(Tổ Quốc) - Theo hãng tin AP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tới Nam Thái Bình Dương để củng cố sự hiện diện của Paris tại một khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng của cả Mỹ và Trung Quốc.
Chuyến thăm 5 ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Papua New Guinea, Vanuatu và New Caledonia diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Pháp đang tham gia cuộc tập trận quân sự quy mô lớn do Mỹ và Australia dẫn đầu trong khu vực này.
Đa dạng chương trình nghị sự
Ông Macron bắt đầu chuyến thăm 5 ngày từ thứ Hai (24/7) tại quần đảo New Caledonia nhằm tìm cách xây dựng lại lòng tin của người Kanak bản địa đang thất vọng với hình ảnh của Pháp tại đây và tìm ra giải pháp hóa giải sự chia rẽ trong việc quản lý nguồn dự trữ niken giàu có của khu vực này.
Sau điểm đến tiếp theo là Vanuatu- chuyến thăm đầu tiên tới đất nước này của một tổng thống Pháp kể từ những năm 1960, chặng dừng chân cuối cùng và quan trọng nhất về mặt chiến lược của ông Macron là vào thứ Năm tại Papua New Guinea, nơi ngày càng tăng cường quan hệ với các nước lớn. Trong khi sự ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng rõ rệt tại đây thì nước này đã ký một hiệp ước hợp tác an ninh mới với Mỹ vào tháng Năm vừa qua. Quốc đảo đông dân nhất Thái Bình Dương cũng đang đàm phán một hiệp ước an ninh với Australia.
Văn phòng của ông Macron cho biết nhà lãnh đạo Pháp cũng có kế hoạch thăm một tàu tuần tra của nước này trong khu vực, đồng thời đề xuất các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển như quan hệ đối tác để cứu rừng và các khu vực ngập mặn; cũng như đảm bảo việc làm ở Papua New Guinea, nơi tập đoàn hóa dầu khổng lồ TotalEnergies của Pháp đang dẫn đầu một dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Văn phòng của ông Macron khẳng định chuyến thăm này nhằm khuyến khích các quốc gia lớn trong khu vực đa dạng hóa quan hệ đối tác của họ ngoài Bắc Kinh và Washington. Ông Macron cảm thấy chuyến đi này là cần thiết trước "những mối đe dọa mới, dữ dội hơn" đối với an ninh, thể chế và môi trường trong khu vực, hãng tin AP dẫn lời một quan chức giấu tên trong văn phòng của Macron.
Theo các cố vấn của nhà lãnh đạo Pháp, xói mòn bờ biển và các tác động khác của biến đổi khí hậu cũng là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại mỗi điểm dừng trong chuyến công du của ông Macron. Khu vực này có nhiều hòn đảo và đang ghi nhận sóng thần gia tăng cùng nguy cơ bị nước biển dâng xâm thực và có thể biến mất hoàn toàn.
Chuyến thăm "lịch sử"
Điện Elysée cho biết đây là lần đầu tiên một tổng thống Pháp công du các quốc gia độc lập trong khu vực Thái Bình Dương, chứ không chỉ dừng chân ở các lãnh thổ hải ngoại. Ở Thái Bình Dương, Pháp có chủ quyền đối với ba vùng lãnh thổ: New Caledonia, Polynesia thuộc Pháp và Wallis and Futuna. Ở Ấn Độ Dương, Pháp có chủ quyền đối với đảo Réunion.
Pháp lâu nay đã phân bổ quân đội, người dân và tài nguyên trải rộng khắp các lãnh thổ Thái Bình Dương. Do đó, nước này muốn bảo vệ lợi ích của chính mình và thể hiện sức mạnh bên cạnh sự hiện diện của các cường quốc khác, hãng tin AP nhận định.
Hãng tin AFP cũng cho rằng đây là một chuyến thăm "lịch sử" nhằm củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ông Macron và tái khẳng định vai trò của Pháp trong khu vực.
Bà Denise Fisher, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu châu Âu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho biết chuyến thăm của ông Macron là "cực kỳ quan trọng" và sẽ tập trung vào tương lai của New Caledonia và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tại New Caledonia, chuyến thăm của ông Macron là nhằm "tái khẳng định chủ quyền của Pháp", ông Matthias Chauchat, giáo sư luật công tại Đại học New Caledonia, khẳng định.
Ông Macron năm ngoái đã khởi động lại cách tiếp cận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau khi nổ ra tranh cãi gay gắt với Australia về việc hủy bỏ một hợp đồng tàu ngầm lớn. Theo tổ chức nghiên cứu chiến lược của Pháp, Fondation pour la recherche Stratégique, "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp là nhằm bảo vệ các lợi ích chủ quyền của nước này trong khu vực". Hiện tại, Pháp muốn trở thành một thế lực đáng kể trong khu vực này – nơi đang chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung.
Nhà nghiên cứu Denise Fisher của Đại học Quốc gia Australia cho biết chuyến công du của Tổng thống Macron tới Papua New Guinea và Vanuatu là để gửi đi thông điệp rằng họ là "người hàng xóm có liên quan trực tiếp" tới khu vực.