• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát huy giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch

Văn hoá 23/11/2023 09:19

(Tổ Quốc) - Ngày 22/11, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học về "Thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Hội thảo này có sự góp mặt Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam và một số nhà nghiên cứu tham dự. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) hỗ trợ kinh phí với mong muốn tỉnh Quảng Bình sẽ nhận được những giải pháp, kế sách để mang những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng núi rẻo cao, vùng khó khăn…

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

Tỉnh Quảng Bình hiện nay có hai dân tộc thiểu số, đó là: Dân tộc Bru-Vân Kiều (thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì) và dân tộc Chứt (thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng). Các dân tộc thiểu số còn lại với số dân không nhiều, như: Thổ, Mường, Tày, Thái, Pacô...

Địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình thuộc các xã vùng sâu, vùng cao của 5 huyện, gồm: Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hoá. Mỗi dân tộc thiểu số ở Quảng Bình có những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc riêng, phản ánh đời sống tinh thần, khát vọng sống và vươn lên để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, của cộng đồng dân cư cũng như đời sống kinh tế - xã hội của mỗi tộc người.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam trao đổi tại hội thảo

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình đã được triển khai từ cấp tỉnh đến cơ sở và có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Đáng chú ý đó là việc tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín, tri thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đã được khai thác, phát huy, trở thành nguồn lực, sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Hiện nay, Bộ VHTTDL đã đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 3 di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đó là: "Lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Thạch, huyện Bố Trạch"; "Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh"; "Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy".

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch - Ảnh 3.

Lễ hội đập trống Ma Coong (Bố Trạch - Quảng Bình)

Để bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này đòi hỏi tỉnh Quảng Bình cần có nhiều hơn nữa những cơ chế, chính sách và hỗ trợ kinh phí, vận động xã hội hóa để thực hiện những hoạt động bảo tồn, tổ chức truyền dạy kỹ năng, bí quyết và quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trên thực tế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa của địa phương. Một số loại hình văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn...

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch - Ảnh 4.

Tái hiện lễ hội Trỉa ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh - Quảng BÌnh)

Tại Hội thảo này, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các đại biểu đã tham luận và phát biểu ý kiến về các nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy các vǎn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch như: Quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Cùng với đó là các nội dung: Về trang phục của đồng bào Chứt hiện nay; Ngôn ngữ và các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình; Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình: Thực trạng và những vấn đề đặt ra... Qua đó, góp phần làm rõ thêm các cứ liệu về giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đồng thời đề xuất các nhóm giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch - Ảnh 5.

Tái hiện lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở phía Tây huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình.

Có thể khẳng định rằng, hội thảo này đã đón nhận được rất nhiều ý kiến đánh giá khách quan, những "khen – chê" trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn của mình. Các nhà khoa học cũng đã có những ý kiến sát thực trên cơ sở thực tế và các phản biện xã hội khác để từ đó giúp ngàn Văn hóa - Thể thao có những bước đi vững chắc trong việc nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ