• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ sĩ Trần Hạnh: Từ anh thợ đóng giày đến nghệ sĩ nhân dân ở tuổi 90

Văn hoá 20/08/2019 13:41

(Tổ Quốc) - "Ở tuổi này được phong tặng NSND tôi mừng lắm, nhưng nếu không được cũng không buồn. Cho đến giờ, tình cảm của khán giả, của anh em đồng nghiệp là thứ đáng trân trọng nhất. Anh em quý tôi lắm, có vai nào họ lại bảo gọi Hạnh đi để nó kiếm tiền nuôi vợ con".

Hiền hậu, chất phác giống hệt những vai diễn mà ông được khán giả nhớ đến. Ở tuổi 90, nghệ sĩ Trần Hạnh ngày ngày vẫn ngồi cùng con dâu và con trai trông cửa hàng ở số 22 Trần Quý Cáp, Hà Nội. Sức khỏe đã sa sút nhiều sau đợt ốm vừa rồi, nhưng gặp chúng tôi, người nghệ sĩ già vẫn hào hứng kể về những kỷ niệm của đời diễn viên, thậm chí, lúc cao hứng còn ngâm mấy câu thơ trong một vai diễn từ hơn 50 năm trước.

IMG-9846

NS Trần Hạnh: Được anh em đồng nghiệp, khán giả quý mến là điều hạnh phúc nhất. Được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND nữa thì không còn mong ước gì hơn (ảnh Hà An)

+ Thưa ông, ông đón nhận tin mình được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu NSND như thế nào? Ông có cảm xúc gì khi đón nhận tin này?

- Tôi giờ không đọc được báo, cũng không biết gì. Cách đây độ 1 tháng thấy hàng xóm và con dâu đọc báo bảo thế thì mới biết. 60 năm làm nghề, tôi chưa bao giờ nghĩ được nọ được kia. Chỉ mong làm nhân vật thật tốt, thật tròn vai, được khán giả yêu quý thế là mừng rồi. Lần này, được Nhà nước, Chính phủ quan tâm tặng danh hiệu thì rất mừng, nhưng không có thì cũng không giận…

+ 60 năm làm nghề, ông nhớ nhất vai diễn nào của mình?

- Vai diễn nhớ nhất trong đời là vai sân khấu Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa, của Đoàn Kịch nói Hà Nội năm 1965. Vai diễn để lại ấn tượng tốt, đạo diễn khen, khán giả khen, người làm nghề quý. Tôi nghĩ thế là được.

Khán giả Hà Nội ngày ấy tuyệt vời lắm. Lúc ấy đất nước vẫn đang còn chiến tranh, nhưng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật rất lớn. Chúng tôi có những ngày diễn 3 buổi, sáng chiều tối, mệt lắm rồi, không thể làm nổi nhưng khán giả vẫn đến cổ vũ nhiệt tình. Đi các vùng nông thôn cũng được người dân chào đón, quý lắm.

Làm phim thì tôi nhớ nhất trong phim Người không may mắn, phim nhựa. Còn thì hàng trăm vai truyền hình, điện ảnh khác không nhớ hết. Tôi cũng không có thói quen ghi lại nên không nhớ được hết.

IMG-9856

NS Trần Hạnh: Tôi may mắn được các đạo diễn tài năng chỉ bảo (ảnh Hà An)

+ Con đường đưa anh thợ giày Trần Hạnh đến với sân khấu là như thế nào, thưa ông?

- Xuất thân trong gia đình không ai làm nghề diễn xuất, tôi lúc ấy cũng đang làm nghề thợ giày. Hồi ấy đã gần 30 tuổi, có vợ và ba con rồi. Tôi có được ông giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội lúc bấy giờ quen và yêu quý. Ông ấy bảo, cậu làm ăn thế này làm sao nuôi được vợ con, để tôi viết cho cậu mấy chữ để cậu đi làm. Thế là tôi được đi làm ở Đoàn kịch nói Hà Nội, được lương hạng hai, 40 đồng, đong được mấy yến gạo, nuôi được vợ con. Hồi ấy vợ làm nghề đan, gửi sang Liên Xô, không ăn thua.

Được làm nghề diễn tôi thích lắm. Thích nhất là luôn được thay đổi, được vào nhiều vai, nhiều nhân vật, lúc vui lúc buồn, nhiều cảm xúc. Đến năm 1989 về hưu, bắt đầu làm phim truyền hình, phim nhựa. Lúc ấy 60 tuổi, tôi không như bây giờ đâu, trông "khang trang" lắm, trông tôi có vẻ được (cười). Anh em quý, họ bảo nhau, có vai nào thì gọi thằng Hạnh, cho nó đi làm để nuôi vợ con.

+ Không học diễn xuất một cách chuyên nghiệp, sau 5 năm vào Đoàn kịch, ông được giao vai chính trong vở Lam Sơn tụ nghĩa chính tỏ ông cũng đã rất thành công. Vậy, ông làm thế nào để có thể diễn được tốt như vậy?

- Điều may mắn của tôi có lẽ là được làm việc với các đạo diễn tài năng. Tất cả đều do đạo diễn chỉ dẫn. Hồi đó tôi được làm với toàn những đạo diễn tên tuổi như Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức… các ông nắn từ cái tay, từng bước chân đi. Giờ các ông đều đã mất rồi. Nhớ lắm, thương lắm, giờ thì không còn ai cả!

Thời ấy nghèo nhưng các vở kịch được làm tử tế lắm, như vở Lam Sơn tụ nghĩa, có cảnh Nguyễn Trãi ngâm thơ. Tôi có biết ngâm thơ đâu. Thế là phải mời các cô ở Đài phát thanh đến dạy.

+ Đang làm thợ giầy lại thành nghệ sĩ, ông có được vợ ủng hộ không?

- Bà ủng hộ lắm vì có tiền nuôi được con chứ làm giày có tiền đâu, nghèo đói lắm. Anh em đồng nghiệp thân quen thỉnh thoảng lại biếu dăm cân gạo, gạo hồi ấy 4 hào/cân. Lương 40 đồng là sống được. Sau này bà chỉ trách, mấy chục năm làm nghề, người ta lên ông nọ bà kia, tôi chỉ thế này (cười).

IMG-9871

Gia đình cũng có lúc khó khăn, giờ tôi được thanh thản như thế này, mọi việc đều nhờ con dâu gánh vác hết (ảnh Hà An)

+ Ngày xưa ông "khang trang" thế, bà có ghen không?

- Có, ghen lắm! Có người bạn diễn là Kim Thanh, nhà trên Bưởi, vào vai người làm ở nhà cụ Nguyễn Trãi, về sau cô ấy làm liên lạc, đưa Nguyễn Trãi về Lam Sơn. Tôi đóng với cô Thanh, chỉ đứng từ xa. Trên sân khấu, chỉ đi cùng đò thôi. Đò thì chỉ là mảnh vải, hai người cùng cầm 1 mảnh vải thôi mà bà ghen. Bà lên tận rạp. May quá có bà cô tôi đi xem, can bảo "Mày về ngay, để nó đi làm kiếm tiền nuôi mẹ con mày". Thế mới thôi đấy, kinh lắm! (cười)

+ Sao ông không hướng một người con trong gia đình theo nghề của mình?

- Nghề này lạ lắm, là nghề đi tìm người chứ không phải người đi tìm nghề được đâu. Có dạy bằng mấy cũng chả được, dạy hàng trăm người may ra được một vài người tài năng. Nếu trong tâm rất quý nghề, lao vào thì may ra được, chứ nghề này dạy nhau thì khó lắm!

+ Điều ông cảm thấy may mắn nhất trong cuộc sống hiện nay là gì?

- Ở tuổi này tôi không còn ân hận gì. Được anh em bạn bè, khán giả quý mến, được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu NSND nữa thì quá sung sướng, hạnh phúc rồi, không mong gì nữa.

Tôi có 5 người con, có hai con gái, xong đến hai con trai (hiện ở cùng vợ chồng người con trai đầu và 1 cậu con trai bị tai nạn giao thông từ khi còn trẻ, giờ không được nhanh nhẹn lắm-pv) và một cô con gái (đã mất). Tôi mừng vì có một cô con dâu tử tế. Tôi có phúc lắm. Hiện giờ nó là người dõi theo tôi mọi lúc, mọi nơi, chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho tôi. Gia đình cũng có lúc khó khăn, giờ tôi được thanh thản như thế này, mọi việc đều nhờ con dâu gánh vác hết. Con dâu là người hiếm có lắm!

+ Xin cảm ơn và kính chúc nghệ sĩ dồi dào sức khỏe!

NSƯT Trần Hạnh sinh năm 1929. Ông đã có được những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Thời hoàng kim của ông là cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, khi vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ "Lam Sơn tụ nghĩa" (huy chương vàng Liên hoan Kịch toàn quốc), đảm nhận một vai chính trong vở "Tiền tuyến gọi" hay trong "Âm mưu và tình yêu" được dựng bởi đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Trong tập sách Người Hà Nội, Lưu Quang Vũ viết: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội". Tổng Bí thư Trường Chinh đã tìm ông và khen ông đóng Âm mưu và tình yêu: "Anh đóng hay lắm, tôi không biết dùng từ thế nào nhưng có thể nói là nó rất lãng mạn".

Trần Hạnh được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim truyền hình như vai ông bí thư đảng ủy trong phim "Làng nổi", bố An trong phim "Truyện cổ tích tuổi 17", bố Lài trong "Tướng về hưu", ông Khiển trong phim "Người cầu may", ông Lâm trong phim "Chiếc bình tiền kiếp", bố Mai trong phim "Hãy tha thứ cho em".... Năm 1984, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.


Hà An (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ