• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ở một làng chài nhỏ, cá heo hoang dã đã biết cách hợp tác với con người để cùng bắt cá

Thế giới 13/02/2023 20:16

(Tổ Quốc) - Những con cá heo đã học được cách nói cho con người biết chính xác thời điểm nào nên thả lưới để bắt được nhiều cá nhất, và sau đó chúng cũng được hưởng lợi từ việc trao đổi này.

Nếu có cơ hội đi dọc theo bờ biển ở thành phố Laguna ở miền nam Brazil, bạn có thể nghe thấy tiếng vo vo của những đàn cá heo mũi chai đang săn mồi. Tại đây, những chú cá heo hoang dã làm việc rất chăm chỉ mỗi ngày để lùa các đàn cá rồi báo hiệu cho ngư dân địa phương khi đến lúc cần thả lưới.

Đây được xem là một ví dụ bất thường về quan hệ đối tác giữa các loài và nó đã diễn ra trong hơn một thế kỷ qua. Và giờ đây, các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra lý do tại sao chúng làm vậy.

Trong báo cáo mới của mình, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Oregon của Mỹ tuyên bố mối quan hệ hợp tác trên mang lại lợi ích cho cá heo, cho phép chúng sinh tồn tốt hơn bằng cách làm việc chung với con người.

Cá heo bắt cá cùng con người.

Trong video trên, bạn có thể thấy đàn cá heo đang lùa đàn cá đối về phía các ngư dân. Khi cảm thấy cá đã đến đủ gần, chúng sẽ ưỡn lưng lặn xuống để báo hiệu cho con người trên thuyền quăng lưới ra. Âm thanh trong video thu được từ việc sử dụng micro trong nước.

Các ngư dân cần cá heo để biết khi nào nên thả lưới

Ở một làng chài nhỏ, cá heo hoang dã đã biết cách hợp tác với con người để cùng bắt cá - Ảnh 2.

Ngư dân sẽ tung ra những chiếc lưới tròn này để bắt cá dưới nước.

Mauricio Cantor, trợ lý giáo sư tại Đại học Khoa học Nông nghiệp thuộc Đại học Bang Oregon và là tác giả của nghiên cứu, nói rằng: “Cá heo thực sự giỏi trong việc chăn bầy cá đối.”

Ông cho biết chúng biết cách làm sao cho đàn cá di chuyển “thật chặt, thật gọn” trước khi đẩy chúng về phía ngư dân. Nếu không có đàn cá heo, ngư dân sẽ không biết khi nào nên thả những chiếc lưới tròn đặc trưng của họ xuống nước.

“Nước siêu đục, vì vậy bạn không thể nhìn thấy cá ở đâu, nhưng bạn vẫn có thể thấy cá heo ở đâu”, Cantor nói.

Mặt khác, cá heo có thể nhìn thấy cá bằng cách sử dụng khả năng định vị bằng tiếng vang. Nhưng cá đối là loài rất khó bắt với cá heo khi chúng vẫn ở trong đàn. Đó là lý do những chiếc lưới đóng một vai trò quan trọng, vì sự xuất hiện của chúng sẽ phá vỡ cấu trúc tập thể của đàn cá đối.

Sau khi thả lưới, cá heo có thể bắt những con cá đi lạc hoặc nhặt lấy một vài con cá thỏa ra khỏi lưới. Và rõ ràng đó là một cuộc săn lùng dễ dàng hơn nhiều đối với chúng.

Học cách giao tiếp với con người

Ở một làng chài nhỏ, cá heo hoang dã đã biết cách hợp tác với con người để cùng bắt cá - Ảnh 3.

Cá heo đến gần ngư dân để giúp họ đánh cá.

Những con cá heo bằng cách nào đó đã học được cách giao tiếp rất cụ thể để nói với con người rằng họ nên quăng lưới khi nào.

“Cách phổ biến nhất là khi chúng ưỡn lưng để lặn sâu đột ngột. Phương thức khác là cá heo dùng đầu hoặc đuôi để tát nước”, Cantor nói. "Sau dấu hiệu đó, mọi thứ khá rõ ràng".

Cantor cho biết ngay khi nhìn thấy dấu hiệu này, các ngư dân chỉ có khoảng bảy giây để thả lưới để có cơ hội bắt được cá. Nhanh hơn hoặc chậm hơn đều sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất quăng lưới.

Nếu cá heo hài lòng rằng những chiếc lưới đã được thả chính xác và bắt được một lượng cá kha khá, chúng sẽ phát ra những tiếng lách cách lớn thông qua việc định vị bằng tiếng vang.

“Chúng ta có thể nghe thấy nó, nó giống như tiếng cửa cọt kẹt”, ông nói thêm.

"Đôi khi bạn có thể cảm nhận được khả năng định vị bằng tiếng vang, những tiếng lách cách mà chúng tạo ra dưới nước sau khi lưới chìm xuống. Nếu ở đủ gần, bạn thậm chí có thể cảm nhận được điều đó ngay trên chân mình. Điều đó thật tuyệt".

Nơi trú ẩn an toàn cho cá heo

Ở một làng chài nhỏ, cá heo hoang dã đã biết cách hợp tác với con người để cùng bắt cá - Ảnh 4.

Bản đồ khu vực bờ biển Laguna ở Brazil.

Có một lợi thế khác đem lại cho cá heo. Bằng cách làm việc với con người, chúng được bảo vệ khỏi những mối nguy hiểm khác trong đại dương rộng lớn.

Với những con cá heo không hợp tác với con người, chúng sẽ phải dành phần lớn thời gian để kiếm ăn ở những vùng biển mà chúng có thể đối mặt với nhiều nguy cơ, bao gồm cả việc đánh bắt bất hợp pháp. Và theo Cantor, những con cá heo đó có nhiều khả năng bị vướng vào những chiếc lưới kéo dài, thứ sẽ giết chết mọi thứ mà chúng chạm vào.

Theo nghiên cứu, cá heo ở Laguna có khả năng sống lâu hơn khoảng 13%. Và chúng dường như biết đây là nơi mà mình có thể sống tốt.

Về cơ bản, loài cá heo này có xu hướng di cư rất nhiều, lên đến hơn 300 km. Nhưng đàn cá heo ở Laguna, khoảng 50 đến 60 cá thể, lại hiếm khi bỏ đi.

Hành vi này có thể biến mất

Ở một làng chài nhỏ, cá heo hoang dã đã biết cách hợp tác với con người để cùng bắt cá - Ảnh 5.

Một ngư dân Laguna đang quăng lưới.

Đây không phải là ví dụ duy nhất về việc con người và cá heo làm việc cùng nhau. Trong suốt lịch sử loài người, các bằng chứng đã cho thấy cá heo và con người đã tìm ra nhiều cách hợp tác với nhau.

"Đó là một trong những ví dụ về sự tiến hóa hội tụ, nơi các loài khác nhau cố gắng tìm ra giải pháp cho cùng một vấn đề", Cantor nói.

Ví dụ, một loài cá heo đã học cách câu cá với thổ dân ở Úc, Cantor cho biết. Nhưng sau đó, với quá trình thuộc địa hóa, mọi thứ đã bị xóa sổ. "Một khi những thứ đó đã biến mất, gần như không thể mang chúng trở lại”, Cantor cho biết. Nhà nghiên cứu này cũng nói rằng những ví dụ tự nhiên về sự hợp tác lẫn nhau giữa động vật hoang dã và con người là rất quý giá và cần được bảo vệ.

Ở một làng chài nhỏ, cá heo hoang dã đã biết cách hợp tác với con người để cùng bắt cá - Ảnh 6.

Một mẻ cá đối ở Laguna, Brazil.

Truyền thống đánh cá lâu đời kéo dài 140 năm ở Laguna hiện đang bị đe dọa. Cá ngày càng khan hiếm, một phần do đánh bắt bất hợp pháp. Mọi người cũng đang rời xa việc đánh bắt cá và chúng gần như không còn là nguồn thu nhập chính của họ.

Cantor cho biết ngày càng có nhiều người coi việc đánh cá như một sở thích và họ đã mất đi độ chính xác đáng kể về thời điểm thả lưới. Và cá heo rất thông minh, chúng sẽ mất hứng thú nếu thấy rằng chúng không nhận được lợi ích mà chúng từng có từ sự hợp tác này.

“Nếu các ngư dân không luyện tập hàng ngày, đương nhiên họ sẽ không có kinh nghiệm hoặc không có kỹ năng như những người đi trước”, Canter nhận định.

Tham khảo Business Insider

Bảo Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ