(Tổ Quốc) - Nga đẩy mạnh can dự vào chiến trường địa-chính trị nóng bỏng Trung Đông sau khi Mỹ giảm cam kết khu vực.
Ngày 11/12, Tổng thống Nga Putin đã thực hiện chuyến thăm chớp nhoáng chưa có tiền lệ đến Trung Đông và Bắc Phi chỉ trong 1 ngày thăm ba nước Syria, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại sân bay Hmeimim (Syria), Tổng thống Putin đã hạ lệnh rút quân khỏi Syria. Ông Putin yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu bắt đầu “rút dần các binh sỹ Nga” về căn cứ thường trực, song vẫn duy trì sự hiện diện tại Syria, nói rằng căn cứ không quân Khmeimin và căn cứ hải quân Tartus tại Địa Trung Hải tiếp tục hoạt động.
Quân đội Nga duyệt binh chào mừng Tổng thống Putin tại sân bay Syria: Hoàn thành vẻ vang cuộc chiến chống IS. |
Trang mạng latimes.com dẫn lời Putin nói: “Những thế hệ tương lai sẽ được biết về cuộc chiến nơi những người anh hùng Syria và Nga cùng hy sinh chống chủ nghĩa khủng bố”. Hãng thông tấn Tass trích bình luận của Tổng thống Assad: “Tôi xin cảm ơn một triệu lần”.
Từ những năm 1990, sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ, quan hệ của Nga tại Trung Đông trở về “mo”, như nhận xét của Kirill Semionov, cố vấn đối ngoại của Nga, trên báo Le Figaro: “Ảnh hưởng của Nga trở về con số 0. Nga không còn nguồn tài chính để dẫn dắt chính sách riêng của mình tại một khu vực mà nước này đã bị mất toàn bộ lợi ích”. Cuộc chiến Syria đánh dấu sự trở lại ấn tượng của nước Nga.
Các điểm nhấn của Putin
Mấy điểm nhấn trong chuyến đi Trung Đông lần này là tuyên bố rút quân khỏi Syria, chủ trì lễ ký thỏa thuận quy mô xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 21 tỷ USD tại Ai Cập, chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên nhất trí về khoản vay để mua tên lửa giàn S-400 của Nga, đưa vũ khí Nga vào một nước thành viên NATO.
Tờ Washington Post bình luận: “Putin, người tuần trước vừa tuyên bố sẽ tranh cử chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 4, thể hiện rõ mục tiêu của mình là khôi phục vị thế cho nước Nga, vị thế của một cường quốc quân sự có ảnh hưởng lớn và là một đối trọng với phương Tây tại Trung Đông. Chuyến công du là nhằm củng cố các quan hệ song phương trong bối cảnh chính sách của Mỹ tại Trung Đông đang chẳng khác nào một mớ bòng bong và quyết định về Jerusalem đã làm dấy lên lán sóng phản đối trên thế giới.
Không nghi ngờ gì nữa, chuyến thăm Trung Đông là một phần của chiến dịch tranh cử vừa mở màn. Lịch trình dày đặc nhằm tỏ rõ tính năng động và khuyếch trương thành tích trên mặt trận Trung Đông, nới hầu như tất cả các lãnh đạo độc lập của khu vực này đều công nhận vai trò trung gian của Nga.
Ai Cập dù không phải là nước tham gia trực tiếp cuộc xung đột Syria, song với quy chế cường quốc khu vực, Ai Cập có thể trở thành một trong những bên bảo đảm cho tiến trình giải quyết chính trị hậu chiến ở nước này. Thêm vào đó, một bộ phận các phần tử Hồi giáo thất bại tại Syria nay đã chuyển về Sinai, đặt ra cho Ai Cập thách thức mới.
Syria - ván bài chưa tàn cuộc
Vào năm 2015, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát tới 70% lãnh thổ Syria. Chính quyền Assad chỉ kiểm soát được chưa đầy 15% lãnh thổ Syria (19.000 km2).
Nước Nga đã đưa quân đội can thiệp vào Syria, từ tháng 9/2015. Nga ban đầu nghĩ rằng họ sử dụng đòn bẩy quân sự ở Syria là để buộc các nước phương Tây gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga sau vụ can thiệp vào Ukraine và chiếm đóng Crimea.
Putin và Assad tại giờ phút tổng thống Nga tuyên bố rút một phần quân đội Nga khỏi Syria. |
Theo con số của Tướng Sergey Surovikin, Chỉ huy các lực lượng vũ trang Nga tại Syria, trong hai năm qua, không quân Nga đã tiến hành 28.000 vụ xuất kích, gần 99.000 các đòn tấn công, tiêu diệt gần 32.000 tay súng khủng bố và gần 400 xe tăng.
Chỉ trong 7 tháng gần đây đã giải phóng được hơn 67.000 km vuông lãnh thổ Syria, hơn 1.000 khu định cư, 78 mỏ dầu và khí đốt... Damacus đã giành lại quyền kiểm soát tới 78.000 km vuông, chiếm tới 98% toàn bộ lãnh thổ đất nước. Điều quan trọng là đã thay đổi chất lượng quân đội của Syria.
Tổn thất của Lực lượng không quân Nga là 3 máy bay (SU-24 do Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, SU-33 và Mig-29K) và 5 máy bay trực thăng. 40 quân nhân đã thiệt mạng trong chiến dịch Syria, trong đó có cả các chỉ huy cấp bậc cao Trung tướng Valery Asapov và Aleksander Vyaznikov.
Các dự đoán của phần lớn các quốc gia phương Tây cho rằng Syria sẽ trở thành “Afghanistan thứ hai” của Nga đã không thành sự thật. Nga đã dùng chiến trường Syria thử các loại vũ khí và nâng cao uy tín khí tài quân sự Nga tại thị trường Trung Đông.
Theo Washington Post, tuyên bố về kế hoạch rút quân của Tổng thống Nga đã khiến giới chức quốc phòng Mỹ không khỏi hoài nghi. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng các tuyên bố tương tự đã nhiều lần được đưa ra trong quá khứ - như tuyên bố hồi tháng 3/2016 và tháng 1/2017 – “song thường không đi đôi với hành động trong thực tế”.
Tổng thống Nga ngày 11/12 thăm Aicập, ký kết dự án điện hạt nhân 21 tỷ USD, đưa công nghệ hạt nhân Nga vào Trung Đông. |
Tổng thống Putin nói với người đồng cấp Syria Bashar al Assad: “Mối đe dọa khủng bố vẫn còn rất cao, nhưng ở Syria nhóm khủng bố chính là Nhà nước Hồi giáo đã bị đánh bại”.
Các cuộc xung đột nhỏ với tàn quân IS hẳn chưa kết thúc, nhưng điều đó không ngăn cản nước Nga gặt hái ngoại giao tại một chiến trường địa-chính trị ngày càng nóng bỏng sau khi Mỹ giảm cam kết và cam kết có chọn lọc ở Trung Đông./.