• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nước Nga trước cơ hội nới lỏng cấm vận 2017

Thế giới 04/01/2017 08:09

(Tổ Quốc)- Nhiều kịch bản đối nội, đối ngoại đang chờ đợi Putin và Trump.

Theo giới phân tích địa-chính trị bằng logic thuần túy, Mỹ dường như sẵn sàng đàm phán với Moscow trên một số vấn đề, nhưng Mỹ vẫn có nhiều lý do để kiềm chế sự bành trướng của Moscow. Điều này sẽ tiếp tục được thực hiện thông qua NATO, có mặt quân sự mạnh mẽ ở biên giới châu Âu của Nga.

Mạng tình báo tư nhân Mỹ Stratfor nhận định, Nga sẽ tìm mọi cách, trong khả năng của mình, xây dựng lực lượng quân sự ở biên giới phía Tây, nỗ lực cài đặt lại quan hệ với Mỹ, khai thác sự chia rẽ châu Âu, để luồn lách, chọc ngoáy và cuối cùng là mặc cả với phương Tây.

Dù cho dấu hiệu hòa giải giữa Moscow và Washington sẽ được thể hiện tại biên giới của Nga, Nga sẽ tiếp tục duy trì sự có mặt quân sự ở Ukraine, nhưng Mỹ và một số nước châu Âu sẽ có cách diễn giải linh hoạt hơn đối với Thỏa thuận Minsk II để biện hộ cho việc nới lỏng trừng phạt. Điều này sẽ làm cho chính phủ ở Kiev dễ bị tổn thương trước sức ép của Nga.

Nga vẫn là một nước xuất khẩu vũ khí quan trọng

Đẩy mạnh quan hệ cả phía Tây và phía Đông

Triển vọng hòa giải Mỹ-Nga sẽ cản trở các cố gắng của những nước hướng về phương Tây, như Ukraine, Moldova và Georgia. Các nước này sẽ không hoàn toàn liên minh với Nga, nhưng họ sẽ bị buộc phải làm việc với Nga về chiến thuật trên các vấn đề kinh tế và mềm mỏng hơn trong các quan điểm chính trị. Chính quyền Trump sẽ có thái độ như thế nào về việc Nga sáp nhập Crimea?

Trong khi Ukraine sẽ tăng cường các cố gắng an ninh với Ba Lan và các nước Baltic, Georgia sẽ củng cố quan hệ an ninh với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì chỗ đứng của mình ở vùng Cápcadơ và Biển Đen, nhưng họ cũng sẽ chắc chắn duy trì quan hệ năng lượng và thương mại với Moscow, nếu không sẽ phương hại đến lợi ích của họ ở Syria.

Nga sẽ tiếp tục là trọng tài chính trong xung đột Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. Việc hai nước này chống lại nhau không phải là không có lợi đối với Nga.

Với việc các chương trình với đối tác Đông Âu trong EU và các chương trình khác của EU đang làm chia rẽ khối này, Nga sẽ có cơ hội tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua việc đưa ra các sáng kiến như Liên kết Kinh tế Á-Âu và Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể.

Với triển vọng mặt trận phía Tây của Nga trở nên yên ắng, Moscow sẽ tìm cách cải thiện vị thế của mình ở mặt trận phía Đông. Moscow và Tokyo sẽ tìm cách chấm dứt cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài 70 năm qua một cách tuần tự, từ kinh tế sang chính trị-ngoại giao. Họ sẽ củng cố quan hệ thông qua các thỏa thuận đầu tư và năng lượng lớn. Hai bên thậm chí sẽ khai thác ý tưởng gắn kết hai nước bằng đường ống dẫn dầu. Tokyo có thể sẵn sàng cùng phương Tây nới lỏng trừng phạt Nga.

Trung Quốc, sẽ theo đuổi thỏa thuận tương tự với Nga, nhưng vì những lý do khác: một phần bởi quan hệ hữu nghị mới thiết lập của Nga với Nhật Bản và một phần bởi sự khác biệt mới xuất hiện của Mỹ với Trung Quốc. Bắc Kinh có thể tăng hợp tác với Moscow năm nay trong các dự án năng lượng, liên kết quân sự, đặc biệt ở Bắc cực, và công nghệ mạng.

Nga sẽ chơi với cả Trung Quốc và Nhật Bản, củng cố vị trí của họ trong khu vực mà không hoàn toàn liên minh với cả hai. Nga cũng sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ kinh tế với Hàn Quốc đồng thời duy trì quan hệ với Bắc Triều Tiên vì mối đe dọa hạt nhân của nước này ngày càng gia tăng.

Khó khăn trong nước  

Bên cạnh những cơ hội bên ngoài, Nga dường như sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong nước. Kể cả nếu Nga thoát khỏi suy thoái, họ vẫn sẽ phải đối đầu với một thời kỳ trì trệ kéo dài, và chính phủ sẽ phải áp dụng ngân sách bảo thủ, trừ phi giá dầu lại tăng đáng kể. Kremlin sẽ tiếp tục sử dụng quỹ dự trữ và sẽ dựa vào vay nợ nước ngoài để duy trì các ưu tiên chi tiêu liên bang.

Theo Stratfor, nền tài chính của các chính phủ địa phương thuộc Nga thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn, họ sẽ phải phụ thuộc vào Kremlin hoặc các chủ nợ nước ngoài. Sự dựa dẫm này sẽ chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng đã có giữa các chính phủ vùng và chính phủ trung ương, buộc Kremlin phải thắt chặt và tập trung hóa sự kiểm soát của mình.

Người dân Nga vẫn phải tiếp tục chịu đựng sức ép của suy thoái. Biểu tình chống đối sẽ diễn ra rải rác trong năm và Kremlin sẽ đáp trả bằng việc kiểm soát chặt chẽ tình hình thông qua các cơ quan an ninh và các quy định chặt chẽ hơn.

Đấu tranh quyền lực trong các lực lượng an ninh, giới tự do, công ty năng lượng và chính phủ vùng sẽ xảy ra. Tổng thống Putin sẽ tìm cách ngăn chặn quyền lực của những đối thủ tiềm tàng, đặc biệt là Giám đốc Rosneft Igor Sechin, và những người trong Cơ quan An ninh Liên bang, thông qua việc tổ chức lại hàng lọat cơ quan, vừa thanh trừng, vừa đề bạt những người trung thành, củng cố quyền lực trước năm bầu cử tổng thống 2018.  

Nhưng mọi chuyện có thể thay đổi theo hướng có hậu nếu chính quyền Trump thực hiện cài đặt lại quan hệ theo hướng cải thiện tích cực quan hệ với chính quyền Putin. Nếu vậy, nhiều hệ lụy sẽ diễn ra trên lục địa Á-Âu./.

Lưu Việt (theo Stratfor)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ