(Tổ Quốc) - Căn cứ không quân chính của quân đội Nga tại Syria ngày 26/6 đã tuyên bố chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn với Mỹ và Jordan ở phía tây nam Syria.
Căn cứ không quân chính của quân đội Nga tại Syria ngày 26/6 đã tuyên bố chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn với Mỹ và Jordan ở phía tây nam Syria và chỉ ra các hành vi vi phạm của các nhóm nổi dậy tại đây.
Quyết định này được đưa ra vào thời điểm Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang tiến hành một cuộc tấn công mới để chiếm lại một trong những khu vực cuối cùng do phe nổi dậy kiểm soát tại nước này.
Nga tăng cường hỏa lực tại Syria?
Căn cứ Hmeymim, có một sân bay nằm ở tỉnh bờ biển phía tây của Latakia, là một trong hai căn cứ quân sự Nga thuê ở Syria, cùng với một căn cứ hải quân nằm gần bờ biển ở Tartus. Các máy bay chiến đấu của Nga - có thể đang đậu tại Hmeymim, ngày 25/6 được cho là đã tấn công các mục tiêu ở tỉnh tây nam Daraa, nơi Nga và Syria hồi năm ngoái đã nhất trí ngừng bắn với các nhóm dậy – được Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh Ả Rập hỗ trợ.
"Sự kết thúc của thời kì giảm leo thang ở miền nam Syria có thể được xác nhận sau khi nó đã bị vi phạm bởi các nhóm cực đoan và các nhóm vũ trang bất hợp pháp hoạt động chống lại lực lượng chính phủ Syria. Dù vậy, thỏa thuận vẫn còn hiệu lực ở tỉnh Idlib của Syria," Kênh trung tâm của căn cứ quân sự Hmeymim viết trên Facebook.
Căn cứ này cũng bác bỏ thông tin về thương vong dân sự trong một thông điệp sau đó, nói rằng "máy bay ném bom của Nga không nhắm vào các cơ sở dân sự. Nhiệm vụ của chúng tôi bị giới hạn trong việc phá hủy các căn cứ khủng bố của Mặt trận Nusra và ISIS và để hỗ trợ lực lượng mặt đất tiến quân trên chiến trường".
Khói bốc lên tại khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát tại Daraa sau các cuộc không kích của quân đội Syria ngày 26/6. |
Thông tin trên cũng được tờ Asharq Al-Awsat của Saudi Arabia đăng tải - xuất hiện khi quân đội Syria đang băng qua các thị trấn và làng mạc của nhiều nhóm nổi dậy khác nhau, bao gồm các tay súng của nhóm Quân đội Syria tự do (FSA) và Hayat Tahrir al-Sham - nhóm gần đây đã được thêm vào danh sách các tổ chức khủng bố được Mỹ công nhận do các mối quan hệ với Al-Qaeda. Đã có nhiều lời kêu gọi Hayat Tahrir al-Sham đưa ra các tuyên bố thúc giục các phe nổi dậy đoàn kết chống lại chính phủ Syria và lên án những lực lượng hiện đang cố gắng môi giới một thỏa thuận hòa giải với Damascus.
Yếu tố căng thẳng Israel - Iran
Sự sụp đổ lệnh ngừng bắn cũng diễn ra vào thời điểm có các cuộc không kích nhắm thẳng vào sân bay quốc tế Damascus ngày 26/6. Trong khi cuộc tấn công vẫn chưa được xác nhận, nó đã được đổ lỗi là do Israel – vốn hiếm khi lên tiếng chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công chống lại các mục tiêu Iran và lực lượng thân Iran ở nước láng giềng Syria. Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR) – có lập trường thân phe đối lập Syria đã cho biết các máy bay của Israel đã tấn công "một lô hàng vũ khí Iran" ở sân bay Damacus, trong khi tờ Sputnik News của Nga cho biết một chiếc máy bay chở hàng của Iran có thể là mục tiêu trong vụ tấn công ngày 26/6.
Hãng thông tấn Ả Rập Syria chính thức cho biết, hai tên lửa của Israel rơi gần sân bay chính của nước này, tuy nhiên, không xác định cụ thể mục tiêu. Kênh thông tin này liên kết cuộc tấn công nghi là do Israel trên với chiến dịch của chính phủ Syria nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ rộng lớn tại Al-Lajat, Daraa, nơi các cường quốc quốc tế đã và đang vội vã ngăn chặn một sự leo thang lớn hơn giữa Iran và Israel.
Hoa Kỳ và Nga đã lặng lẽ mở các kênh đàm phán với Jordan nhằm loại trừ các lực lượng Iran và các nhóm thân cận với Iran tham gia chiến dịch của chính phủ Syria ở phía tây nam nước này. Israel coi sự hiện diện của Tehran là một sự khiêu khích và nhiều năm nay đã tiến hành đánh bom tài sản quân sự được cho là của Iran tại Syria. Khi các lực lượng dân quân được Iran hỗ trợ tại Syria vào tháng trước đã phản ứng trước các động thái từ phía Israel bằng cách phóng tên lửa nhắm vào cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, Israel đã ngay lập tức trả đũa bằng các cuộc không kích quy mô lớn chưa từng có vào Syria kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Bất chấp sự phản đối với ông Assad, Hoa Kỳ và Jordan đã giảm bớt sự ủng hộ đối với các nhóm nổi dậy khi lực lượng này ngày càng liên kết chặt chẽ với các nhóm cực đoan.
Trong một thông điệp nghiêm khắc được Reuters đăng tải thứ bảy tuần trước, Washington đã nói với các chỉ huy FSA rằng "các ông không nên đưa ra quyết định của bạn dựa trên giả định hoặc kỳ vọng về một sự can thiệp quân sự từ chúng tôi". Jordan đã nhiều lần tuyên bố rằng sẽ không mở cửa cho bất kỳ chiến binh hay thường dân nào chạy trốn đến biên giới phía nam Syria và nước này, với Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi khẳng định "biên giới của chúng ta sẽ vẫn đóng cửa" trong một tweet ngày 26/6.
Các nhóm do Iran hậu thuẫn, như phong trào Hồi giáo Shiite Hezbollah của Lebanon, được cho là đã rút khỏi phía tây nam Syria như một phần của thỏa thuận gần đây với các cường quốc. Nhưng Iran luôn kiên trì nói rằng sẽ không rời Syria trừ khi được chính quyền nước này yêu cầu.
Tuy nhiên, các cuộc không kích mới nhất vào sân bay Damascus (nếu do Israel thực hiện) có thể cho thấy thỏa thuận giữa các Mỹ, Nga và Jordan đã tan vỡ hoặc họ không loại trừ các cuộc tấn công của Israel vào những nơi khác ở Syria. Tuần trước, đã có các cuộc không kích không được xác nhận (đang được cho là do Mỹ và Israel thực hiện) khiến hàng chục người, kể cả các nhóm dân quân Iraq - ở tỉnh Deir Ezzor, Syria thiệt mạng.
Ông Assad đã hoan nghênh cả Nga và Iran là đối tác trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy và lực lượng cực đoan, nhưng đã kêu gọi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ rút quân ngay lập tức. Iraq, trong khi chỉ trích sâu sắc việc Mỹ và Israel nhắm vào các lực lượng chính phủ Syria, đã duy trì quan hệ chặt chẽ với cả trục Syria-Nga-Iran cũng như liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại IS.
Tình hình xung đột tại Syria đang ngày càng leo thang và khó kiểm soát. Dù IS đã gần như bị đánh bại, vẫn chưa có ánh sáng cuối con đường cho những người dân thường đang ngày ngày sống chung với bom đạn tại Syria.