• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Ông lớn" cho vay ODA Nhật xoay chiều chiến lược giữa Covid-19

Thế giới 11/02/2022 15:36

(Tổ Quốc) - Từ việc chấm dứt viện trợ cho Trung Quốc đến sự chú trọng mới về y tế trong bối cảnh đại dịch, chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật Bản đang có những điều chỉnh mới.

Vào tháng 3 năm 2022, ODA của Nhật Bản cho Trung Quốc dự kiến sẽ bị dừng hoàn toàn. ODA của Nhật Bản cho Trung Quốc bắt đầu được triển khai vào tháng 12/1979, khi cựu Thủ tướng Ohira Masayoshi đến thăm Bắc Kinh. Tổng cộng, viện trợ cho vay ODA của Nhật Bản dành cho Trung Quốc lên tới 3,65 nghìn tỷ yên (32,4 tỷ USD), tập trung vào 231 dự án liên quan đến thiết lập cơ sở hạ tầng cơ bản.

Việc Nhật Bản chấm dứt viện trợ ODA cho Trung Quốc đã được cựu Thủ tướng Abe Shinzo công bố vào năm 2018. Hiện nay Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, so với nền kinh tế Nhật Bản, dường như việc Tokyo chấm dứt ODA cho Trung Quốc là điều đương nhiên. Bản thân Bắc Kinh hiện cũng là nhà cung cấp sự hỗ trợ kinh tế cho các nước khác và cũng thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

Đồng thời, về mặt chiến lược, Tokyo cấp bách phải chấm dứt ODA cho Trung Quốc cũng do cuộc cạnh tranh kinh tế và địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiện hỗ trợ kinh tế của Nhật Bản, đặc biệt là viện trợ không hoàn lại cho y tế toàn cầu, đã được chuyển hướng sang Đông Nam Á, Nam Mỹ và Châu Phi.

ODA nằm trong tầm nhìn ngoại giao chung

Về bản chất, chiến lược ODA của Nhật Bản đã được đưa vào tầm nhìn ngoại giao của nước này, cụ thể là khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở (FOIP), điều được Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) chỉ ra.

Việc Nhật Bản chấm dứt viện trợ ODA cho Trung Quốc có biểu thị sự thay đổi chính sách ngoại giao ODA của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương không? Hay chiến lược đối ngoại của Nhật Bản đang thay đổi cách thực thi chính sách ngoại giao ODA là vì những thiếu hụt về y tế hậu Covid-19?

Ông lớn cho vay ODA Nhật xoay chiều chiến lược giữa Covid-19 - Ảnh 1.

Vốn ODA của Nhật Bản đã là một nguồn hỗ trợ lớn cho nhiều nước đang phát triển thời gian qua. Ảnh: Twitter / DFA Philippines.

Về mặt lịch sử, chính sách ODA của Nhật Bản được phát triển trong quá trình khôi phục và tái hòa nhập kinh tế thời hậu chiến với tư cách là một thành viên của cộng đồng quốc tế. Dựa trên sự thừa nhận rằng những hạn chế đối với thương mại sau cuộc Đại suy thoái chính là nguyên nhân dẫn đến suy thoái kéo dài và gây ra Chiến tranh Thế giới thứ hai, Hiệp định Bretton Woods đã được ký kết vào tháng 7 năm 1944.

Theo hiệp định này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) được thành lập nhằm mục đích ổn định nền kinh tế thế giới và đóng góp tài chính cho việc tái thiết các nước bị chiến tranh tàn phá cũng như các nước đang phát triển. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến là nhờ sự hỗ trợ tài chính và hệ thống thương mại tự do của các tổ chức quốc tế này.

Trong quá trình khôi phục, Nhật Bản không còn là nước nhận viện trợ, và bắt đầu hỗ trợ các nước đang phát triển ở châu Á vào giữa Chiến tranh Lạnh. Nhật Bản ký Kế hoạch Colombo năm 1954, bắt đầu thực hiện ngoại giao ODA cho các nước chủ yếu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và cuối cùng trở thành nhà tài trợ ODA lớn nhất thế giới vào năm 1989, vượt qua Mỹ. Từ năm 1991 đến năm 2000, Nhật Bản là nhà cung cấp ODA lớn nhất thế giới. Kể từ năm 2001, Mỹ đã chiếm lại vị trí đầu bảng, nhưng Nhật Bản vẫn là một trong những nhà tài trợ ODA lớn với tư cách là một quốc gia thành viên của Ủy ban Hỗ trợ Phát triển (DAC) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

ODA phục vụ lợi ích quốc gia

Điều lệ ODA đầu tiên của Nhật Bản được xây dựng dựa trên một quyết định của nội các vào tháng 6 năm 1992. Các yếu tố cơ bản là: 1) cân nhắc nhân đạo, 2) công nhận các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong cộng đồng quốc tế, 3) sự cần thiết của việc bảo tồn môi trường, và 4) sự cần thiết của việc hỗ trợ các nước đang phát triển tự lực.

Điều lệ này đã được sửa đổi vào năm 2003 nhằm xác định tầm quan trọng của "lợi ích quốc gia" trong chính sách ODA của nước này, tập trung vào 1) hỗ trợ các nước đang phát triển tự lực ; 2) tầm quan trọng của khái niệm an ninh con người, 3) đảm bảo công bằng, 4) sử dụng kinh nghiệm chuyên môn của Nhật Bản và 5) hợp tác trong cộng đồng quốc tế. Cụ thể, Nhật Bản đã nêu ra các ưu tiên sau: xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng hòa bình và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs). Do đó, mặc dù nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh con người và hợp tác quốc tế, việc sửa đổi Điều lệ ODA của Nhật Bản đã phản ánh quan điểm thực tế về chính sách của Nhật Bản đối với hợp tác quốc tế dựa trên ý nghĩa của lợi ích quốc gia.

Vào tháng 3 năm 2014, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Kishida Fumio đã công bố kế hoạch chính thức sửa đổi Điều lệ ODA, nêu rõ: "Khi chúng ta bước sang một kỷ nguyên mới, ODA đã xây dựng nên lịch sử 60 năm cũng phải phát triển. Vì vậy, tôi đã quyết định trong năm nay sẽ xem xét và sửa đổi Điều lệ ODA". Năm 2015, chính phủ Nhật Bản quyết định đổi tên Điều lệ ODA thành Điều lệ Hợp tác Phát triển, cho phép chính phủ Nhật Bản hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài trong các hoạt động phi quân sự, chẳng hạn như các hoạt động nhân đạo. Chính phủ Nhật Bản giải thích rằng Điều lệ sửa đổi sẽ không góp phần kéo dài bất kỳ cuộc xung đột nào. Ví dụ, Nhật Bản đã cung cấp nhạc cụ cho các ban nhạc quân sự của Papua New Guinea vào năm 2017. Ngoài ra, Nhật Bản còn cung cấp các thiết bị cứu sinh được Lực lượng Phòng vệ sử dụng trong các nhiệm vụ cứu hộ khi thiên tai xảy ra cho quân đội Philippines.

Vào tháng 12 năm 2021, Bộ trưởng Tài chính Suzuki Shunichi và Bộ trưởng Ngoại giao Hayashi Yoshimasa quyết định tăng lượng ODA của Nhật Bản cho Năm tài chính 2022, một động thái ngân sách liên quan đến tầm nhìn đối ngoại của Nhật Bản.

Rõ ràng, chính sách ODA của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng và định hình bởi sự thay đổi của môi trường an ninh quốc tế. Ngoài ra, do hậu quả của đại dịch COVID-19, chính sách ngoại giao ODA của Nhật Bản cũng phải đối mặt với việc tiếp tục điều chỉnh. Chính sách ODA của Nhật Bản có thể cần ưu tiên hỗ trợ cho y tế toàn cầu, đặc biệt là hợp tác quốc tế đối phó đại dịch hiện tại và tương lai trong khuôn khổ COVAX, Gavi và CEPI.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ