(Tổ Quốc) - Đường ống Nord Stream 2 do Nga xây dựng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động vì Đức đã ngừng cấp phép sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra.
Đức muốn quốc hữu hóa một phần Nord Stream 2?
Theo thông tin của hãng thông tấn Reuters (Anh), Đức đang xem xét khả năng quốc hữu hóa đoạn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở nước này để kết nối đoạn đường ống với một kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ biển Baltic.
Cụ thể, Reuters dẫn nguồn tạp chí Đức Der Spiegel ngày 24/6 cho hay Bộ Tài chính Đức đang nghiên cứu khả năng tách phần đường ống trên lãnh thổ Đức ra khỏi toàn bộ hệ thống còn lại.
Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 do Nga xây dựng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động vì Đức đã ngừng cấp phép sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra.
Thông tin trên được Der Spiegel đăng tải trong bối cảnh Đức ngày càng lo ngại về nguồn cung khí đốt của Nga.
Đầu tháng này, tập đoàn Gazprom của Nga đã xác nhận thời gian bảo trì đường ống dẫn khí đốt Nord Stream trong 10 ngày từ 11-21/7, và việc vận chuyển khí đốt sẽ tạm ngừng trong khoảng thời gian bảo trì này.
Tuần trước, công suất vận chuyển khí đốt đến châu Âu của Gazprom thông qua đường ống Nord Stream đã giảm xuống còn khoảng 40% do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Việc đường ống chuẩn bị bảo trì trong 10 ngày càng làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể sẽ không nối lại việc cung cấp khí đốt sau khi bảo trì hoàn thành.
Về phía Nga, Điện Kremlin tuyên bố rằng những thông tin về khả năng Đức "quốc hữu hóa" một phần Nord Stream 2 chỉ là giả thuyết:
"Nếu thực sự có hành động như vậy, thì luật sư sẽ vào cuộc để đánh giá pháp lý phù hợp và chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề này. Nhưng hiện tại chúng tôi chưa biết điều đó có đang xảy ra hay không nên chúng tôi chưa thể nói gì thêm", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời báo giới hôm 24/6.
Ảnh: Reuters
Châu Âu lo lắng khi Nord Stream sắp bảo trì 10 ngày
Theo Reuters, Bộ trưởng Công nghiệp Cộng hòa Séc Jozef Sikela hôm 24/6 đã bày tỏ sự lo lắng rằng ông "không biết căng thẳng năng lượng sẽ leo thang tới đâu", trong bối cảnh Nga đã giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu và chuẩn bị bảo trì đường ống trong 10 ngày.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa ra cảnh báo tương tự vào hôm 22/6 rằng Nga có thể cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu để củng cố đòn bẩy chính trị của mình.
Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định Nga vẫn là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và "thực hiện nghiêm túc mọi nghĩa vụ" đối với châu Âu.
Tình trạng căng thẳng về nguồn khí đốt đã khiến Đức phải kích hoạt "giai đoạn báo động" của kế hoạch khí đốt khẩn cấp, trong khi những quốc gia khác đã đề ra các biện pháp để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt trong mùa đông.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này đang sắp sửa phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nếu nguồn cung khí đốt của Nga vẫn ở mức thấp như hiện tại, và một số ngành công nghiệp sẽ phải đóng cửa nếu không có đủ lượng khí đốt vào mùa đông.
Theo ông Habeck, việc thiếu khí đốt sẽ dẫn đến những hậu quả là "các công ty sẽ phải ngừng sản xuất, sa thải công nhân, chuỗi cung ứng sụp đổ, mọi người sẽ lâm vào cảnh nợ nần...".
Được biết, những năm trước, việc hoàn thành bảo trì đường ống Nord Stream thường kết thúc đúng hạn. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng năm nay, giới phân tích và giao dịch khí đốt cho rằng Nga có thể tận dụng cơ hội "câu giờ" nhằm gây áp lực đối với châu Âu.
Hôm 23/6, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov khẳng định với các nhà báo rằng việc bắt đầu và kết thúc quá trình bảo trì đường ống Nord Stream sẽ tiếp tục "diễn ra đúng đắn và hoàn hảo như mọi năm. Do đó, việc lôi yếu tố chính trị vào mọi thứ ở đây mới là điều kỳ lạ".
Ảnh: Reuters
Đức cảnh báo về giá khí đốt
Đài RT (Nga) dẫn lời người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức đưa tin, người tiêu dùng Đức được cảnh báo rằng hóa đơn khí đốt của họ có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba vào mùa đông tới.
Theo đó, ông Klaus Muller, Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, đã bày tỏ lo ngại về việc Nord Stream sắp ngừng hoạt động tạm thời để bảo trì trong 10 ngày và nguy cơ nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức qua Biển Baltic có thể bị cắt hoàn toàn.
"Hầu hết các kịch bản đều không mấy sáng sủa và có thể dẫn đến tình trạng quá thiếu khí đốt vào cuối mùa đông, hoặc tình hình trở nên rất khó khăn vào mùa thu hoặc mùa đông", ông Muller nói.
Quan chức này đã kêu gọi mọi người tiết kiệm năng lượng khi hóa đơn tăng cao./.