(Tổ Quốc) - Để triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương là một trong những yếu tố tiên quyết.
- 21.11.2024 Phát triển Thể thao Việt Nam (Bài 4): Không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước
- 20.11.2024 Phát triển Thể thao Việt Nam (Bài 3): Hoàn thiện mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia
- 20.11.2024 Phát triển Thể thao Việt Nam (Bài 2): Đồng nhất hệ thống đào tạo VĐV
- 19.11.2024 Phát triển Thể thao Việt Nam (Bài 1): Sự kế thừa chiến lược
Trong những năm gần đây, thành tích từ các kỳ đại hội châu lục, thế giới chưa được như mục tiêu đặt ra đã chỉ ra rằng Thể thao Việt Nam tiếp tục cần có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao.
Trong bối cảnh nền TDTT Việt Nam đã có những bước phát triển lớn, có vị thế cao trong khu vực, châu lục, Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đánh giá sẽ trở thành cơ sở pháp lý vững chắc giúp thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp đến năm 2045. Có thể khẳng định rằng, Chiến lược mới có sự thay đổi căn bản so với Chiến lược trước đây.
"Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thực sự là một bước tiến mới và đánh dấu sự chuyển đổi và tiếp cận thể thao của Việt Nam. Nội dung của Chiến lược tập trung phát triển toàn diện Thể thao Việt Nam trên các phương diện phong trào TDTT cho mọi người; Thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; Mở rộng hợp tác quốc tế về TDTT; Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về TDTT; Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, y học trong lĩnh vực TDTT" – Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết.
Bên cạnh đó, chiến lược cũng đưa ra các giải pháp giúp đổi mới nhận thức, tăng cường hoạt động truyền thông về TDTT; Đồng thời, về mặt pháp lý, đặt ra những mục tiêu, đưa ra những định hướng nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực phát triển sự nghiệp TDTT trên.
Theo đánh của Cục trưởng Đặng Hà Việt, Chiến lược không chỉ tập trung phát triển một cách bền vững gắn liền với việc nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần nhân dân, xây dựng về nhân cách cho thế hệ trẻ, mà đặc biệt, còn phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường.
Tiếp theo, Chiến lược giúp định hình, phát triển thể thao dựa trên ứng dụng khoa học. Trong những năm qua, ngành TDTT đã có sự triển khai để áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào quá trình đào tạo VĐV, đặc biệt là chuyển đổi số về dữ liệu sức khỏe, trình độ tập luyện VĐV, công tác quản lý, ứng dụng công nghệ AI, giúp nâng cao hiệu quả, hiệu suất trong vấn đề huấn luyện, nâng cao tính chuyên nghiệp của thể thao Việt Nam.
Với công tác phát triển thể thao thành tích cao cũng được xác định thông qua giải pháp đầu tư vào các môn thể thao trọng điểm, thế mạnh, tập trung nguồn lực vào các môn thể thao tiềm năng có cơ hội dành huy chương ở các giải đấu quốc tế. Đồng thời, phát triển các môn thể thao truyền thống của dân tộc.
Đối công tác phát triển thể thao quần chúng, Chiến lược được nhận định sẽ khuyến khích mọi người tập luyện, xây dựng các CLB, thiết chế thể thao cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sức khỏe.
"Đặc biệt, trong Chiến lược lần này đã dành rất nhiều "câu chữ" nói về phát triển kinh tế thể thao. Việc này phải triển khai để khơi thông các nguồn lực để phát triển thị trường, du lịch thể thao, nâng tầm tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng" – Cục trưởng Đặng Hà Việt cho hay.
Và cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực, sẽ đào tạo, bồi dưỡng các đội tuyển, HLV, trọng tài, các nhà kinh tế thể thao, bác sĩ, chuyên gia y sinh học, tâm lý thể thao. Từ những yếu tố trên, việc triển khai có hiệu quả Chiến lược sẽ giúp phát triển kinh tế thể thao và Tăng cường chuyển đổi số, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý trong lĩnh vực TDTT.
Địa phương giữ vai trò quan trọng
Các nhiệm vụ được Chiến lược đề ra đã có nội dung cụ thể trong công tác phát triển TDTT giai đoạn mới, đồng thời, Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới cũng chỉ ra nhiều nhiệm vụ trọng điểm. Vì vậy, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho rằng, cơ quan quản lý thể thao có rất nhiều công việc phải thực hiện và nhiều nội dung triển khai trong thời gian tới.
"Thời gian tới đây, Cục TDTT sẽ phải triển khai rà soát, đánh giá và tổng kết về các hoạt động, cũng như xem các vấn đề của bối cảnh quốc tế, năng lực thực sự của VĐV, HLV, cũng như là cơ sở vật chất, điều kiện đáp ứng của khoa học công nghệ… từ đó, dự tính cho kế hoạch sắp tới. Tất cả các vấn đề về kế hoạch, các mục tiêu, chỉ tiêu chúng ta đề ra đều phải dựa trên bối cảnh quốc tế" – Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết.
Trong quá trình triển khai, sự phối hợp chặt chẽ các địa phương cũng sẽ giữ vai trò rất lớn. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nền tảng vững chắc cho những bước tiếp theo.
Tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào giữa tháng 11 vừa qua, rất nhiều ý kiến thảo luận, hiến kế, đề xuất từ các đại biểu về giải pháp, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các Hội thể thao quốc gia và các cơ quan liên quan trong việc triển khai Chiến lược nhằm đảm bảo thực hiện đúng lộ trình đã đề ra trong Chiến lược.
Theo Cục trưởng Đặng Hà Việt, để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu được đề ra trong Chiến lược, yếu tố tiên quyết là phải có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương. Sự phối hợp trên cần thống nhất về định hướng đầu tư thể thao, các môn thể thao trọng điểm Olympic, cũng như có sự kết hợp chặt chẽ giữa điều kiện cơ sở vật chất, huấn luyện viên, chế độ, chính sách cho vận động viên….Từ đó mới có thể thu hút nhân lực.
Lấy ví dụ về môn bóng đá, một trong những môn thể thao nhận được xem là trọng điểm và được đặt mục tiêu cụ thể trong Chiến lược, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết: "Chúng ta sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ, kể cả việc thu hút nguồn lực vận động viên Việt kiều về thi đấu. Đây được xem là giải pháp quan trọng cho xu thế phát triển hiện nay".
Bên cạnh đó, Cục trưởng Đặng Hà Việt khẳng định, ngành thể thao phải mạnh dạn nhìn nhận, đánh về hạn chế để đưa ra định hướng phù hợp.
"Có thể thấy Chiến lược mới hướng tới một nền thể thao hiện đại, chuyên nghiệp, bền vững. Chúng tôi tin rằng, với sự nỗ lực của toàn xã hội, mục tiêu của chiến lược sẽ sớm được thực hiện hóa, đưa thể thao Việt Nam vươn tầm quốc tế" – Cục trưởng Đặng Hà Việt bày tỏ.