• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nông nghiệp hợp tác giúp nông dân Thái Lan thoát nghèo

Thế giới 27/10/2023 20:13

(Tổ Quốc) - Trong thời gian qua, Chính phủ và Hoàng gia Thái Lan đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực tới tận cơ sở để nỗ lực giúp những người nông dân nghèo khó tăng thu nhập, thoát nghèo.

Ở nông thôn, Thái Lan thực hiện các dự án nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp hợp tác. Phần lớn những nông dân tham gia dự án đều là những người không có đủ đất làm ruộng, nhiều người thậm chí còn không có đất.

Khi tham gia dự án này, họ được chia đất làm ruộng. Họ không phải trả phí thuê đất mà chỉ phải trả tiền nước tưới tiêu. Để hỗ trợ người dân trong việc tưới tiêu, Viện Tin học Thủy văn đã áp dụng kỹ thuật sản xuất điện từ năng lượng mặt trời cấp điện cho hệ thống tưới tiêu. Hệ thống bao gồm một máy bơm công suất 2 sức ngựa, sử dụng nguồn điện do 9 tấm pin năng lượng mặt trời tạo ra để bơm nước từ hồ chứa lên bồn chứa phía trên. Từ đó, nước theo đường ống nước dẫn tới các thửa ruộng. Với hệ thống này, mỗi hộ chỉ phải trả 2 bạt cho một khối nước tưới. Số tiền thu được chủ yếu được dùng cho mục đích duy trì, vận hành hệ thống tưới nước.

Nông nghiệp hợp tác giúp nông dân Thái Lan thoát nghèo - Ảnh 1.

Nông nghiệp hợp tác là mô hình được áp dụng nhiều ở Thái Lan giúp nông dân thoát nghèo

Tiến sĩ Royboon Rassameethes, Phó Giám đốc Viện thông tin Nông nghiệp và Thủy lợi Thái Lan, cho biết, ban đầu, Dự án “Làng Gajanurak” được triển khai thí nghiệm ở 8 khu làng, sau đó đã được mở rộng thêm 43 khu làng khác. Hiện nay, tổng cộng có 51 khu làng đã triển khai mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu này, chiếm 17% trong tổng số 299 khu làng bị ảnh hưởng bởi nạn voi rừng tàn phá trên khắp Thái Lan.

Một nông dân ở Làng Gajanurak cho biết: Ngày trước tôi phải đi làm thuê, rất vất vả mà thu nhập cũng chỉ được khoảng 300 bạt một ngày. Công việc thì thất thường, lúc có lúc không nên thu nhập không đủ chi tiêu. Bây giờ thì cuộc sống khá hơn rồi. Tôi có thể kiếm đủ tiền để trang trải chi phí cho gia đình và cho con cháu tới trường học.

Cùng với các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ nhằm giảm gánh nặng của người nghèo, cũng như các biện pháp nhằm tăng sức mua và giảm các khoản phí tiện ích, thì những dự án này đã góp phần rất lớn trong thành tựu giảm nghèo mà Thái Lan đã đạt được.

UNDP đánh giá Thái Lan là nước đạt nhiều tiến bộ nhất về xóa đói giảm nghèo trong số các nước ASEAN. Chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI) của Thái Lan đạt 0,002, thấp nhất trong số các nước ASEAN được khảo sát, thí dụ như: Myanmar (0,176), Lào (0,108), Campuchia (0,070), Philippines (0,024), Indonesia (0,014) và Việt Nam (0,008).

Theo đó, chỉ trong 7 năm, Thái Lan đã thành công trong việc giảm một nửa số người nghèo từ 961.000 người năm 2012 xuống chỉ còn 412.000 trong năm 2019, trở thành trở thành một trong 25 quốc gia giảm một nửa giá trị MPI toàn cầu trong vòng 15 năm.

Còn theo bản báo cáo mới nhất của Ủy ban Phát triển kinh tế xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) vừa công bố, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2021, những nỗ lực giảm nghèo của Thái Lan đã giúp đưa tỷ lệ người nghèo ở quốc gia này giảm xuống đáng kể.

Trong năm 2017, có 7,87% số người dân Thái có thu nhập dưới 2.686 bạt/tháng nhưng đến năm 2021, chỉ có 6,32% dân số Thái Lan sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập hằng tháng dưới 2.803 bạt. Trong bản Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội quốc gia lần thứ 12 mà Chính phủ của cựu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đưa ra, Thái Lan đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo khổ xuống dưới mức 6,5%.

Báo cáo của NESDC cho biết, năm 2022, Thái Lan có khoảng 8,1 triệu người nghèo và có 4,4 triệu trong số này đang sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Tuy nhiên, con số này đã thấp hơn đáng kể so mức 4,7 triệu của năm 2021./.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ