• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Palestine liên tiếp “tung đòn” với Mỹ sau động thái Jerusalem

Thế giới 16/01/2018 16:36

(Tổ Quốc) - Cuộc bỏ phiếu của các nhà lãnh đạo Palestine kêu gọi PLO ngừng công nhận Israel có thể kéo theo nhiều hệ lụy.

Các nhà lãnh đạo Palestine ngày 15/1 đã bỏ phiếu kêu gọi PLO ngừng công nhận Israel – động thái có thể kéo theo nhiều hệ lụy về cách họ phản ứng tuyên bố trước đó của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Cuộc bỏ phiếu bất ngờ từ PLO

Theo AFP, Hội đồng trung ương Palestine (PCC) - một nhánh cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine PLO ngày 15/1 đã tổ chức một cuộc họp bàn về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Với 74 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 12 phiếu trắng, Hội đồng trung ương Palestine đã nhất trí yêu cầu PLO ngừng công nhận Israel.

Cuộc họp của PCC đề nghị PLO ngừng công nhận Israel. (Nguồn: Reuters)

Kết quả cuộc bỏ phiếu cho phép (PLO) ngừng việc công nhận Israel cho đến khi Tel Aviv "công nhận nhà nước Palestine", hủy bỏ việc sáp nhập Đông Jerusalem và chấm dứt hoạt động xây dựng các khu định cư.

Trong khi việc rút lại sự công nhận của PLO đối với Israel có thể dấy lên sự phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế - vẫn chưa rõ ràng liệu cuộc bỏ phiếu này có mang tính ràng buộc hay không.  Một cuộc bỏ phiếu trước đó của Hội đồng Trung ương Palestine vào năm 2015 về đình chỉ sự phối hợp về an ninh với Israel đã không bao giờ được thực hiện.

Tuy nhiên, ngay cả khi tác động của cuộc bỏ phiếu trên không đi xa hơn, đây vẫn là một cách thể hiện khác sự giận dữ của người Palestine đối với tuyên bố của ông Trump về Jerusalem và về điều mà họ cho là đòn tấn công của Nhà Trắng đối với tiến trình thành lập nhà nước của người Palestine. PLO được coi là đại diện chính thức của người Palestine trên toàn thế giới và PLO đã chính thức công nhận Israel vào năm 1993.

Phản ứng mạnh từ Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas

Vào ngày 15/1, phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp trên, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, người bỏ phiếu ủng hộ việc ngừng công nhận Israel, đã cho rằng nỗ lực hòa bình của ông Trump là "cái tát của thế kỷ", nhắc đến cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm đạt "thỏa thuận cuối cùng" giữa Israel và Palestine. Ông Trump từng mô tả "thỏa thuận cuối cùng" sẽ là "thỏa thuận của thế kỷ".

Ông Abbas cũng lên tiếng rằng lập trường của ông Trump cho thấy Mỹ không còn có thể là nhà hòa giải trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel.

Phát biểu tại một cuộc họp với sự tham gia của nhiều đảng phái chính trị cuối ngày 15/1, ông Abbas nói với các đại biểu rằng: "Chúng tôi đã nói 'không' với Trump, 'chúng tôi sẽ không chấp nhận kế hoạch của ông ta'". Thay vào đó, ông Abbas kêu gọi tiến hành một quá trình hoà bình quốc tế.

Trong một tuyên bố, các đại biểu cũng ủng hộ các bình luận của Tổng thống Abbas trước đó nói rằng hiệp định hòa bình Oslo, vào đầu những năm 90, đặt nền tảng cho mối quan hệ của Palestine với Israel, đã "kết thúc".

Ông Abbas nói rằng Israel đã chấm dứt thỏa thuận trên bằng hành động của mình, đề cập đến các hoạt động như liên tục xây dựng các khu định cư trái phép. Những động thái này được xem là đang làm xói mòn cơ hội thực thi giải pháp hai nhà nước Israel – Palestine.

Vào tối Chủ nhật, ông Abbas còn chỉ trích các Đại sứ Mỹ tại Israel và Liên hợp quốc, lần lượt là David Friedman và Nikki Haley, gọi họ là một "sự hổ thẹn".

Cả hai quan chức trên đều là những người ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Israel, đáng chú ý, Friedman đã ủng hộ việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở khu Bờ Tây – đang bị Tel Aviv chiếm đóng.

"Không có Oslo nào hết", ông Abbas nói. "Israel đã chấm dứt Oslo". Thỏa thuận Oslo năm 1993 đã dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Palestine, bắt đầu tiến trình nhằm đạt thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine dựa trên các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Căng thẳng từ Mỹ, Israel

Phản hồi trước tuyên bố của ông Abbas, Liên minh châu Âu- EU- cho biết lập trường của họ về cuộc xung đột Israel – Palestine vẫn "dựa trên hiệp định Oslo".

Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu - Maja Kocijancic, nói với các phóng viên tại Brussels rằng: "Một giải pháp hai nhà nước thông qua đàm phán sẽ đáp ứng nguyện vọng của cả hai bên, Israel và Palestine. Đây là cách thực tế duy nhất mang lại hòa bình và an ninh lâu dài mà cả người Israel và Palestine đáng được hưởng".

Pháp, chủ trì một hội nghị quốc tế ủng hộ giải pháp hai nhà nước cách đây một năm, đã đưa ra một phản ứng tương tự. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Moscow "hiểu được" sự tức giận của ông Abbas. "

Trong nhiều năm họ đã nhượng bộ mà không nhận được bất cứ điều gì", ông Lavrov phát biểu tại một cuộc họp báo thường kì ở Moscow. "Chúng tôi liên tục nghe rằng Hoa Kỳ sắp công bố một thỏa thuận quan trọng có thể làm hài lòng tất cả các bên. Chúng tôi chưa thấy văn bản nào như vậy."

Quan hệ của người Palestine với giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã xấu đi kể từ cuộc bầu cử năm 2016 mang lại chiến thắng cho ông Trump.

Ông Trump vào thời điểm lên cầm quyền đã hứa hẹn sẽ dẫn dắt một chính quyền thân cận nhất với Israel trong lịch sử, tuy nhiên, vẫn duy trì mục đích theo đuổi thỏa thuận hoà bình Trung Đông.

Gần đây, tuyên bố về Jerusalem của phía Washington đã khiến quan hệ giữa Palestine và Mỹ rơi xuống mức thấp, và ông Abbas dự kiến sẽ vẫn “lạnh nhạt” với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi quan chức này có chuyến thăm Trung Đông vào tuần tới.

Israel chưa có phản ứng trực tiếp đối với cuộc bỏ phiếu trên. Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm thứ hai 16/1 nói rằng, những bình luận của ông Abbas đã "xé nát" "mặt nạ" của ông ấy như một chính trị gia theo đường lối ôn hòa.

Hamas, phong trào Hồi giáo Palestine đang hoạt động tại Dải Gaza và từ trước đến nay luôn không công nhận Israel hoan nghênh cuộc bỏ phiếu, nhưng đưa ra tuyên bố rằng một "cuộc kiểm nghiệm thực sự" sẽ "được thực hiện để xem xét tính hiệu quả và đưa ra các cơ chế cần thiết".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ