(Tổ Quốc) - Trước thềm hội nghị tại Singapore, Bình Nhưỡng tỏ ra chiếm ưu thế trước Mỹ trong vòng “khởi động” đầy gay cấn.
Cuộc gặp vào ngày 12/6 tới đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là sẽ đánh dấu cái kết của giai đoạn “tiền thượng đỉnh”, hay còn có thể coi là vòng đàm phán đầu tiên.
Do phần lớn những thương lượng đều diễn ra công khai, nên kết quả ai là người chiến thắng trong giai đoạn “tiền thượng đỉnh” này, có thể đánh giá qua việc so sánh chương trình nghị sự của mỗi bên, với những nhượng bộ mà họ đã chấp nhận. Cả Mỹ và Triều Tiên đều có những chiến thắng nhất định, nhưng có vẻ như ông Kim là người thu được nhiều hơn.
Chương trình nghị sự của Bình Nhưỡng bao gồm hai mục tiêu: “giải trừ” mối đe doạ tấn công phủ đầu của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa trên lãnh thổ Triều Tiên; và khiến cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế áp dụng cho mình. Ông Kim cũng hy vọng quốc tế, đặc biệt là Washington công nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu hạt nhân, từ đó dẫn đến viễn cảnh Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên và dần dần làm suy yếu liên minh Mỹ - Hàn Quốc.
Trong khi đó, chương trình nghị sự của Washington bắt đầu từ lợi ích của Mỹ trong việc thuyết phục Triều Tiên dừng và từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ông Trump cũng muốn ghi dấu ấn của mình với việc đạt được một thoả thuận mang tính lịch sử, giải quyết một vấn đề khó khăn mà những người tiền nhiệm chưa làm được.
Thành công lớn nhất của ông Kim Jong-un trong năm nay là có được một cuộc gặp song phương với Tổng thống Trump. Tờ South China Morning Post nhận định rằng, ông Kim có thể đã đạt được nó nhờ những điều không rõ ràng.
Chính sách của nước Mỹ kể từ chính quyền Obama là Washington không thể đàm phán với Triều Tiên trừ khi chính phủ Bình Nhưỡng đồng ý trước tiên là giải giáp hạt nhân. Cuộc thương lượng có thể là về cái giá mà Mỹ phải trả cho Triều Tiên để từ bỏ các tên lửa và bom hạt nhân. Do Bình Nhưỡng nhiều lần tuyên bố sẽ không bao giờ “bỏ rơi” các vũ khí hạt nhân của mình, hoặc chỉ làm điều đó nếu Mỹ phi hạt nhân hoá trước – không có cuộc đàm phán nào diễn ra dưới thời Obama.
Việc Trump đồng ý gặp gỡ tại Singapore không phải là một sự thay đổi hoàn toàn so với chính sách trên. Ông Trump đã ra quyết định này sau khi được Hàn Quốc thông báo rằng, Triều Tiên “cam kết phi hạt nhân hoá”. Điều bất thường về sự đồng ý nhanh chóng của ông Trump, đó là quy trình đã bị đảo ngược. Theo lẽ thường, các nguyên thủ quốc gia chỉ gặp mặt, sau khi các cấp dưới đã hoàn tất việc chuẩn bị một thoả thuận chi tiết và được cả hai bên chấp nhận.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, Bình Nhưỡng lại tỏ ra không còn quá sẵn sàng phi hạt nhân hoá như những gì mà bên trung gian Hàn Quốc đã nói. Các phát biểu của Triều Tiên sau đó đều sử dụng cụm từ “phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên” – trước đây vẫn thường được hiểu là yêu cầu của Bình Nhưỡng rằng, Mỹ - Hàn Quốc phải từ bỏ vũ khí hạt nhân trước, rồi mới đến lượt Bình Nhưỡng.
Các tuyên bố từ giới quan chức Mỹ cho thấy một sự kháng cự đáng kể từ phía Triều Tiên về vấn đề cơ bản trên. Sau một số cuộc gặp mặt với các quan chức lãnh đạo Triều Tiên, bao gồm cả ông Kim Jong-un, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các cuộc nói chuyện “đang đi theo đúng hướng”, và sẽ là bi kịch nếu để “cơ hội này bị bỏ phí”. Nếu theo cách hiểu ngoại giao, điều này đồng nghĩa với “chúng ta vẫn còn cách thoả thuận xa lắm, và không rõ liệu có đạt được nó hay không”.
Ông Trump từng được cho là muốn Triều Tiên chấp thuận hoàn toàn từ bỏ dự án tên lửa hạt nhân vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên; tuy nhiên, giờ đây ông lại cố gắng giảm bớt kỳ vọng: “Tôi chưa bao giờ nói mọi thứ sẽ xong trong một cuộc họp. Tôi nghĩ đó sẽ là một quá trình,” và “hôm nay tôi nói với họ rằng, ‘hãy từ từ… chúng ta có tiến chậm rãi’”.
Ông Kim Jong-un đã đặt chân tới Singapore vào ngày 10/6. |
Tóm lại, vẫn còn rất xa để khẳng định, Bình Nhưỡng có thực sự cam kết với khái niệm phi hạt nhân hoá của Mỹ. Nhà lãnh đạo Kim có thể đã khiến Washington đồng ý ngồi vào bàn đàm phán khi tỏ ra đồng ý với điều kiện tiên quyết mà không thực sự làm đủ những gì đáng lẽ phải làm; dựa vào sự mập mờ trong câu chữ; sự thiếu chính xác qua một bên thứ ba; và cả mong muốn của ông Trump về một thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Ngoài ra, ông Kim cũng đã thành công trong việc giảm nhẹ một số áp lực từ trừng phạt kinh tế lên đất nước mình. Mặc dù Mỹ sẽ không dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào, nhưng ông Trump cho biết, trước thềm hội nghị, sẽ không áp dụng thêm cấm vận. Quan trọng hơn, Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, cũng ra tín hiệu cho thấy sẽ không còn áp dụng cấm vận mạnh mẽ như trước nữa. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên còn nhận được thiện cảm của cộng đồng quốc tế sau một loạt các cuộc gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đó là ba thành công cho ông Kim, trong đó, hai điều rất lớn và một điều mang tính trung bình.
Nước Mỹ cũng có lợi từ giai đoạn phá băng “tiền thượng đỉnh”, nhưng không được nhiều như Bình Nhưỡng. Thứ nhất, ba công dân Mỹ bị Triều Tiên giam giữ đã được trở về nhà. Thứ hai, việc các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân bị tạm ngừng, cũng góp phần làm chậm cuộc chạy đua triển khai năng lực hạt nhân của quốc gia châu Á. Như vậy, hai thành công cho Mỹ: một lớn và một nhỏ.
Tổng kết cuối cho giai đoạn tiền thượng đỉnh là “Triều Tiên vs Mỹ: 3-2”. Còn bây giờ, tất cả mong chờ đều đang hướng về cuộc gặp tại Singapore. Nếu thượng đỉnh thành công trở thành bước đầu tiên cải thiện đáng kể và lâu dài quan hệ Mỹ - Triều, cả hai nước và khu vực đều giành được thắng lợi lớn. Còn nếu mọi việc không đạt được tiến triển, và Washington lại trở nên “cáu giận”, chính quyền Kim Jong-un rất có thể lại phải đối mặt với nguy cơ một cuộc tấn công quân sự phủ đầu, từ nước Mỹ./.