• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nước Anh và Brexit – “To be or not to be”!

Thế giới 20/06/2016 06:10

(Tổ Quốc)-Nước Anh: ra đi hay ở lại EU? EU tồn tại như thế nào không có nước Anh?

(Tổ Quốc)-Nước Anh: ra đi hay ở lại EU? EU tồn tại như thế nào không có nước Anh?

Vấn đề mà chàng Hoàng tử Đan Mạch Hamlet tự đặt ra cho mình trong vở bi hài kịch xuất hiện vào khoảng năm đầu thế kỷ 17 không ngờ vẫn hiện hữu trong đời sống chính trị nước Anh và cả châu Âu đầu thế kỷ 21.

Người dân xứ sở của nhà văn, nhà soạn kịch vĩ đại Shakespeare một lần nữa lại đứng trước sự lựa chọn khó khăn – rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay ở lại? Đồng thời, họ cũng đặt Liên minh trước một thách thức lớn: Nếu nước Anh rút khỏi EU, EU sẽ tồn tại như thế nào?

Khi người dân nước Anh tiến tới giờ G – tức là thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 6, cử tri Anh vẫn chia rẽ về “đi” hay “ở”. Điều tra dư luận cho thấy, sát ngày bỏ phiếu, có vẻ như những người ủng hộ việc nước Anh ở lại EU có nhỉnh hơn một chút. Nhưng kết quả sẽ rất sát nút.

Liên minh châu Âu đang ở trong một giai đoạn đầy khó khăn, hệ lụy của hàng loạt khủng hoảng liên tiếp: Khủng hoảng kinh tế tài chính 2008-2009; khủng hoảng khu vực đồng tiền chung euro; nợ công trầm trọng tại nhiều quốc gia thành viên; làn sóng tỵ nạn và nhập cư trái phép; các cuộc khủng bố tại Paris và Brussels… Nước Anh cũng chịu tác động nghiêm trọng của tình hình này.

Nhưng nước Anh là một quốc đảo, cách lục địa châu Âu một eo biển, là một nước lớn, một trung tâm kinh tế tài chính thế giới. Vị trí địa lý độc đáo ấy cho phép nước Anh có nhiều hơn sự lựa chọn so với các quốc gia châu Âu lục địa - có thể tiến, có thể thoái.

Dưới sức ép của chính trị nội bộ muốn nước Anh ly khai khỏi Cộng đồng châu Âu, chính phủ của Thủ tướng David Cameron quyết định tiến hành trưng cầu dân ý, một phần để buộc EU phải tiến hành những điều chỉnh và cải cách có lợi cho nước Anh.

Hai mặt của đồng tiền

Những lực lượng ủng hộ việc nước Anh ra khỏi EU cho rằng nước Anh sẽ thoát khỏi các ràng buộc, giảm thiểu các khó khăn do khủng hoảng của châu Âu mang lại, có nhiều sự lựa chọn để giải quyết các vấn đề của mình.

Những lực lượng ủng hộ việc nước Anh ở lại nêu lên nhưng thiệt hại kinh tế, chính trị đáng kể cho nước Anh và cho EU. Theo IMF, nền kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái trong năm tới và tổng sản lượng kinh tế có thể sẽ thấp hơn 5,6% và tăng trưởng của nền kinh tế Anh sẽ giảm 1,4% so với dự đoán cho năm 2019; tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức 6%. Báo cáo về kinh tế Anh của IMF cho rằng việc rời khỏi EU sẽ mở ra một giai đoạn bất ổn tăng cao kéo dài, ảnh hưởng đến lòng tin và đầu tư, cũng như làm gia tăng bất ổn của thị trường tài chính. 

EU đứng trước một viễn cảnh không mấy sáng sủa. Brexit làm tồi tệ thêm các cuộc khủng hoảng khác ở châu Âu; tiến trình hội nhập EU bị đóng băng và đảo lộn. 

IMF cho rằng Brexit có tác động lây lan khắp khu vực châu Âu và các thị trường toàn cầu, dù ảnh hưởng ban đầu sẽ chỉ được cảm nhận trong nước.

Các nhà phân tích cho rằng Brexit có thể làm cho nước Anh mất vai trò quyết sách các vấn đề của châu Âu; mối quan hệ giữa EU với Anh trở nên phức tạp hơn. Còn EU sẽ mất đi một thành viên có sức mạnh và vai trò quan trọng trong các chính sách đối nội và đối ngoại,  trong đó có quan hệ với Nga.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng EU có thể “xoay xở” được mà không có nước Anh thành viên. Sau một vài tuần sóng gió, các thị trường tài chính sẽ trở lại bình thường, EU và Anh sẽ quay trở lại bàn đàm phán để tìm kiếm một thoả thuận thương mại tự do, tương tự như các hiệp định sẵn có giữa EU với Thuỵ Sĩ hay Na Uy.

Nhiều khả năng Pháp sẽ đẩy mạnh tiến trình đồng bộ hóa chính sách trong Eurozone khi Anh, nước theo đuổi các chính sách kinh tế tự do nhấn mạnh tính cạnh tranh thay vì đồng bộ hóa chính sách, rời EU.

Sẽ có một số nước thành viên EU tiến hành trưng cầu dân ý để buộc EU phải thỏa hiệp.

Brexit có thể tác động gián tiếp đến châu Á

Ở bên kia Đại Tây Dương, báo chí Mỹ đặt câu hỏi liệu việc nước Anh ra khỏi EU là một dự định nghiêm túc hay một trò đùa? Nước Anh đang trở thành một quốc gia “thích tạo ra các tin tức giật gân”: cuộc trưng cầu ý dân về việc Scotland độc lập đã cho cả thế giới chứng kiến một vở kịch gây chấn động; còn cuộc trưng cầu dân ý lần này đang khuấy động dư luận toàn cầu.

Vào thời điểm hiện tại, EU đang phải chịu thêm sức ép nặng nề. Niềm tin vào Liên minh châu Âu đang bị đặt thành nghi vấn. Liên minh châu Âu là nạn nhân của chính những thất bại và thành công của nó. Một số tiến bộ lịch sử của quá trình nhất thể hóa sâu rộng ở châu Âu đang bị đẩy lùi. Liên kết trải qua mấy thập kỷ tỏ ra mong manh và không phải là bất khả xâm phạm.

Nhưng dù kết quả là thế nào, Liên minh châu Âu, hay những liên kết khu vực khác, sẽ tiếp thu các bài học cần thiết, khắc phục tình trạng quan liêu, bộ máy cồng kềnh và làm cho tổ chức trở nên hiệu quả hơn. Ngọn cờ kiêu hãnh 12 sao của Liên minh châu Âu vẫn tung bay dù có hay không có nước Anh thành viên. Thách thức chính là mẹ của thành công./.

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ