• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nước Trung Đông gạt bỏ kế hoạch mua Su-30, gọi tên 1 tiêm kích 4++?

Thế giới 05/09/2022 07:40

(Tổ Quốc) - Ít giờ trước, hãng tin Mehr News đưa tin việc mua sắm tiêm kích Su-35 hiện đang được Quân đội Iran xem xét.

Được biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tư lệnh Không quân Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIAF), Tướng Vahedi tiết lộ rằng IRIAF không có kế hoạch mua tiêm kích Su-30 trong thời điểm hiện tại - nhưng việc mua Su-35 từ Nga "nằm trong chương trình nghị sự".

Tướng Vahedi cũng lưu ý rằng nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng về việc mua Su-35 từ Nga thuộc về Bộ tư lệnh lục quân và Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Iran.

Nước Trung Đông gạt bỏ kế hoạch mua Su-30, gọi tên 1 tiêm kích 4++? - Ảnh 1.

Su-30 đã "thua" trước Su-35?

Cần lưu ý rằng chỉ ít ngày trước, trang tin quân sự Mỹ "19fortyfive" đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Nga sẽ trao đổi tiêm kích Su-35 với máy bay không người lái (UAV) của Iran?".

Trong bài viết, nhà phân tích Brent M. Eastwood lưu ý: "Tehran đã gửi cho Moscow nhóm UAV đầu tiên để đánh giá và thử nghiệm. Trong khi đó, các phi công Iran đang được Nga huấn luyện trên Su-35.

Iran muốn tiêm kích phản lực mới nhưng chúng phải tương đồng với những thiết kế thời Chiến tranh Lạnh như F-14 Tomcat của Mỹ và Su-22 Fitter của Liên Xô mà họ đã quen thuộc...

Một chiếc Su-22 vừa bị rơi ở Iran trong tháng này (tháng 8/2022) và 1 chiếc F-14 khác đã lâm nạn vào tháng 6".

Nước Trung Đông gạt bỏ kế hoạch mua Su-30, gọi tên 1 tiêm kích 4++? - Ảnh 2.

Tiêm kích F-14 Tomcat đã phục vụ người Iran hơn 40 năm (Ảnh: IRIAF).

Ông Eastwood nhấn mạnh rằng thương vụ Su-35-UAV sẽ giúp Nga - Iran đạt được thắng lợi cả về chiến thuật lẫn chiến lược.

Về chiến thuật, thương vụ "gãi đúng chỗ ngứa" khi IRIAF thiếu thốn trang bị "1 cách tồi tệ". Còn về chiến lược, nhà phân tích cho rằng động thái này "liên quan đến các mục tiêu an ninh quốc tế rộng lớn hơn cho cả 2 nước khi quan hệ Nga và Iran đang ngày càng thân thiết hơn".

"Đây là tin xấu đối với NATO và là tin xấu đối với Israel và Arab Saudi - cùng các đồng minh Vùng Vịnh khác" - nhà phân tích kết luận.

Mặc dù đều được phát triển từ Su-27 nhưng tiêm kích đa năng / chiếm ưu thế trên không Su-35 được đánh giá là tiêm kích 4++ (gần hơn với tiêm kích thế hệ 5) còn Su-30 chỉ là 4+.

Cụ thể Su-35 có tầm hoạt động 3.600 km, tốc độ tối đa Mach 2,25 (2.390 km/h), trần bay 18 km và tải trọng vũ khí tối đa khoảng 12 tấn. Su-30 có các thông số tương ứng là 3.000 km, Mach 2.0 (2.120 km/h), 17,3 km và 10,4 tấn.

Ngoài vũ khí Su-30 có thể mang theo, Su-35 còn được trang bị tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Vympel R-77 và tên lửa không đối đất Raduga Kh-55 với tầm bắn lên đến 3.000 km.

Cho tới nay chỉ có 3 nước là Nga, Trung Quốc và Ai Cập sở hữu Su-35 tuy nhiên Su-30 có một danh sách dài bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Algeria, Uganda, Venezuela, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Nước Trung Đông gạt bỏ kế hoạch mua Su-30, gọi tên 1 tiêm kích 4++? - Ảnh 4.

Đồ họa về Tiêm kích đa năng / chiếm ưu thế trên không Su-35 (Nguồn: RIA Novosti).


Hoài Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ