• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phản ứng với Omicron hé lộ con đường Á – Phi đa dạng

Thế giới 21/12/2021 11:34

(Tổ Quốc) - Trong khi Mỹ và các quốc gia châu Âu đã thực hiện các lệnh cấm đi lại đối với khu vực Nam Phi? Liệu châu Á có tiếp bước họ hay không?

Vào ngày 7/12, Liên minh châu Phi (AU) đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi hủy bỏ khẩn cấp lệnh cấm đi lại được áp dụng đối với một số quốc gia thành viên của họ. Các lệnh cấm này được nhiều nước trên thế giới đưa ra sau khi Nam Phi phát hiện biến thể Omicron của COVID-19.

Châu Phi phản ứng gay gắt loạt động thái từ phương Tây

Hiện tại, du khách từ năm quốc gia phía nam châu Phi, thậm chí một số nước trong đó không xác nhận ca nhiễm Omicron nào, chẳng hạn như Lesotho và Eswatini, đã bị hơn 30 quốc gia cấm nhập cảnh. Trong khi đó, công dân từ các nước châu Âu và Bắc Mỹ, nơi xuất hiện các ca lây nhiễm, vẫn được phép bay tự do. Khoảng cách về lập trường này là rất đáng chú ý vì toàn bộ châu Phi chỉ chiếm chưa tới 10% các trường hợp mắc Omicron trên thế giới, trang The Diplomat nhận định.

Sự phân biệt này còn gây tổn hại trên thực tế. Các quốc gia châu Phi bị nhắm mục tiêu trong các lệnh cấm đi lại này đang chịu nhiều ảnh hưởng về mặt kinh tế, do hạn chế về việc di chuyển đối với cả người và hàng hóa. Và về mặt y tế, khả năng tiếp cận của họ với các nguồn cung cấp y tế thiết yếu và các thiết bị xét nghiệm Covid-19 và phát hiện chủng Omicron cũng bị hạn chế nghiêm trọng.

Phản ứng với Omicron hé lộ con đường Á – Phi đa dạng - Ảnh 1.

Các chiến lược phản ứng với biến thể Omicron đang cho thấy cách tiếp cận khác biệt của châu Á với châu Phi. Ảnh: Reuters.

Trong khi tuyên bố của AU không trực tiếp "chỉ đích danh", các phương tiện truyền thông chính thống gần đây đã nhấn mạnh tới các quyết định sai lệch của những quốc gia giàu có hơn, chẳng hạn như Mỹ và Vương quốc Anh, đang cấm các chuyến bay từ châu Phi một cách có chọn lọc. Trong khi số lượng các ca nhiễm Omicron ở hai nước này thậm chí còn vượt một số khu vực châu Phi, các quốc gia châu Phi cho rằng cách tiếp cận này của những nước lớn phần nào mang tính định kiến và phản khoa học. Tuy nhiên, người ta còn ít nói về những gì đang xảy ra bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ. Và dư luận cũng đang đặt câu hỏi liệu các khu vực khác, ví dụ như châu Á, có đang xử lý việc phát hiện và phát tán biến thể Omicron theo cách khác hay không. Sự so sánh này có vẻ đặc biệt quan trọng khi châu Á được cho là khá cẩn trọng trong việc đối phó với dịch Covid-19 và bản chất của mối quan hệ châu Á – châu Phi, thường được miêu tả rộng rãi là "Hợp tác Nam-Nam".

Khi xem xét phản ứng chính sách của các quốc gia châu Á đối với việc phát hiện biến thể Omicron, có thể phân biệt ba cách tiếp cận chính: một số quốc gia không thay đổi phản ứng của họ, cho rằng tình hình dịch ở nước họ đã ở mức khá an toàn; một số quốc gia phản ứng tương tự như các quốc gia phương Tây, tức là cấm hoàn toàn các chuyến bay từ châu Phi; và một số quốc gia đã áp dụng cách tiếp cận toàn diện hơn, cấm hoặc hạn chế nhập cảnh từ tất cả các quốc gia nơi biến thể Omicron đã được phát hiện.

Đa dạng trong cách tiếp cận

Nhìn vào cách tiếp cận đầu tiên, chỉ có hai quốc gia ở châu Á lọt vào danh sách này: Trung Quốc và Myanmar. Cả hai đều áp dụng một số quy định nhập cảnh khó khăn nhất cho việc đi lại ngay cả trước khi có sự xuất hiện của biến thể Omicron (mặc dù vì những lý do khác nhau), và do đó, họ không cảm thấy cần phải tăng cường hơn nữa việc đóng cửa biên giới. Đặc biệt, Trung Quốc đang theo đuổi "cách tiếp cận không Covid" và kiên trì thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới rất nghiêm ngặt kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tuy nhiên, ngay cả điều đó cũng không ngăn cản nước này phát hiện trường hợp mắc Omicron đầu tiên vào ngày 14 tháng 12.

Chuyển sang chiến lược thứ hai, một số quốc gia châu Á đã có phản ứng tương tự như nhiều quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ bằng cách hạn chế đi lại từ các quốc gia Nam Phi. Các quốc gia này là Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong khi áp dụng các phương pháp hạn chế khác nhau, từ lệnh cấm bay toàn diện đến chế độ kiểm tra và kiểm dịch theo quốc gia cụ thể, tất cả các quốc gia này đều nhắm mục tiêu vào cùng tám quốc gia Nam Phi, đồng thời duy trì các hành lang hàng không đến và đi từ châu Âu và Bắc Mỹ luôn thông thoáng và khả thi. Mặc dù điều này có thể được giải thích bởi sự phụ thuộc kinh tế của các quốc gia kể trên vào lượng khách du lịch từ các quốc gia phương Tây, nhưng vẫn có một điều khó hiểu là tất cả, ngoại trừ Indonesia và Ấn Độ, đã không áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với châu Phi cho các du khách đến từ Hồng Kông, mặc dù nơi đây cũng ghi nhận trường hợp mắc chủng Omicron cùng ngày (25/11) với Nam Phi.

Cuối cùng, có bốn quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á khác đã áp dụng chiến lược thứ ba, có cách tiếp cận khác với các đối tác châu Âu và Bắc Mỹ. Đó là Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản và Philippines. Nhật Bản đã chọn biện pháp bình đẳng là đóng cửa biên giới của họ đối với tất cả người nước ngoài, bất kể quốc tịch hay quốc gia xuất phát. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã cấm các hãng hàng không nhận đặt chỗ trong cả tháng 12, nhằm giảm đáng kể lượng du khách nhập cảnh vào nước này. Đối với Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Philippines, tất cả đều đã tăng cường yêu cầu nhập cảnh và áp dụng cho tất cả các quốc gia đã ghi nhận có trường hợp nhiễm Omicron. Ví dụ, Philippines đã cấm tất cả du khách đến từ 14 quốc gia khác nhau, một nửa trong số đó là các quốc gia châu Âu có xuất hiện chủng Omicron.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng châu Á đang thể hiện nhiều cách tiếp cận trong việc đối phó với biến thể Omicron. Mặc dù không hề ngạc nhiên trước các phản ứng này, do sự đa dạng về bối cảnh chính trị, kinh tế và hệ thống y tế ở châu Á, nhưng việc một số quốc gia và vùng lãnh thổ có phản ứng hợp lý và công bằng là rất đáng chú ý, đặc biệt là so với tình trạng hoảng loạn và phân biệt đối xử của các nước phương Tây.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ