(Tổ Quốc)-Hội nghị TƯ 6 ĐCS Trung Quốc chuẩn bị cho Đại hội 19, nhưng quyết sách vẫn kéo dài đến TƯ 7.
- 08.10.2016 Ai là Tổng bí thư Trung Quốc sau 2022?
Theo các nguồn tin chính thức từ Bắc Kinh, trọng tâm kỳ họp Trung ương năm nay là “các điều lệ giám sát trong nội bộ Đảng”. Đây là cụm từ để chỉ chính sách bài trừ tham nhũng đã được ông Tập Cận Bình đề xuất từ cuối năm 2012. Theo thống kê chính thức, từ năm 2013 tới nay, hơn 1 triệu đảng viên đã bị trừng phạt hay đình chỉ chức vụ vì tội tham nhũng.
Ông Vương Kỳ Sơn - nhân vật rất đắc lực, không thể thiếu trong ê kíp lãnh đạo của ông Tập Cận Bình nhiệm kỳ tới: Liệu có thể lưu nhiệm dù quá tuổi? |
Thông thường, một nhiệm kỳ đại hội của ĐCS Trung Quốc có 7 hội nghị toàn thể BCH trung ương. Trong 4 ngày 24-27/10 vừa rồi tại Bắc Đới Hà, diễn ra Hội nghị TƯ 6. Nhưng đó mới chỉ là phiên áp chót trước Đại hội 19 (diễn ra khoảng tháng 9-10/2017). Giới quan sát chính trị xem đây là một khóa họp quan trọng vì có thể hé lộ một vài thông tin về về vai trò của ông Tập Cận Bình sau 10 năm lãnh đạo đất nước. Mọi nhiệm kỳ trước thì nhân vật lãnh đạo cao nhất đã xuất hiện từ hội nghị này. Nhưng lần này “ai là ai” vẫn chưa lộ diện. Ông Tập Cận Bình được cộng thêm một danh hiệu “lãnh đạo hạt nhân”.
Từ khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, ĐCS Trung Quốc không còn muốn có một “người hùng”. Thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào, quyết định đều do tập thể đưa ra. Sở dĩ như vậy là vì giới lãnh đạo muốn tránh các sai lầm của “Người cầm lái vĩ đại” trước đây. Nhưng giờ đây, Trung Nam Hải dường như đã muốn chấm dứt truyền thống thận trọng này. Thông cáo công bố sau 4 ngày họp kín kêu gọi 88 triệu đảng viên “đoàn kết chặt chẽ xung quanh Ban Chấp hành Trung ương và đồng chí Tập Cận Bình - lãnh đạo hạt nhân”.
Khái niệm “lãnh đạo hạt nhân” lần đầu tiên được áp dụng vào năm 1989 cho Đặng Tiểu Bình vào thời kỳ xẩy ra sự kiện Thiên An Môn. Sau đó danh hiệu được chuyển cho nhà lãnh đạo mới là Giang Trạch Dân.
Thủ tướng Lý Khắc Cường sâu sát trí thức, vận dụng quyền lực "mềm" để duy trì hình ảnh trong cuộc vận động quyền lực phức tạp hiện nay |
Hai mặt của đồng tiền
Ngoài vị trí đứng đầu Đảng, Nhà nước và Quân đội, ông Tập Cận Bình đã đứng đầu ít nhất 7 “Tiểu tổ lãnh đạo trung ương” trên các lĩnh vực quan trọng nhất của bộ máy chấp chính. Bây giờ thêm “lãnh đạo hạt nhân”, cho thấy ông Tập đã củng cố được một bước quyền lực sau một năm căng thẳng nội bộ và sau 3 năm thực hiện chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”. Điều này làm dấy lên những nghi vấn rằng liệu ông có phải là một nhà cải cách thực sự, hay chỉ mang lại một sự thanh lọc chính trị khốc liệt. Tình hình cho thấy ông ấy vẫn chưa “một phát ăn ngay”. Bởi vì ông Tập muốn kéo dài sự cầm quyền thêm 10 năm nữa (đến hết Đại hội 20).
Những tháng trước Hội nghị Trung ương 6, nhà lãnh đạo số hai Lý Khắc Cường có một số hoạt động nổi bật, như đi thăm Bắc Đại và Đại học Thanh Hoa, ăn cơm cùng sinh viên. Nhưng tất cả đồ dùng đều do cận vệ riêng mang theo. Ông Tập tại các phiên họp công khai cũng chỉ dùng nước do cận vệ mang đến. Cuộc đấu tranh giữa Bắc Viện (cơ quan chính phủ) và Nam Viện (cơ quan Trung ương đảng) ở Trung Nam Hải đang nghiêng về có lợi Nam Viện. Ông Lý từ chối nhiều chuyến đi nước ngoài nói là để “giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước”, mặc dù quyền điều hành kinh tế vĩ mô vốn thuộc Bắc Viện đã bị thu hẹp, do Tổng bí thư nắm “Tiểu tổ cải cách kinh tế trung ương”; có những cuộc họp quyết sách kinh tế, Thủ tướng không được dự.
Người ta nói đến làn sóng cải cách lần thứ hai do ông Tập Cận Bình khởi xướng từ Hội nghị Trung ương 3 (2013), nhưng môi trường kinh tế xuống cấp, các lợi thế đã được tận dụng trong hơn 30 năm qua như lao động giá rẻ, đã mất dần, buộc Trung Quốc phải đứng trên một khởi điểm cao hơn, với những thách thức mới mang tính hệ thống, tính cơ cấu, không dễ giải quyết một cách đơn lẻ và trong một thời gian ngắn. Đây là thách thức lớn nhất của ông Tập Cận Bình.
Có tin, phía ông Tập, muốn ông Vương Kỳ Sơn, hiện là Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, người đứng đầu cuộc “đả hổ diệt ruồi”, lưu nhiệm khóa tới dù đã quá tuổi, để làm thủ tướng. Ông Vương nổi tiếng là người thông minh, mưu mẹo, thân tín của ông Tập Cận Bình. Ông Lý Khắc Cường lúc ấy có thể sẽ điền vào chức chủ tịch Quốc hội. Nhưng một trục trặc cho thấy quyền lực của ông Tập Cận Bình chưa phải là tuyệt đối vì Thượng tướng Lưu Nguyên (con trai cựu Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ) người do ông Tập đề cử làm Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, hai lần bỏ phiếu tại Quân ủy trung ương đều không đạt quá bán, phải về hưu.
Cuộc đấu đá ở hậu trường dường như chưa tới hồi kết, vì như đánh giá của Giáo sư Lâm Hòa Lập, Đại học Hồng Kông, các bên sẽ còn gặp lại nhau trong một cuộc họp không chính thức vào mùa Hè sang năm để tiếp tục dàn xếp nhân sự. Ông Tập Cận Bình ra sức tập hợp lực lượng: Chỉ riêng năm 2015, ông Tập Cận Bình đã thăng cấp cho 23 thượng tướng, 50 trung tướng và hơn 100 thiếu tướng./.
Hoài Nam