• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

PGS.TS Phạm Lan Oanh: Công tác quản lý lễ hội năm 2023 chu đáo, bài bản, thể hiện trách nhiệm cao

Văn hoá 09/02/2023 07:27

(Tổ Quốc) - Sau 3 dịp Xuân năm 2020, 2021, 2022 bị hạn chế rất nhiều bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, vào dịp Xuân Quý Mão 2023, những vùng miền, quê hương có lịch lễ hội diễn ra vào đầu năm đã được tổ chức lại trong không khí phấn khởi, hồ hởi thể hiện sự háo hức của cộng đồng.

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa, đặc điểm và công tác quản lý của lễ hội trong năm nay, phóng viên Báo điện tử Tổ quốc đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

- Thưa bà, sau ba năm "vắng bóng" vì dịch bệnh Covid-19, đầu năm nay, các lễ hội đã được tổ chức đồng loạt tại nhiều địa phương trên cả nước. Là nhà nghiên cứu về văn hóa, bà có thể cho biết lễ hội năm nay có đặc điểm gì khác hơn so với những năm trước?

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa tiêu biểu cho văn hóa ở các vùng miền của Tổ quốc Việt Nam, thường diễn ra vào mùa Xuân và mùa Thu. Thông qua các lễ hội, chúng ta đều nhận ra một phần lịch sử và bản sắc văn hóa của cha ông được tái hiện và có sức sống tươi mới trong bối cảnh xã hội hiện tại.

PGS.TS Phạm Lan Oanh: Chưa khách quan khi đánh giá "quản không được thì cấm" về công tác quản lý lễ hội - Ảnh 1.

Những lễ hội truyền thống hầu như vẫn duy trì những giá trị cao đẹp có từ xa xưa và năm 2023.

Sau 3 dịp Xuân năm 2020, 2021, 2022 đã bị hạn chế rất nhiều bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, năm nay, Xuân Quý Mão 2023, những vùng miền, quê hương có lịch lễ hội diễn ra vào đầu năm đã được tổ chức lại trong không khí phấn khởi, hồ hởi thể hiện sự háo hức của cộng đồng.

Những lễ hội truyền thống hầu như vẫn duy trì những giá trị cao đẹp có từ xa xưa và năm 2023, lễ hội Mùa Xuân khác chăng so với những năm trước, có lẽ đó là tâm trạng của các chủ thể thực hành lễ hội. Trải qua thời kỳ khó khăn, ảnh hưởng từ đại dịch, họ càng ý thức hơn về trách nhiệm và quyền lợi của cá nhân và cộng đồng đối với những công to việc lớn trong địa phương, xưa kia gọi là vào đám, hoặc việc làng, sự thần, sự thánh.

Lễ hội là cơ hội để gia tăng sức mạnh đoàn kết, chia sẻ, tri ân và cùng hướng tới phát triển vì an lành, hạnh phúc của bản thân, gia đình và xã hội. Do đó, năm nay là thời điểm người dân ở các địa phương sẽ rất vui mừng phấn khởi tổ chức lễ hội để tiếp tục nối dài truyền thống văn hóa của mình như một niềm tự hào về quê hương đất nước.

- Năm nay, bà có đi dự một lễ hội nào không? Và qua quan sát của mình, bà thấy công tác tổ chức lễ hội năm nay như thế nào?

Từ đầu tháng Giêng, mới qua hơn 2 tuần của năm mới từ tết Nguyên đán, chưa có cơ hội trải nghiệm những lễ hội diễn ra cả 3 miền, song cá nhân tôi cũng trực tiếp tham dự lễ hội ở các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, các di tích cấp tỉnh/thành phố và một số lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

PGS.TS Phạm Lan Oanh: Chưa khách quan khi đánh giá "quản không được thì cấm" về công tác quản lý lễ hội - Ảnh 2.

Lễ hội làng Ngọc Tiên (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định)

Bằng quan sát của mình, tôi nhận thấy công tác tổ chức lễ hội chu đáo, bài bản, thể hiện quá trình chuẩn bị từ trước Tết âm lịch đã công phu với trách nhiệm cao. Sự phối hợp giữa ban quản lý di tích và chính quyền địa phương, với các tổ chức phi quan phương trong cộng đồng cho thấy lễ hội thực sự là sự kiện của địa phương. Lễ hội được toàn thể người dân và cán bộ cùng quan tâm, ủng hộ, tham dự và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật, giá trị tâm linh, giá trị tiếp nối truyền thống văn hóa cha ông đang được duy trì ở mức độ tốt.

Tôi nghĩ rằng một thành phần quan trọng góp vào công tác tổ chức tốt lễ hội chính là khâu quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách bài bản, hấp dẫn, tạo sức hút và tiếng vang cho lễ hội. Đồng thời cũng có những khuyến nghị, cảnh báo về việc tuân thủ nội quy, quy chế đã được tuyên truyền, tạo ra hiệu ứng tốt trong cộng đồng. Về cơ bản, những lễ hội đã diễn ra trong khoảng 2 tuần đầu tháng Giêng năm nay đảm bảo tuân thủ quy định, an toàn và ý nghĩa.

- Có ý kiến cho rằng, quá trình hội nhập, thương mại hóa đã làm cho lễ hội ngày nay phần nào phai nhạt, mất đi bản sắc vốn có, đặc biệt là ở những năm gần đây có nhiều lễ hội như đánh phết Hiền Quan đã bỏ mất phần hội, hay như những lễ hội được truyền thông đưa tin có những hành vi phản cảm, dã man như đâm trâu, chém lợn, …quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Mặt trái của các lễ hội được nêu ra như một hành động tất yếu của diễn trình lễ hội, bộc lộ thông qua những hành vi khiến dư luận xã hội có thể lo lắng bởi nó góp phần vào sự tàn phai yếu tố gốc trong thực hành lễ hội truyền thống ở các địa phương mà nguyên do từ quá trình hội nhập và thương mại hóa lễ hội thực ra là có. Tuy nhiên, không hẳn nhận định nêu trên là hoàn toàn đúng đắn.

Trong quá trình thực hành văn hóa, bằng các trải nghiệm văn hóa, bao gồm cả văn hóa tâm linh, cộng đồng luôn có xu hướng bảo lưu vốn cổ truyền của địa phương. Tuy nhiên, thực tế đời sống đặt ra những bài toán quản lý đòi hỏi phải được giải quyết, hướng tới một xã hội văn minh, phát triển, việc gạn đục khơi trong, phát huy giá trị và hạn chế tối đa, dần dần loại bỏ những yếu tố, nội dung, hành vi phản cảm, lạc hậu, dã man là điều cần thiết.

Thực tế, mấy năm trở lại đây, Bộ VHTTDL cũng như các tỉnh/thành phố đã có những giải pháp cụ thể nhằm ngày càng đưa các lễ hội to nhỏ các cấp từ cơ sở cho tới các lễ hội, tín ngưỡng được tổ chức UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày càng trở nên hấp dẫn, trang trọng, ý nghĩa và văn minh hơn. Đây là xu hướng tất yếu cho các lễ hội truyền thống đã và đang diễn ra ở Việt Nam.

- Có một số ý kiến cho rằng, công tác quản lý lễ hội thời gian qua có tình trạng cứ cái gì "quản không được thì cấm", quan điểm của bà về việc này như thế nào?

Nhiều năm nay nội dung nêu trên đã được đề cập, tuy nhiên, xét từ hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa và quản lý tự quản của cộng đồng nơi có tổ chức lễ hội, chúng tôi nhận thấy sự đồng thuận cao giữa chính quyền và người dân.

PGS.TS Phạm Lan Oanh: Chưa khách quan khi đánh giá "quản không được thì cấm" về công tác quản lý lễ hội - Ảnh 3.

Lễ hội Phết Hiền Quan 2023.

Với những lễ hội thể hiện xu hướng gia tăng bạo lực, phản cảm, hoặc vượt ngưỡng trong niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, dễ dẫn đến thương mại hóa lễ hội, trục lợi cá nhân, làm xấu xí hình ảnh và truyền thống địa phương thì rất cần được quản lý.

Như vậy, về bản chất, chúng ta sẽ hết sức nỗ lực để xây dựng hình ảnh đẹp đẽ và giá trị thiêng liêng của lễ hội, hạn chế tối đa những hoạt động đi ngược lại bằng cách chủ động chống, hạn chế, giảm thiểu hoạt động, những hành vi trục lợi, dã man, phản cảm, lạc hậu... Do đó, về bản chất, đánh giá "không quản được thì cấm" là quan điểm chưa thể hiện sự khách quan.

Lễ hội là sản phẩm văn hóa thể hiện nhu cầu của con người và xã hội, không chỉ là câu chuyện quản lý riêng của Bộ VHTTDL. Toàn xã hội đều có trách nhiệm quản lý và thực hành tốt đối với các lễ hội truyền thống diễn ra ở khắp các vùng miền Tổ quốc Việt Nam thì công tác quản lý vĩ mô và vi mô sẽ ngày càng trở nên đỡ nặng nhọc, điều tiếng và ngày càng thể hiện trình độ phát triển văn minh trong lễ hội của xã hội chúng ta.

- Xin bà cho biết bản chất của lễ hội và để bảo tồn bản sắc cốt lõi của các lễ hội, giải pháp căn cơ là gì?

Bản chất của lễ hội là tôn vinh giá trị tinh hoa văn hóa của cộng đồng thông qua một sinh hoạt văn hóa được tổ chức theo định kỳ đã có từ trong quá khứ, được tiếp nối tới hôm nay và sẽ còn được truyền tới mai sau. Có lẽ không có sinh hoạt cộng đồng nào đặc sắc hơn việc tổ chức lễ hội truyền thống tại các làng quê ở cấp phường xã, hay những lễ hội có quy mô lớn hơn như huyện, tỉnh, thành phố, lễ hội quốc gia do nguyên thủ quốc gia dự tế. Như thế, bản thân lễ hội đã bộc lộ bản sắc văn hóa của những cộng đồng cụ thể.

PGS.TS Phạm Lan Oanh: Chưa khách quan khi đánh giá "quản không được thì cấm" về công tác quản lý lễ hội - Ảnh 4.

Lễ hội khai ấn đền Trần, Nam Định

Tùy quy mô lễ hội mà các lễ hội sẽ có những cách thức tổ chức và quản lý tương ứng. Giải pháp đặt ra cho các lễ hội ở phương diện quản lý nhà nước, đầu mối là Bộ VHTTDL, sau 3 năm quy định tạm dừng tổ chức lễ hội, năm 2023, dự đoán các lễ hội được mở trở lại sẽ đem lại niềm vui phấn khởi cho xã hội và cũng không ngoại trừ những tình huống có tính chất tiêu cực phát sinh.

Lấy an toàn và văn minh trong tổ chức hoạt động lễ hội năm 2023 là yếu tố quan trọng và bảo đảm các lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, chúng tôi cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra, thanh tra, xử phạt hành chính theo quy định sẽ được thực hiện sát sao nghiêm túc, quy trách nhiệm cụ thể là giải pháp tiếp tục được thực hiện sẽ đem lại hiệu quả quản lý.

Ý thức của người dân, sự đồng thuận cộng đồng và trách nhiệm công vụ của các cán bộ, cơ quan quản lý là giải pháp hợp ý Đảng lòng Dân để các lễ hội mùa Xuân, và tiếp theo là các lễ hội mùa Thu trở thành nét đẹp văn hóa tiêu biểu của các vùng miền trên quê hương Việt Nam.

Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Lan Oanh!

Thế Công (thực hiện) - Ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ