(Tổ Quốc) - Căng thẳng trên dãy núi Himalaya không chỉ thúc đẩy một thỏa thuận năng lượng mà còn tạo cơ hội cho Islamabad có thể giảm nợ.
Một thỏa thuận trị giá 2,4 tỷ USD giữa Pakistan và Trung Quốc cho một dự án thủy điện lớn ở Kashmir cho thấy ba quốc gia này đang cạnh tranh với nhau ra sao ở Himalaya – vùng lãnh thổ tranh chấp gần đây đã nổ ra một cuộc đụng độ chết người giữa lực lượng biên giới Trung Quốc và Ấn Độ.
Thương vụ tỷ đô tại biên giới
Trung Quốc, Pakistan và Công ty Thủy điện Kohala, một công ty con của Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, cuối tháng trước đã ký thỏa thuận xây dựng một nhà máy thủy điện công suất 1.124 megawatt. Dự án này dự kiến sẽ là một cơ sở hạ tầng quan trọng dọc theo Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
Đây sẽ là khoản đầu tư lớn nhất vào một nhà sản xuất điện độc lập đơn nhất ở Pakistan, theo truyền thông địa phương. Đây cũng là dự án lớn thứ hai mà Trung Quốc đã đồng ý tài trợ cho khu vực Kashmir do Pakistan quản lý trong hai tháng qua. Vào tháng 5, Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc đã được trao hợp đồng xây dựng đập Diamer Bhasha với vai trò liên doanh. Con đập đó, cách biên giới Trung Quốc 320 km, cũng sẽ được nước này đầu tư.
Các chuyên gia cho biết việc Trung Quốc sẵn sàng tài trợ cho dự án thủy điện Kohala là một nỗ lực vô hiệu hóa lập trường của Ấn Độ liên quan đến việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan tại khu vực Kashmir đang tranh chấp. Ấn Độ từng nói rằng không có dự án nào nên được thực hiện trong khu vực này nhưng thỏa thuận Trung Quốc - Pakistan mới nhất là nhằm làm suy yếu điều này.
Andrew Small, một chuyên gia của chương trình châu Á tại Quỹ Marshall tin rằng trong quá khứ Trung Quốc đã cẩn trọng chọn các dự án để Ấn Độ thấy rằng Hành lang kinh tế của họ không làm thay đổi hiện trạng Kashmir.
"Thoạt nhìn, [dự án thủy điện] Kohala dường như đại diện cho sự phá vỡ lập trường đó," Small nói với Nikkei Asian Review, và cho biết thêm rằng Trung Quốc thực sự sẽ cho thấy họ sẽ không còn sẵn sàng tôn trọng sự nhạy cảm của Ấn Độ về những vấn đề này trong tương lai.
Tuần trước, Quân đội Giải phóng Balochistan – một nhóm vũ trang kêu gọi li khai nhiều thập kỷ nay - đã tấn công Sở giao dịch chứng khoán Pakistan ở Karachi vì các công ty Trung Quốc có 40% cổ phần ở đây. Ngay lập tức, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đổ lỗi cho Ấn Độ về vụ tấn công này. "Không còn nghi ngờ gì rằng Ấn Độ đứng đằng sau vụ tấn công", ông phát biểu với Quốc hội Pakistan hôm thứ ba tuần trước.
"Bằng cách đổ lỗi cho Ấn Độ về cuộc tấn công sàn chứng khoán, Pakistan đang cố gắng giành được cảm tình của Trung Quốc", James M. Dorsey, một thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, nói. Dorsey nói thêm rằng Pakistan đang cố gắng khai thác căng thẳng biên giới Ấn - Trung vì lợi ích tài chính của chính họ.
Ngay sau khi dự án thủy điện Kohala được công bố, truyền thông Ấn Độ đã cáo buộc có sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại khu vực Gilgit-Baltistan, một phần của Kashmir do Pakistan quản lý. Họ cáo buộc rằng Trung Quốc đang cố gắng sử dụng khu vực Kashmir của Pakistan để kích động bạo lực ở vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý. Thiếu tướng Babar Iftikhar, phát ngôn viên của các lực lượng vũ trang Pakistan, đã lên Twitter để bác bỏ các tuyên bố của Ấn Độ.
Cơ hội giảm nợ cho Pakistan?
Mohan Malik, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng UAE, nói rằng việc khai thác những vấn đề nhạy cảm của Ấn Độ là một yếu tố thiết yếu trong chính sách "kiềm chế Ấn Độ" của Trung Quốc. Bắc Kinh đang ưu tiên các dự án xây dựng đập và thủy điện ở Kashmir do Pakistan quản lý hơn các dự án hành lang khác "để kích thích New Delhi", ông nói với Nikkei.
Malik nói thêm rằng Pakistan chắc chắn là bên hưởng lợi lớn nhất từ sự căng thẳng quân sự Trung Quốc - Ấn Độ. "Mối đe dọa lờ mờ của cuộc chiến hai mặt trận với Trung Quốc và Pakistan là kịch bản tồi tệ nhất của New Delhi," ông nói.
Việc hưởng lợi đã được tiết lộ trong một báo cáo kiểm toán của một cơ quan điện Pakistan rằng hai công ty Trung Quốc đã tăng chi phí của các dự án điện trong hành lang kinh tế thêm 3 tỷ USD. Bê bối tăng giá này sẽ khiến Pakistan dễ dàng hơn để yêu cầu Trung Quốc trì hoãn lịch trả nợ cho các khoản vay của dự án điện thuộc hành lang kinh tế.
Các chuyên gia tin rằng Pakistan có thể nhận được một khoảng thời gian ân hạn khi trả các khoản vay gắn liền với dự án thủy điện Kohala trong bối cảnh diễn ra bê bối về chi phí tăng cao. "Trung Quốc thường chọn đưa ra các đề nghị mới hoặc cho phép thời gian thanh toán chậm hơn là đàm phán lại các điều khoản hợp đồng ban đầu, điều mà [Trung Quốc] coi là sẽ đặt ra một tiền lệ nhiều vấn đề," Small nói.
Malik đồng ý với nhận định trên và nói thêm rằng Islamabad có thể tận dụng cuộc khủng hoảng để đàm phán lại các điều khoản cho vay liên quan đến các dự án họ không có khả năng tài chính.
Tuy nhiên, Dorsey, học giả nghiên cứu quốc tế tại Singapore, lại có một chút khác biệt. Ông nói rằng Bắc Kinh sẽ khó chấp nhận yêu cầu xóa nợ hẳn từ Pakistan vì làm như vậy sẽ buộc Bắc Kinh phải thực hiện tương tự với một loạt các yêu cầu tương tự từ các quốc gia Vành đai và Con đường khác.