• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nóng so kè “đe dọa” Trung, Nga tới quốc phòng Mỹ

Thế giới 24/07/2018 15:12

(Tổ Quốc) - Luật Ngân sách Quốc phòng Mỹ 2019 tỏ rõ lập trường cứng rắn trước hai đối thủ của Mỹ là Nga và Trung Quốc.

CNN đưa tin, phiên bản cuối cùng của Luật Ngân sách quốc phòng Mỹ 2019 đã dành những lời lẽ cứng rắn khi đề cập tới Nga và Trung Quốc, đồng thời giữ nguyên những hạn chế ngăn cản quân đội Mỹ hợp tác với Moscow.

Kêu gọi mở rộng đối phó với cả Nga và Trung Quốc

Theo Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mac Thornberry, khoản ngân sách trị giá 717 tỷ USD “cấm hợp tác quân sự với quân sự” giữa Mỹ và Nga. Những hạn chế này cũng đã áp dụng trong những năm trước; tuy nhiên, năm nay, nó gây chú ý khi được công bố vào thời điểm Moscow đang bày tỏ mong muốn được tăng cường hợp tác với Washington, sau hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ diễn ra tại Helsinki mới đây.

Bản Luật Ngân sách cuối là sự kết hợp từ các phiên bản trước đó của Thượng và Hạ viện Mỹ. Nó ủng hộ kế hoạch của chính quyền Trump phát triển tên lửa đạn đạo hiệu suất thấp nhằm ngăn chặn Nga; cũng như yêu cầu tài trợ gói vũ khí phòng thủ gây sát thương trị giá tới 250 triệu USD cho Ukraine. Ngoài ra, nó đồng ý cung cấp 6,3 tỷ USD cho Sáng kiến ngăn chặn châu Âu với mục tiêu “tăng cường số lượng binh lính Mỹ tại châu Âu, tái trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ, và chặn sự hiếu chiến của Nga”.

Luật Ngân sách quốc phòng cũng cho phép chính quyền ông Trump được gỡ bở các lệnh trừng phạt nằm trong Đạo luật 2017 2017 Đối phó với các kẻ thủ của Mỹ bằng trừng phạt.

Thứ sáu tuần trước (20/7), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã gửi một lá thư tới Quốc hội Mỹ, trong đó nêu rõ, mặc dù “Nga nên gánh chịu những hệ quả cho hành vi hiếu chiến, gây bất ổn của mình”, tuy nhiên việc Quốc hội trao thẩm quyền gỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho Ngoại trưởng Mike Pompeo - là vô cùng cấp thiết.

Ông Mattis phân tích, động thái trên sẽ cho phép các quốc gia khác “xây dựng một mối quan hệ an ninh thân thiết hơn với Mỹ bởi vì họ có thể tiếp tục thoát khỏi trạng thái dựa dẫm vào thiết bị quân sự từ Nga”. Các quan chức Mỹ đặc biệt quan tâm đến một số nước – như Ấn Độ, Indonesia… - một mặt, hiện đang tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ, mặt khác lại vẫn mua thiết bị quân sự do Nga sản xuất với quy mô lớn.

Trong khi ông Mattis “đặt lòng tin” vào Ngoại trưởng Pompeo, thì Quốc hội Mỹ lại trao quyền lực vào tay Tổng thống Donald Trump. “Quốc hội muốn nâng thẩm quyền gỡ bỏ [lệnh trừng phạt] lên tầm Tổng thống như một dấu hiệu để chính quyền thấy rằng, họ nghiêm túc với việc này như thế nào”, Claude Chafin, một phát ngôn viên của Hạ Viện Mỹ nói với CNN.

Bên cạnh Nga, Luật Ngân sách quốc phòng Mỹ 2019 còn thể hiện một lập trường cứng rắn trước Trung Quốc khi kêu gọi Chính phủ phải có chiến lược đối phó với các hành động của Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời mở rộng hợp tác quân sự giữa Mỹ với các nước và lãnh thổ trong khu vực, bao gồm cả Đài Loan.

Luật “cấm bất kỳ cơ quan chính phủ nào của Mỹ sử dụng các công nghệ được cho là có nguy cơ do Huawei hoặc ZTE – hai công ty có liên hệ với tình báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc…”. Nó cũng cấm các đơn vị hợp tác với chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ của Huawei hoặc ZTE. Theo ban cố vấn Quốc hội Mỹ, các công ty đang làm việc với chính phủ liên bang sẽ có 5 năm để từ bỏ các công nghệ bị nghi ngờ.

Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng được thắt chặt (ảnh: AP)

Nguy cơ từ Trung Quốc lớn hơn so với Nga

Chuyển sang một động thái khác, một cựu Tư lệnh tối cao NATO, Tướng về hưu Jim Jones nhận định, so với Nga, ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Trung Quốc trên toàn cầu, nên là mối quan tâm lớn hơn cho nước Mỹ.

“Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu là cố gắng thay thể Mỹ… vào năm 2020, 2040,” ông Jones giải thích. “Họ đang làm điều này theo một cách rất lặng lẽ - đôi khi không quá yên lặng, nhưng rõ ràng, không thể không thấy rõ tham vọng dài hạn của họ là gì, và chúng ta phải đối phó với điều đó”.

Ông Jones cũng đề xuất, trong thực tế, Nga không phải là một thách thức lớn cho Mỹ. Theo ông, cho dù Tổng thống Putin và Nga có thể “nguy hiểm”, nhưng họ không phải là mối đe doạ hàng đầu.

“Tôi không cho rằng chúng ta đang đứng trước một Thế chiến III”, ông chỉ ra.

Nhận định của vị tướng nghỉ hưu cũng nhận được sự đồng tình từ một số quan chức tình báo cấp cao của Mỹ. Hôm thứ Bảy (21/7), Phó trợ lý giám đốc của Trung tâm sứ mệnh Đông Á thuộc CIA đánh giá, Trung Quốc là mối đe doạ lớn nhất mà Mỹ đang phải đối mặt. Ông nhìn nhận, các hành động của Trung Quốc hiện có thể định nghĩa như một “cuộc chiến tranh lạnh”, và Bắc Kinh muốn “mỗi quốc gia trên thế giới” đều ủng hộ cho lợi ích của Trung Quốc trước Mỹ.

Tuần trước, Giám đốc FBI Christopher Wray cũng tiết lộ, cơ quan của ông đang coi Trung Quốc là mối đe doạ nghiêm trọng nhất. Theo ông, FBI đang điều tra các vụ việc kinh tế bị cáo buộc là có quan hệ với Bắc Kinh, trên toàn bộ 50 bang của Mỹ.

“Quy mô của nó, sự lan toả của nó, ý nghĩa của nó là điều mà tôi cho rằng, Mỹ không thể đánh giá thấp”, ông Wray nhấn mạnh.

Washington và Bắc Kinh hiện đang ở trong một cuộc xung đột thương mại căng thẳng, dính dáng tới hàng tỷ USD hàng hoá của cả hai nước. Trung Quốc và Mỹ cũng có những bất đồng trong vấn đề Biển Đông. Cùng lúc, mối quan hệ của Trung Quốc với Nga lại ngày càng gần gũi hơn. Đầu tháng Sáu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi ông Putin là “người bạn tốt và thân thiết nhất của tôi” khi trao tặng cho Tổng thống Nga một huân chương đại diện cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia. 

 

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ