• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO: Thành viên lớn thứ hai NATO đưa ra 10 điều kiện

Thế giới 21/05/2022 08:19

(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất trong 30 thành viên của NATO phản đối sự gia nhập của Phần Lan và Thuỵ Điển.

Ngày 18/5/2022, tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Đại sứ Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn cho Tổng thư ký Jens Stoltenberg xin gia nhập Liên minh, chấm dứt quy chế trung lập 200 năm của Thụy Điển và 70 năm của Phần Lan. Ông Stoltenberg hoan nghênh quyết định này, cho đây là bước đi lịch sử, các thành viên của Liên minh sẽ nhanh chóng xem xét các giai đoạn tiếp theo để hai nước có thể trở thành thành viên chính thức của NATO trong thời gian sớm nhất.

Theo quy định, việc kết nạp một nước vào NATO phải được tất cả 30 nước thành viên nhất trí. Đến nay, 29 nước đã tuyên bố ủng hộ đơn gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên lớn thứ hai trong NATO không ủng hộ, Nga kịch liệt phản đối và tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ankara không muốn lặp lại sai lầm tương tự khi ủng hộ Hy Lạp vào NATO, nhưng sau đó đã quay lại chống Ankara trong cuộc chiến Thổ Nhĩ Kỳ với Síp năm 1974.

Điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ hết sức phức tạp với Phần Lan, Thụy Điển và các nước trong khối NATO. Các đại diện của đảng Công nhân Kurdistan (PKK)m các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd và tổ chức của giáo sĩ Fettullah Gulen, người đã tham gia vào cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan năm 2016, hiện đang sống ở hai nước này. Các tổ chức này bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Người Kurd có khoảng 25 triệu đang đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang đòi thành lập một quốc gia độc lập trên một phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện nay có khoảng 100 nghìn người Kurd đang sinh sống tại Thụy Điển và 5 nghìn người khác sống tại Phần Lan. Thậm chí trong Quốc hội Thụy Điển còn có 6 đại biểu là người Kurd. Ankara không chấp nhận tình hình này.

Ngoài vấn đề người Kurd, việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập EU từ 1987 đến nay vẫn chưa được chấp thuận và các cuộc đàm phán về vấn đề này đã bị trì hoãn do có nhiều bất đồng cũng là lý do để Ankara không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển.

Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO: Thành viên lớn thứ hai NATO đưa ra 10 điều kiện - Ảnh 1.

Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Ảnh: NATO

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, nhưng vẫn để ngỏ cửa cho các cuộc đàm phán. Vừa qua, cuộc họp NATO tại Berlin có sự tham gia của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển, các vấn đề lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, các bên mới chỉ nghe ý kiến của nhau mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra 10 điều kiện cho việc ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, trong đó có việc hai nước nay phải chấm dứt ủng hộ PKK và các tổ chức khác của người Kurd, dẫn độ 33 cá nhân thuộc PKK và tổ chức FETO (Fethullah Terrorist Organisation) cho Thổ Nhĩ Kỳ, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí mà Mỹ và một số nước EU áp đặt năm 2019 trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì tấn công vào Syria, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình tiêm kích F-35, được mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ và hủy bỏ lệnh trừng phạt đối với việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Phản ứng của Nga

Nga khẳng định, việc mở rộng NATO sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 là vi phạm các cam kết của phương Tây vào đầu những năm 1990 về việc không mở rộng NATO về phía Đông, cũng như nguyên tắc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt được ghi trong "Hiến chương An ninh Châu Âu" được thông qua trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE).

Tổng thống Vladimir Putin, trong cuộc đàm thoại với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinistö đã lưu ý rằng, việc Phần Lan từ bỏ chính sách trung lập truyền thống của mình sẽ là một sai lầm. Ông nói, trong lịch sử không hề có mối đe dọa nào đối với an ninh của Phần Lan. Sự mở rộng tiếp theo của NATO không làm cho lục địa châu Âu ổn định và an toàn hơn. Việc Phần Lan gia nhập NATO có thể tác động tiêu cực đến quan hệ song phương.

Ông cho biết, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nga. Tuy nhiên, việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tới các vùng lãnh thổ này sẽ buộc Nga phải có phản ứng đáp trả. Tổng thống Putin đã chủ trì cuộc họp với các thành viên Hội đồng An ninh Nga tại Điện Kremlin và chỉ thị Bộ Quốc phòng đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường phòng thủ sườn phía Tây của Nga.

Khi được hỏi liệu các biện pháp này có bao gồm việc triển khai vũ khí hạt nhân ở khu vực Baltic hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Tôi chưa thể nói gì về khả năng này. Khi một kế hoạch tăng cường phòng thủ biên giới phía Tây của Nga được vạch ra, sẽ bao gồm một danh mục tất cả các biện pháp cần thiết và điều này sẽ được xem xét tại một cuộc họp riêng với Tổng thống".

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho rằng: "Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, chiều dài đường biên giới trên bộ của NATO với Nga sẽ tăng hơn gấp hai lần. Đương nhiên, các đường biên giới này sẽ phải được tăng cường, trong đó có việc việc triển khai các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển ở Vịnh Phần Lan. Trong trường hợp này, không còn có thể nói gì về quy chế phi hạt nhân hóa của Baltic nữa, sự cân bằng sức mạnh phải được khôi phục".

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko cho biết, Nga không có ý định gây hấn với Phần Lan và Thụy Điển và không thấy bất kỳ lý do thực sự nào cho việc hai nước này gia nhập NATO. Ông nói, điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến việc quân sự hóa khu vực Baltic, nơi gần đây vẫn là khu vực hòa bình, yên ổn nhất ở châu Âu. Việc làm này không đáp ứng lợi ích của Thụy Điển và Phần Lan, cũng như lợi ích duy trì an ninh và ổn định của châu Âu. Nga sẽ thực hiện "các biện pháp đáp trả thích hợp", trong trường hợp NATO triển khai lực lượng và cơ sở hạ tầng hạt nhân gần biên giới Nga.

Hậu quả với châu Âu nếu Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, cũng như Thụy Điển, đã tuân thủ chính sách trung lập nghiêm ngặt và không liên kết kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai. Chủ trương không tham gia vào các khối quân sự, duy trì quy chế trung lập được ghi trong các chương trình hành động của chính phủ Phần Lan và Thụy Điển, là nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo an ninh và ổn định ở Bắc Âu nói riêng và Châu Âu nói chung.

Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO: Thành viên lớn thứ hai NATO đưa ra 10 điều kiện - Ảnh 2.

Phần Lan trở thành một quốc gia trung lập sau Thế chiến thứ hai, duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Liên Xô, sau đó là Nga và với cả các nước NATO. Thụy Điển đã duy trì thái độ trung lập trong gần 200 năm mà không có bất cứ đe dọa nào về an ninh.

Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO đánh dấu sự thay đổi lịch sử trong nền chính trị của các nước Bắc Âu và sẽ vẽ lại bản đồ an ninh ở châu Âu. Trên thực tế, điều này sẽ có nghĩa là sự xuất hiện của các lực lượng quân sự và vũ khí nước ngoài trên lãnh thổ của họ, bao gồm cả các vũ khí tấn công, tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

NATO là một liên minh quân sự, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập tổ chức này có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị, làm gia tăng không khí đối đầu ở khu vực Baltic và thay đổi toàn bộ các mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, trong tình hình như vậy, Nga buộc phải tăng cường khả năng phòng thủ của mình ở khu vực Biển Baltic, bao gồm cả khả năng triển khai vũ khí hạt nhân.

Nhân tố Nga trong việc Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO duy nhất có quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Nga. Về kinh tế, dự án hợp tác "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" vận chuyển 32 tỷ m3/năm khí đốt của Nga sang châu Âu và mỗi năm có trên 7 triệu khách du lịch Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Kim ngạch thương mại hai chiều hiện nay đạt 27 tỷ USD và hai nước đã đặt kế hoạch đưa lên 100 tỷ USD trong vài năm tới. Đây là chưa kể đến nhà máy điện hạt nhân Akkuyu khổng lồ bốn tổ máy với công suất 4,800 MW trị giá 20 tỷ USD Nga đang xây dựng cho Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó sẽ tiếp tục xây thêm hai nhà máy nữa.

Về quân sự, Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400, trong khi Mỹ và NATO vẫn tiếp tục cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong xung đột Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ giữ quan điểm trung lập và đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.

Từ tình hình thực địa, Nga có thể sẽ giành lợi thế. Nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, biên giới của NATO sẽ bao vây Nga ở Biển Bắc. Trong tình hình như vậy, cùng với các căn cứ quân sự của mình tại Syria, Nga sẽ tăng cường kiểm soát biển Azov và toàn bộ Địa Trung Hải, án ngữ lối ra vào của Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Ankara quan hệ song phương với Nga quan trọng hơn rất nhiều so với việc ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Tiến trình Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO không dễ dàng

Con đường Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO còn gặp nhiều chông gai. Các cuộc đàm phán để đáp ứng các đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hết sức khó khăn vì các bất đồng kéo dài hàng chục năm nay không dễ gì giải quyết một sớm một chiều.

Ngoài ra, mới đây nhất, ngày 18/5/2022, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic cũng lên tiếng cùng với Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ông nói, việc lôi kéo Phần Lan và Thụy Điển vào NATO là một hành động nguy hiểm.

Nhà lãnh đạo Croatia cho biết, hiện nay còn có nhiều vấn đề chưa được giải quyết ở Balkan cần được chú ý nhiều hơn so với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Đó là vấn đề liên quan đến luật bầu cử ở Bosnia và Herzegovina. Ông nói: "Cho đến khi Mỹ, Anh và Đức buộc Sarajevo trao cho người Croatia các quyền cơ bản, Quốc hội Croatia sẽ không phê chuẩn việc gia nhập NATO của bất kỳ nước nào. Ngoài ra, vấn đề Romania và Bulgaria không gia nhập khu vực Schengen và việc trì hoãn các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU của Albania và Bắc Macedonia vẫn còn là những vấn đề cấp bách cần giải quyết".

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (tiếng Anh: North Atlantic Treaty Organization - NATO) là một liên minh quân sự dựa trên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được thành lập ngày 4/4/1949 gồm Mỹ, Canada và một số nước ở châu Âu. Trong những thập kỷ gần đây, tổ chức này đã mở rộng đáng kể, tăng số lượng thành viên từ 12 quốc gia năm 1949 lên 30 quốc gia ngày nay sau khi Bắc Macedonia chính thức gia nhập tổ chức này năm 2020. Các thành viên NATO hứa chi 2% GDP cho quốc phòng, nhưng mục tiêu này không có tính ràng buộc vì một số nước không có khả năng.

Nhiều nước từng tham gia khối Warszawa đã gia nhập NATO. Trụ sở hiện nay được đặt tại Brussels, Bỉ. Lực lượng quân sự của NATO ước tính khoảng 1,9 triệu binh sĩ. Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, sẽ đưa số thành viên của tổ chức này lên 32 quốc gia và đường biên giới trên bộ của liên minh với Nga sẽ tăng hơn hai lần từ 1215 km lên 2600 km.

Theo quy định, các nước muốn gia nhập NATO phải gửi một ý định thư tới NATO và nếu được tất cả các thành viên NATO chấp thuận, sẽ tiến hành đàm phán về một loạt các vấn đề chính trị, quốc phòng, luật pháp và kỹ thuật.

Sau đó NATO sẽ thiết lập các giao thức gia nhập có thể được ký bởi các Bộ trưởng hoặc đại sứ các nước thành viên tại NATO.

Việc kết nạp thành viên mới phải được sự nhất trí của tất cả các nước thành viên NATO. Việc có được sự chấp thuận ban đầu này phải mất nhiều thời gian. Sau đó, để có thể trở thành thành viên chính thức của NATO phai có sự phê chuẩn của Quốc hội 30 nước thành viên hiện nay. Quá trình này cần thời gian ít nhất là một năm.

Stoltenberg cho biết ông hy vọng tiến trình gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển có thể được đẩy nhanh hơn vì đây là trường hợp đặc biệt.

Các nước thành viên NATO hiện nay gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Iceland, Luxembourg, Na Uy, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia, Slovenia, Croatia, Albania, Montenegro, Bắc Macedonia.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

NỔI BẬT TRANG CHỦ