• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tới hết quý II

Thế giới 04/03/2024 11:38

(Tổ Quốc) - Theo trang CNBC, Saudi Arabia, Nga và một số nhà sản xuất OPEC+ sẽ gia hạn cắt giảm nguồn cung dầu thô tự nguyện đến cuối tháng 6.

Các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, ngày 3/3 đã thông báo sẽ gia hạn cắt giảm nguồn cung dầu thô tự nguyện cho đến cuối quý II trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sản lượng tăng từ các nước bên ngoài nhóm.

OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tới hết quý II - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: REUTERS/Alexander Manzyuk Alexander Manzyuk/Reuters

Hãng thông tấn nhà nước Saudi cũng trích dẫn nguồn tin chính thức từ Bộ Năng lượng nước này cho biết Saudi Arabia sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối quý II, duy trì sản lượng ở mức khoảng 9 triệu thùng/ngày. Việc cắt giảm sẽ được đảo ngược dần tùy theo điều kiện thị trường.

Về phía Moscow, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng khẳng định Nga sẽ cắt giảm nguồn cung sản xuất và xuất khẩu tổng cộng 471.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 6. Moscow đã tình nguyện giảm nguồn cung nhiều hơn một chút so với mức 500.000 thùng/ngày trong quý đầu tiên năm nay.

Nga - quốc gia có quyền miễn trừ duy nhất để phân chia hạn chế giữa sản xuất và xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế - sẽ chú trọng hơn vào việc cắt giảm sản lượng dầu thô trong quý tới.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất chủ chốt của OPEC là Iraq và UAE cũng gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện lần lượt là 220.000 thùng/ngày và 163.000 thùng/ ngày cho đến cuối quý II.

Trở lại tháng 11/2023, các nước OPEC+ đã thực hiện chính sách chính thức giảm sản lượng chung 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2024. Khác với chiến lược chính thức của nhóm, một số nhà sản xuất OPEC+, bao gồm cả các đối thủ nặng ký là Saudi Arabia và Nga, đã tuyên bố sẽ tự nguyện cắt giảm nguồn cung tổng cộng 2,2 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối quý đầu tiên năm nay.

Thông báo cắt giảm sản lượng mới nhất đưa ra trong bối cảnh giá dầu suy yếu đã tăng mạnh trong khoảng thời gian hẹp từ 75 đến 85 USD/thùng kể từ đầu năm nay. Ngoài việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+, các cuộc tấn công hàng hải dai dẳng của lực lượng Houthi trên tuyến đường Biển Đỏ quan trọng cũng phần nào gây gián đoạn quá trình vận chuyển dầu.

Các nước này cũng cho biết rằng những hạn chế sản lượng mới nhất này sẽ "được hoàn trả dần dần tùy theo điều kiện thị trường" sau quý II.

Mục đích bình ổn thị trường

Trước đó, OPEC+ cũng đã thực hiện một loạt cắt giảm sản lượng kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh sản lượng tăng từ Mỹ và các nhà sản xuất không phải thành viên khác, đồng thời lo ngại về nhu cầu giảm khi các nền kinh tế lớn vật lộn với lãi suất cao.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng với tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu chậm lại và nguồn cung mới từ châu Mỹ tăng, OPEC+ có thể sẽ cần phải kiên trì với xu hướng cắt giảm trong cả năm nay.

Không giống với những thay đổi chính sách chính thức, việc cắt giảm tự nguyện không yêu cầu sự nhất trí chung của nhóm trong cuộc họp chính thức và bỏ qua nhu cầu phân bổ mức cắt giảm hoặc tăng sản lượng giữa các thành viên OPEC+. Thông thường, các nước OPEC+ không tranh cãi về việc điều chỉnh sản lượng, miễn là phù hợp với tinh thần của chính sách hiện tại. Và hiện việc cắt giảm bổ sung được xây dựng dựa trên mức cắt giảm hiện có của OPEC+.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mục đích chung của động thái này là nhằm hỗ trợ thêm cho giá dầu, vốn đã có nhiều biến động do căng thẳng địa chính trị và những bất ổn xung quanh việc mở rộng kinh tế và lãi suất.

OPEC dự báo năm 2024, nhu cầu dầu thế giới tăng trưởng tương đối mạnh ở mức 2,25 triệu thùng/ngày, dẫn đầu khả năng là châu Á. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo mức tăng trưởng chậm hơn nhiều là 1,22 triệu thùng/ngày.

Mặc dù mục đích xoay quanh hỗ trợ giá và đảm bảo sự ổn định của thị trường nhưng cũng phản ánh những thách thức mà các nhà sản xuất dầu phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế đang thay đổi nhanh chóng.

Triển vọng nhu cầu dầu vẫn không chắc chắn, với các yếu tố như tốc độ phục hồi kinh tế ở các khu vực trọng điểm, căng thẳng địa chính trị đang diễn ra và quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng tái tạo đều đóng một vai trò quan trọng.

Các cuộc đàm phán chính sách tiếp theo của nhóm diễn ra vào tháng 6. Đến thời điểm đó, các nhà cung cấp dữ liệu bên thứ ba độc lập sẽ hoàn tất đánh giá thông tin về cơ sở năng lực sản xuất của các thành viên nhóm. Mức cơ sở cao hơn dẫn đến giới hạn sản lượng cao hơn, cho phép các nhà sản xuất kiếm được lợi nhuận từ doanh thu vững chắc hơn trong môi trường giá cao.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ