách Trung Quốc rất xa và chi phí đắt đỏ, vì vậy không có nhiều người Trung Quốc đến đây du lịch như các nơi khác”, ông Liu nói.
Tuy nhiên, Björn Jerdén, người đứng đầu Học viện các vấn đề đối ngoại của Thụy Điển cảnh báo, vẫn còn quá sớm để nói về các ảnh hưởng kinh tế mà Thụy Điển có thể phải gánh chịu sau chiến dịch kêu gọi tẩy chay từ người dùng mạng Trung Quốc.
Năm 2016 và 2017, một chiến dịch không chính thức tẩy chay các sản phẩm Hàn Quốc nhằm phản đối lại việc Seoul triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa THAAD - đã khiến đế chế Lotte của Hàn Quốc tổn thất khoảng 140 triệu USD tại thị trường Trung Quốc trong vòng hai năm.