• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh hội nhập

Văn hoá 01/12/2023 08:16

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh hội nhập, sự phát triển như vũ bão của công nghệ và các tiện ích xã hội như facebook, youtube, instagram… là một trong những nguyên nhân khiến cho người đọc, đặc biệt là giới trẻ ít hứng thú với việc đọc sách. Qua đó, gây khó khăn, thách thức cho sự phát triển của văn hóa đọc. Nhiều cách làm hay, hoạt động thiết thực, để khuyến khích, tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển, lan tỏa trong đời sống nhân dân.

Văn hóa đọc trong bối cảnh hội nhập

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong nhóm đầu thế giới.

Phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh hội nhập - Ảnh 1.

Nhiều cách làm hay, hoạt động thiết thực, để khuyến khích, tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển, lan tỏa trong đời sống nhân dân (ảnh minh họa)

Mặc dù Việt Nam vẫn thường xuyên phát động phong trào đọc sách thông qua nhiều hoạt động thiết thực như ngày hội đọc sách, triển lãm sách…. nhưng theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm. Trong số đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. So sánh với Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn. Qua đó, có thể thấy việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn rất nhiều.

Có nhiều lý do khiến người Việt chưa mặn mà mặn mà với việc đọc sách, trong đó, lý do chính là công nghệ thông tin, giải trí phát triển, văn hóa nghe - nhìn đã lấn át văn hóa đọc, khiến nhiều người hiện nay xa dần với thói quen đọc sách.

Bên cạnh đó, lý do khiến giới trẻ chưa ham đọc sách là do chương trình học trong nhà trường còn nặng, chiếm quá nhiều thời gian, tâm sức của các em. Một nguyên nhân quan trọng nữa đó là từ nếp sống gia đình.

Theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, khi được hỏi dùng thời gian rảnh để làm việc gì thì chỉ có 15% bạn trẻ đưa ra đáp án là dành để đọc sách.

Thực trạng này nói lên rằng chúng ta cần phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Thời gian qua, nhận thấy tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong cộng đồng, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách nhằm thúc đẩy hoạt động này; tiêu biểu như: năm 2017, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến 2020 định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; năm 2019, Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua… Những chủ trương về phát triển văn hóa đọc đã truyền đi những thông điệp tích cực, khơi dậy tinh thần ham đọc sách; kích thích tinh thần tự học và khát vọng cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước.

Một trong những kết quả nổi bật trong việc lan tỏa văn hóa đọc là sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình thư viện với những hình thức đọc sách đa dạng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Bên cạnh các thư viện công do nhà nước quản lý là sự ra đời của thư viện sách tư nhân, thư viện cộng đồng, Tủ sách gia đình, Tủ sách dòng họ, Câu lạc bộ sách, Xe sách lưu động, Café sách, Phố sách, Đường sách, Thành phố sách… góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí.

Bên cạnh đó, các phong trào, các cuộc thi như Đại sứ Văn hóa đọc; Chương trình "Cùng bạn đọc sách, kết nối yêu thương, lan tỏa tri thức"; Chương trình "Cùng em đọc sách". Qua đó, hơn 50.000 cuốn sách đã được các tổ chức, cá nhân tặng cho các thư viện trường học, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc có phục vụ cộng đồng. Nhiều chương trình, dự án như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Sách ơi mở ra, Quỹ Bắc cầu, Mọt sách Mogu, các câu lạc bộ Vùng cao yêu thương, Đọc báo Đảng, Tủ sách giải trí và giáo dục, Sách chuyền tay… mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho mọi tầng lớp nhân dân.

Thư viện phải là "nơi muốn đến"

Để phát triển văn hóa đọc trong xu thế văn hóa nghe nhìn ngày càng chiếm ưu thế là một thách thức lớn đối với những người làm công tác thông tin - thư viện.

ThS. Trần Thị Ngọc Tuyết, Trung tâm TT - TV CĐ Công Nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên) cho rằng, trước hết, chúng ta cần phải cố gắng hình thành thói quen đọc. Cần tận dụng chính phương tiện nghe nhìn làm phương tiện tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách đến với đông đảo bạn đọc, và khơi dậy niềm say mê đọc sách giúp cho họ hiểu được lợi ích của việc đọc sách.

Đặt biệt là đối với thế hệ trẻ hiện nay, cần phải giáo dục cho họ lòng đam mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách và đọc sách một cách có chọn lọc. Một cuốn sách hay tràn đầy nhiệt tình sẽ nhen nhóm và đốt nóng lòng nhiệt tình cho lớp trẻ, giúp họ trưởng thành và tự hoàn thiện mình một cách tự nhiên.

"Thư viện cần phải năng động hơn, cần phải có tầm nhìn hướng ngoại, hướng về bạn đọc, hướng đến những nhu cầu của xã hội, thậm chí cần phải đưa các chiến lược marketing vào trong hoạt động thông tin - thư viện để thu hút nhiều người đến với thư viện. Cần phải xây dựng một môi trường đọc sách lý tưởng, rộng rãi thoáng mát, nhiều tiện ích. Phải làm thế nào để bạn đọc luôn cảm thấy thư viện là nơi mà mình luôn được chào đón, là địa chỉ mà mọi người luôn muốn tìm đến"- ThS. Trần Thị Ngọc Tuyết chia sẻ.

Phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh hội nhập - Ảnh 2.

Nhiều dự án sách mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho mọi tầng lớp nhân dân (ảnh minh họa)

Đà Nẵng là địa phương nhiều sáng tạo trong phát triển văn hóa đọc. Nhằm hình thành thói quen đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng liên tục triển khai mô hình xe thư viện lưu động đến các trường học, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, đơn vị bổ sung tài liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu bạn đọc.

Từ năm 2019 đến nay, mô hình xe thư viện lưu động do Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng triển khai vẫn luôn chở tài liệu, sách, báo bổ ích phục vụ miễn phí học sinh và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Mỗi chuyến xe thư viện lưu động được trang bị khoảng 3.000 đầu sách, máy tính cùng với phần mềm, máy chiếu, tivi, tài liệu điện tử, máy tính bảng… di chuyển khắp thành phố.

Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng UBND TP Đà Nẵng cho biết, phát triển văn hóa - trong đó có văn hóa đọc là điều mà chính quyền thành phố rất quan tâm. Thành phố Đà Nẵng đang có chủ trương hình thành Đường sách cũng như tổ chức các sự kiện sách tầm cỡ nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc của người dân.

Để đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhân dân, tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng công tác luân chuyển, trao đổi sách báo giữa các cấp, các ngành, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã và đang được triển khai rộng rãi, hiệu quả. Đặc biệt, hằng năm, thông qua các sự kiện như: Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, Tuần lễ học tập suốt đời… các đầu sách liên tục được chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác, nhất là từ Thư viện tỉnh đến thư viện các cơ sở. Để việc luân chuyển sách, báo được triển khai đa dạng, linh hoạt, đặc biệt, thiết thực thực hiện đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" của Thủ tướng Chính phủ và Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng" của UBND tỉnh, hằng năm Thư viện tỉnh đã chủ động tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, bưu điện và các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh triển khai hiệu quả công tác luân chuyển sách báo đến các trường học, đồn biên phòng, điểm bưu điện văn hóa xã; đồng thời phối hợp tổ chức các cuộc thi như: Đại sứ văn hóa đọc, vẽ tranh theo sách... Được đánh giá là một trong những đơn vị sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu từ thư viện trường học, hiện nay, Trường Tiểu học Noong Luống (huyện Điện Biên) có gần 500 bộ sách thuộc tủ sách giáo khoa dùng chung; trên 600 bản sách nghiệp vụ của giáo viên; gần 4.000 bản sách tham khảo…

Ông Trần Quang Ngư, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Phần đông học sinh nhà trường rất chăm chỉ đọc sách. Nhiều em có tinh thần tự giác học tập rất cao". Theo thầy Ngư, thông qua nguồn tư liệu từ Thư viện tỉnh chuyển xuống và một số đơn vị khác trao đổi, cho tặng đã giúp học sinh lĩnh hội nhiều giá trị văn hóa xã hội, phát triển kỹ năng giao tiếp thông tin, tiếp nhận tri thức, từng bước hình thành nhân cách tốt đẹp cho bản thân. Cũng vì lợi ích to lớn của việc đọc sách nên nhà trường cũng thường xuyên bổ sung sách, báo, tạp chí, cơ sở vật chất nhằm xây dựng thư viện khang trang, phong phú chủng loại, tạo cảm hứng cho học sinh và giáo viên.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ