• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương: Góp phần nâng cao đời sống văn hóa người dân

Văn hoá 23/09/2021 15:42

(Tổ Quốc) - Trong nhiều năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở các địa phương diễn ra sôi nổi, trở thành "món ăn" tinh thần bổ ích, lành mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương: Góp phần nâng cao đời sống văn hóa người dân - Ảnh 1.

Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi ở các địa phương, các ngành...

Những hoạt động văn hoá, văn nghệ luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của con người. Đó là những hoạt động mang tính tập thể, ở các địa phương, các ngành, mỗi cơ quan, đoàn thể, mỗi người dân…đều có thể phát động phong trào văn hóa văn nghệ để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ món ăn tinh thần đặc biệt này. Trong nhiều năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở các địa phương diễn ra sôi nổi, trở thành "món ăn" tinh thần bổ ích, lành mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Góp phần quan trọng vào sự phát triển văn hoá, xã hội

Đối với mảnh đất quê hương Hải Dương, nằm ở trung tâm của đồng bằng châu thổ sông Hồng, nghệ thuật diễn xướng dân gian tỉnh Hải Dương có chiều dài lịch sử và phát triển rất mạnh. Đặc biệt, nghệ thuật Chèo truyền thống Hải Dương được suy tôn là chiếng chèo Đông (một trong tứ chiếng của nghệ thuật Chèo của toàn quốc). Đó chính là nền tảng vững chắc để sân khấu Chèo Hải Dương nói riêng và phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng tỉnh nhà nói chung, tồn tại và phát triển bền vững đến ngày nay.

Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương: Góp phần nâng cao đời sống văn hóa người dân - Ảnh 2.

Các Liên hoan, Hội diễn, Hội thi văn nghệ quần chúng được tổ chức định kỳ, thường xuyên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển văn hoá, xã hội; nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hải Dương trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa các địa phương trong tỉnh. Tập trung vào việc bảo tồn và phát huy một số bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc có thế mạnh của tỉnh như: chèo, ca trù, hát văn, rối nước... Toàn tỉnh hiện có trên 1.400 đội văn nghệ quần chúng. Trong đó có 762 đội chèo, 54 đội kịch và gần 600 đội văn nghệ thuộc loại hình tổng hợp khác.

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành VHTTDL tổ chức 05 kỳ liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, với gần 1.800 diễn viên, nhạc công tham gia; trao 60 giải tập thể, 186 giải cá nhân cho các đội văn nghệ quần chúng thuộc 12 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, Sơn La được biết đến là một tỉnh miền núi có phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp với nhiều nhân tố tích cực. Kết quả từ phong trào không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân mà còn giúp bảo tồn, phát triển nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Còn tại Sơn La- vùng đất nhiều nét văn hóa đặc sắc, ai đã đến nơi đây hẳn sẽ đắm say trong tiếng pí thiu, bài khắp, điệu xòe của dân tộc Thái; điệu múa mợi, lời đang ngọt ngào của dân tộc Mường; điệu múa chuông của người Dao tiền hay tiếng khèn dìu dặt của đồng bào Mông... Trải qua thăng trầm của thời gian, những tiếng hát, lời ca được bà con nơi đây bảo tồn, phát huy, tạo nên sự sôi nổi của phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương.

Ở các khu, tổ dân phố, bản làng, tiểu khu, phong trào phát triển khá sôi động và bài bản. Mỗi bản đều có đội văn nghệ quần chúng từ 10-12 thành viên, nhiều bản còn có đội văn nghệ của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Chi hội Người cao tuổi.

Tại Quảng Ninh, từ năm 2019-2020, các liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh được tổ chức liên tục, để chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của địa phương. Tiêu biểu như: Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh năm 2019; ngành Giao thông vận tải tổ chức Liên hoan Tiếng hát công nhân viên chức lao động; Bộ CHQS tỉnh tổ chức Liên hoan VNQC "Bài ca trên biển trời Đông Bắc"; Hội CCB TP Hạ Long tổ chức Liên hoan "Tiếng hát cựu chiến binh năm 2019".... Hầu hết các tiết mục mang đến hội thi, hội diễn khá đa dạng về thể loại, tập trung vào nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước... và đều được đầu tư dàn dựng công phu, với chất lượng nghệ thuật tốt.

Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương: Góp phần nâng cao đời sống văn hóa người dân - Ảnh 3.

Cần tiếp tục quan tâm để nâng cao chất lượng

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn nghệ quần chúng tại cơ sở cũng đối mặt với một số khó khăn như: Nguồn kinh phí eo hẹp, cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn nên nhiều địa phương không thể tổ chức biểu diễn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoạt động văn nghệ quần chúng nhiều nơi còn kém chất lượng, chưa thu hút sự quan tâm của nhân dân, một phần do cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn....

Để nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương, thông qua việc ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị hoặc kết luận của cấp ủy về công tác văn hóa, văn nghệ. Đồng thời thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác văn hóa, văn nghệ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích để các CLB, tổ, đội nhóm văn hóa, văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, để duy trì, phát triển các CLB thì ban chủ nhiệm các CLB hoặc đại diện các tổ, đội nhóm cần có định hướng cụ thể, xây dựng được chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu hội viên và đặc thù địa phương.

Cần khẳng định rằng, việc nâng cao cả về chất và lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ thuần phong mỹ tục, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Muốn vậy, thay vì để các phong trào phát triển một cách tự phát và các CLB hoạt động theo kiểu "tự bơi", thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có sự quan tâm thỏa đáng, để các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng có được chỗ đứng vững chắc trong đời sống./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ