• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển phim hoạt hình Việt Nam: Thiếu biểu tượng, thiếu người dẫn đầu

Văn hoá 18/10/2022 13:17

(Tổ Quốc) - Sáng 18/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm Phim hoạt hình Việt Nam- Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế với sự tham gia của các nhà quản lý, đại diện các cơ quan ban ngành, các nhà làm phim hoạt hình, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực hoạt hình.

Thiếu một chú "Tễu" cho hoạt hình Việt Nam

Theo bà Ngô Phương Lan- Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, đây là Tọa đàm đầu tiên chuyên về phim hoạt hình. Phim hoạt hình VN có lịch sử 63 năm, từ ngày thành lập Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam ngày 9/11/1959. Đến tháng 6/1960, bộ phim hoạt hình đầu tiên ra đời là Đáng đời thằng cáo. Trong nhiều năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có khoảng 800 phim hoạt hình với quy mô sản xuất hiện nay là 17-18 phim/năm.

Phát triển phim hoạt hình Việt Nam: Thiếu biểu tượng, thiếu người dẫn đầu - Ảnh 1.

Toàn cảnh Tọa đàm

Cũng theo bà Ngô Phương Lan, nhiều phim hoạt hình Việt Nam được ghi nhận tại LHP quốc gia, cũng có phim đoạt giải quốc tế. Nhưng đến lúc chúng ta mở rộng tầm nhìn, đánh giá năng lực sản xuất phim hoạt hình. "Bên cạnh hãng phim hoạt hình Việt Nam còn có nhiều hãng tư nhân phát triển lớn mạnh, đặc biệt là những năm gần đây. Nhưng thực tế, chúng ta chỉ thấy phim hoạt hình Việt Nam tham dự các LHP trong nước, không có sự tham gia của các hãng tư nhân, điều này buộc chúng ta nhìn nhận lại. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta xây dựng công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh, nhưng hầu như phim hoạt hình chưa được tính vào doanh thu của điện ảnh mà chỉ tính phim chiếu rạp"- bà Ngô Phương Lan nhận định.

Theo bà Ngô Phương Lan, việc nhìn nhận lại thực lực của ngành hoạt hình Việt Nam, đánh giá điều gì cần gìn giữ, điều gì cần mở rộng diện hoạt động, làm sao để lôi kéo các công ty phim hoạt hình cùng vào guồng quay, cùng tham gia vào công nghiệp hoạt hình, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa là vô cùng cấp thiết. Bởi theo đánh giá của thế giới, nếu điện ảnh là nghệ thuật thứ 7 thì phim hoạt hình được công nhận là nghệ thuật thứ 8. "Nhiều quốc gia có những tác phẩm hoạt hình nổi tiếng như Anime, Doreamo, Bánh mì đám mây… có số lượng hang tỉ người xem. Làm sao để chúng ta đạt được đỉnh cao như vậy?"- Bà Ngô Phương Lan nêu.

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng khẳng định: "Điểm khó khăn của phim hoạt hình Việt Nam là thiếu vắng những bộ phim lớn, có thời lượng dài, đủ sức để chiếm lĩnh được rạp chiếu. Để có những bộ phim hoạt hình chiếm lĩnh thị trường, có dấu ấn, có tên tuổi trên thị trường quốc tế thì phải có những người làm phim tên tuổi, dẫn dắt được ngành làm phim hoạt hình Việt Nam. Hiện nay chúng ta thiếu những tên tuổi như thế".

Đồng quan điểm này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội cho biết: "Trong khoảng 10 năm gần đây sự tăng trưởng của phim hoạt hình khá tốt, đêm lại 10-15% doanh thu của điện ảnh. Có đóng góp tích cực đối với thị trường điện ảnh. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy tương lai của ngành hoạt hình trong nước như Nhật Bản, đóng góp của phim hoạt hình và sản phẩm liên quan chiếm 5-6% GDP.

"Phim hoạt hình có tác dụng rất tốt lan tỏa thông điệp cuộc sống thông điệp nhân văn, từ đó khai thác giá trị văn hóa. Khi khai thác phim hoạt hình phải khai thác những giá trị văn hóa của chúng ta và từ đó quảng bá hình ảnh, từ đó xây dựng sức mạnh mềm của quốc gia, thương hiệu quốc gia"- ông Bùi Hoài Sơn nhận định.

Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, việc xây dựng phim hoạt hình có vai trò quan trọng trong đó xây dựng những con người sáng tạo. Từ đó xây dựng hệ sinh thái sáng tạo trong cả nước, đó là điều chúng ta đang cần để từ đó đổi mới, phát triển.

"Để làm được điều đó, cần làm nhiều việc, trong đó có nhiều thuận lợi nhưng có nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội sẽ bắt tay vào giải quyết nhiều vấn đề hơn. Trong đó, cuối năm 2022 sẽ tổ chức Hội nghị văn hóa quy mô, sau Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, từ đó sẽ xới xáo nhiều vấn đề như cơ chế, nhân lực"- ông Bùi Hoài Sơn cho biết.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên đặt câu hỏi: Phải chăng, phim hoạt hình Việt Nam cũng phải tính đến việc thu hút đông đảo khán giả nhiều lứa tuổi chứ không chỉ là trẻ em như hiện nay. Phim hoạt hình có chất nghệ thuật rất mạnh. Nhưng thử đặt vấn đề, nếu Tễu là nhân vật của múa rối Việt Nam được thế giới biết đến thì hoạt hình Việt Nam đã có nhân vật đặc trưng chưa?

Phát triển phim hoạt hình Việt Nam: Thiếu biểu tượng, thiếu người dẫn đầu - Ảnh 2.

Các đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm

"Xây dựng được nhân vật điển hình cho hoạt hình Việt Nam chính là xây dựng thương hiệu Việt Nam. Đã đến lúc hoạt hình không chỉ phục vụ công chúng nhỏ tuổi mà phải tham dự các LHP lớn của thế giới, được công chúng thế giới biết đến"- ông Vương Duy Biên nói.

Tạo môi trường sáng tạo

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung cho rằng, Hãng phim hoạt hình Việt Nam mỗi năm được hơn 30-35 bộ phim nhưng vẫn chỉ dừng lại ở những bộ phim ngắn, 10-15 phút, cũng có những bộ phim 30p nhưng ít. Chúng ta có tiềm năng, tiềm lực để phát triển phim hoạt hình, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, không chỉ với những hãng nhà nước mà với những công ty tư nhân để phát triển chung cho phim hoạt hình.

"Điện ảnh Việt Nam chưa có nhiều phim hoạt hình dài, nhất là phim 90 phút đủ để chiếu rạp. Để làm được phim dài cần nhiều yếu tố như: Kịch bản, trang thiết bị, nhân lực… đó là một sự kết hợp nhiều nguồn lực"- bà Lý Phương Dung chia sẻ.

Ông Phan Quân Dũng- Đại học Văn Lang (TP HCM) cho rằng, hiện có nhiều đơn vị tư nhân sản xuất phim hoạt hình, điều đó khiến hoạt hình đổi mới, đa dạng nội dung, nhiều đề tài trong cuộc sống. Công nghệ phát triển đã thúc đẩy, đổi mới tư duy trong sáng tạo, cách nhìn, cách triển khai của đội ngũ trẻ hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, dù phát triển nhưng hoạt hình vẫn cục bộ. Đơn vị nào làm được thì làm, không có đầu tầu, không có dẫn dắt. Để phát triển hoạt hình Việt Nam, cần học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc.

"Chúng ta thiếu sự làm phim chuyên nghiệp, ví dụ từ khâu viết kịch bản phân cảnh, rồi đến dựng phim, quay phim, âm thanh, ánh sáng… phải có sự đồng bộ. Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà làm phim của chúng ta chuyên môn giỏi nhưng thuần túy quan tâm nghề nghiệp, không quan tâm đến chính sách. Cứ có phim thì làm, không có phim thì thôi, chúng ta cần đòi hỏi phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội"- ông Phan Quân Dũng khẳng định.

Ông Dũng đề nghị: "Cần xây dựng chiến lược phát triển hoạt hình Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển văn hóa. Phải có người đầu tàu, có tài, có tâm, có tầm để dẫn dắt hoạt hình Việt Nam phát triển. Phải có chính sách, nguồn lực kinh tế và vinh quang cho người sáng tạo thì mới tạo nên sự phát triển của hoạt hình Việt Nam".

NSND Hà Bắc cho biết, khi đến Bảo tàng Điện ảnh thế giới, ông có xem phần hoạt hình để xem hoạt hình của điện ảnh Việt Nam ở đâu thì có 2 phim hoạt hình Việt Nam là phim Quả dưa đỏ- sự tích Mai An Tiêm làm trước giải phóng và phim nữa là Tiếng sáo Trương Chi. NSND Hà Bắc cho rằng: "Điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là hoạt hình chưa có quan hệ với thế giới, nhiều phim chúng ta làm được và hay, được giải nhưng chưa có tên trong Bảo tàng điện ảnh thế giới vì họ thiếu thông tin về chúng ta".

Bởi vậy, NSND Hà Bắc cho rằng, cần có một LHP hoạt hình quốc tế tại Việt Nam để có sự thu hút, giao lưu học hỏi cho đội ngũ làm phim hoạt hình.

Tọa đàm chia thành 2 phiên thảo luận với hai chủ đề: Phim hoạt hình Việt Nam, hình thành, phát triển và chính sách của nhà nước; Phát triển sản xuất hoạt hình cùng các sản phẩm liên quan và xu hướng hợp tác quốc tế.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ