• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển trong kỉ nguyên 4.0: Không đơn giản là tạo ra Apple, Amazon

Thế giới 11/09/2018 16:43

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, người chiến thắng là người có thể nắm bắt cơ hội.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN 2018, tại Diễn đàn mở về 4.0, nhiều chuyên gia về kinh tế, giáo dục, giới trẻ và các doanh nhân hàng đầu đã chia sẻ về sự thích nghi, phát triển và dẫn đầu Cuộc cách mạng 4.0 của giới trẻ toàn cầu nói chung và ASEAN nói riêng.

Chìa khoá để con người thắng máy móc

Theo ông Rajan Anandan -  Giám đốc điều hành Google Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, khi nói về cách mạng 4.0, cốt lõi của nó là kinh tế số. ASEAN với 10 quốc gia tổ hợp lại thì nền kinh tế số ở ASEAN có kích thước tương đối lớn, phát triển rất nhanh và còn có rất nhiều tiềm năng.

Chúng ta sẽ nhìn vào nền kinh tế số này theo số phần trăm của GDP. Tại ASEAN đang là 7%, Trung Quốc khoảng 16%, 5 quốc gia hàng đầu EU là 25%, như vậy về tiềm năng của nền kinh tế số tại ASEAN, chúng ta cần tăng trưởng thêm 5 lần nữa. Là nhóm các quốc gia, ASEAN nên đảm bảo có nền kinh tế số tích hợp,  có luồng dữ liệu lưu thông tự do giữa các quốc gia, sự thanh toán xuyên suốt giữa các quốc gia và cũng như có sự dịch chuyển của hàng hóa và dịch vụ tự do giữa các quốc gia.

Năm diễn giả đã chia sẻ những trải nghiệm và suy nghĩ của mình về cuộc CMCN 4.0.

Còn bà Yasmin Mahmood – CEO công ty số của Malaysia cho rằng, công nghệ đang diễn ra xung quanh chúng ta với tốc độ nhanh. Làm thế nào để chúng ta, với vai vai trò là một quốc gia có thể sử dụng các yếu tố có động lực nội tại để trở thành người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh. Người chiến thắng là người có thể nắm bắt cơ hội. Trước đây, người chiến thắng là người sản xuất ra được động cơ xe ford chở con người hoặc trong cuộc cách mạng trước đó nữa là người chủ của những chiếc xe ngựa.

Còn trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, các quốc gia và nhà lãnh đạo các quốc gia cần làm như thế nào để đảm bảo sự hòa nhập, không chỉ đơn thuần là phát triển các định chế như Amazon hay Apple của thế giới…., mà cần có sự can thiệp của các quốc gia. Câu hỏi đặt ra chúng ta  cần phải chuẩn bị như thế nào, WEF cũng đã nói rằng, 65% các bạn trẻ hiện nay sẽ tốt nghiệp và sẽ làm những công việc thậm chí còn chưa tồn tại ở thời điểm hiện nay. Đó là công việc về tối ưu hóa con người hay trở thành những chuyên gia tư vấn, và đó là những điều mà chính phủ cần có các chính sách hoạch định trong tương lai.

Trong những điều quan trọng nhất để đảm bảo con người chiến thắng máy móc thì kỹ năng là điều quan trọng nhất. Các công ty như Google tập trung vào việc đào tạo kỹ năng. Tạo kỹ năng ở mọi cấp, từ sinh viên cho tới doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 50% toàn bộ GDP của khu vực và chiếm 80% toàn bộ công việc được tạo ra ở ASEAN. Để ASEAN nắm bắt được toàn bộ tiềm năng của công việc này, chúng ta cần tập trung vào kỹ năng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thác được nền kinh tế số.

Google đã cam kết đào tạo 3 triệu chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và vừa về các kỹ năng số vào năm 2020 ở rất nhiều quốc gia. Chúng tôi cam kết đào tạo và đảm bảo để các doanh nghiệp nhỏ và vừa này thực sự khai thác được một cách tốt nhất cuộc cách mạng 4.0, ông Rajan Anandan nhấn mạnh.

Sức mạnh và con đường của giới trẻ trong 4.0

Tại Diễn đàn mở về ASEAN 2018, bà Annie Koh - Phó Chủ tịch văn phòng phát triển kinh doanh, Giám đốc Viện Ngoại thương, Giáo sư Tài chính Đại học Quản lý Singapore, Singapore cũng cho biết, Tôi rất thích tinh thần của sinh viên. Chúng ta đều rất thích tinh thần của cuộc cách mạng 4.0, không chỉ bởi vì số phận của ASEAN đang trong nằm trong tay giới trẻ.

Tôi muốn nghĩ về các bạn như là 4 chữ I. Trung tâm của ASEAN là làn sóng ASEAN và phong trào trao đổi sinh viên giữa 10 quốc gia là cách để chúng ta xác nhận bản sắc (chữ I thứ nhất Identity) của ASEAN.

Chữ I thứ 2 là Inovation - sáng tạo, mở khoá những kinh nghiệm sáng tạo kinh doanh. Tôi đã nhìn thấy sự tiến bộ công nghệ không chỉ là ở các quốc gia đã trưởng thành trong ASEAN mà còn ở các quốc gia trẻ hơn.  

Chữ I thứ ba là Inclusive, là sự bao trùm, sử dụng công nghệ để lấp đầy khoảng cách số. Và chữ I thứ 4 là Intergaration - sự tích hợp, hội nhập. Cần phải chăm chỉ cần cù hơn, việc hội tụ đòi hỏi những con người dẫn đầu, những người đi đầu trong xã hội hay trong công ty. Nếu có đủ 4 “con mắt” này, chúng ta sẽ đảm bảo được cho tương lai.

Để truyền cảm hứng cho các đại biểu trẻ tại Diễn đàn mở, Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh đã chia sẻ chính câu chuyện khởi nghiệp của ông: chúng tôi là một thế hệ rất may mắn, lớn lên vào những năm 90 – khi máy tính bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Chúng tôi thấy rằng đây là một công nghệ đầy tuyệt vời và hiện thực hoá được rất nhiều ước mơ, như trò chuyện với một người khác đang ở một nơi rất xa.

Hai mươi năm qua, thế giới đã biến động rất nhiều, một điều kỳ diệu lúc này sẽ trở thành điều rất bình thường trong tương lai. Từ đó, quan điểm tôi muốn chia sẻ là các bạn hãy hình dung về tương lai 20 năm nữa, tương lai của các bạn. Có thể là các bạn sẽ xây dựng một công ty hàng tỷ USD ở Việt Nam hoặc Châu Á. Đừng làm những điều bình thường, hãy làm những điều khác biệt để làm nên tương lai. Đừng tin vào những gì mà chúng tôi chia sẻ, điều chúng tôi chia sẻ là điều chúng tôi tin tưởng vào thời điểm hiện tại, hãy nghĩ về những mối quan tâm, sở thích, những điều mà các bạn hứng thú, ông Minh nhấn mạnh.

Là một đại diện cho giới trẻ, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Abdul Rahman bày tỏ lạc quan về tương lai của thanh niên trong cách mạng công nghệ 4.0. Tôi nghĩ tương lai là khá sáng lạn, vấn đề là thanh niên sẽ phải tham gia vào quá trình chuyển đổi này, tự trang bị cho mình và sẵn sàng học tập. Động lực học tập sẽ là công việc cả đời (đối với giới trẻ -pv) và quan trọng nhất là phải công nhận tiềm năng rất lớn của thanh niên. Đây cũng là một nội dung không nhỏ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ