• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phe đối lập Nga mong đợi "đảo ngược" thái độ của tân Tổng thống Mỹ với Điện Kremlin

Thế giới 18/11/2020 11:02

(Tổ Quốc) - Tờ Time đăng tải, cho tới thời điểm này Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn giữ im lặng trước tuyên bố trúng cử của ứng viên tổng thống Mỹ Joe Biden; tuy nhiên, có những người Nga khác lại không thận trọng như vậy.

Ngày 8/11, lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny đã gửi lời chúc mừng ông Biden trên Twitter và ca ngợi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là "tự do và công bằng".

Các chính trị gia đối lập Nga dường như đang kỳ vọng, sau khi ông Biden tiến vào Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ sẽ đối đầu mạnh mẽ hơn với chính quyền Tổng thống Putin thông qua các lệnh trừng phạt rộng rãi và nghiêm khắc hơn hiện tại.

Trong 4 năm qua, cách tiếp cận của Mỹ với Nga liên tục thay đổi giữa "gây khó khăn và buông lỏng". Quốc hội Mỹ phản ứng quyết liệt trước cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 khi áp dụng trừng phạt lên một loạt thực thể và cá nhân Nga. Tuy nhiên cùng lúc, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại khen ngợi phong cách lãnh đạo của ông Putin, đề xuất đưa Nga trở lại nhóm G7, thậm chí công khai nghi ngờ độ chính xác của thông tin tình báo liên quan tới Nga do chính các cơ quan đặc vụ Mỹ cung cấp…

Phe đối lập Nga mong đợi "đảo ngược" thái độ của tân Tổng thống Mỹ với Điện Kremlin - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny (ảnh: getty)

Nhiều nhà phê bình cho rằng, cách cư xử của ông Trump đã tác động tiêu cực tới chính sách của Mỹ trừng phạt Nga. Theo cựu nhân viên hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ Edward Fishman, khác với các nhà lãnh đạo thế giới khác, Tổng thống Trump đã không lên án Moscow trong vụ Alexei Navalny bị đầu độc và không đưa ra các biện pháp trừng phạt (Navalny nói Tổng thống Putin đứng sau vụ tấn công nhưng Điện Kremlin kiên quyết phủ nhận). Phản ứng đó là "đặc biệt sai lầm", ông Fisher nói.

Trong khi đó, ông Biden có lên án việc Nga tấn công Navalny, đồng thời chế nhạo "sự im lặng của ông Trump là hành động đồng lõa". Hồi tháng 3, ông Biden cũng cam kết sẽ khiến Nga "phải trả những cái giá thực sự", đồng thời hứa "sẽ ủng hộ xã hội dân sự Nga".

Chủ tịch Quỹ Boris Nemtsov của Nga là Vladimir Kara-Murza cho rằng, việc đầu tiên chính quyền Biden có thể làm là trừng phạt 6 quan chức Điện Kremlin từng bị EU trừng phạt liên quan tới vụ đầu độc Navalny, cùng với các quan chức cấp cao khác theo Đạo luật Magnitsky.

Được phê chuẩn vào năm 2012 và đặt tên theo luật sư Sergei Magnitsky (người bị chết trong tù sau khi cung cấp lời khai về chính quyền Nga), Đạo luật Magnitsky cho phép trừng phạt những công dân Nga vi phạm nhân quyền và tham nhũng, bao gồm đóng băng tài sản của họ tại các ngân hàng Mỹ và cấm họ nhập cảnh Mỹ.

Các thành phố lớn như London, New York hay Miami từ lâu vẫn được cho là những địa điểm ưa thích để giới nhà giàu Nga lưu giữ tiền bạc, mua bất động sản sang trọng và giáo dục con cái…

CEO của tổ chức Hermitage Capital là Bill Browder, cho rằng, cần phải trừng phạt thêm nhiều người Nga theo Đạo luật Magnitsky. Dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama, các quyết định trừng phạt như vậy được công bố với tần suất hàng năm. Nhưng dưới thời Trump, năm 2018 và năm 2020 (tính tới thời điểm hiện tại), đều không có trường hợp trừng phạt nào.

Ít nhất có 50 quan chức Nga từng là mục tiêu của Đạo luật Magnitsky. Tuy nhiên, phe đối lập Nga tuyên bố, số người cần phải trừng phạt trong thực tế cao hơn rất nhiều. "Có rất nhiều chứng cứ. Khung pháp lý đã sẵn sàng. Tất cả chỉ còn cần ý chí chính trị", ông Kara-Murza nói.

Ông Browder kỳ vọng, Tổng thống đắc cử Biden sẽ gia tăng áp lực lên chính quyền Putin trong vấn đề nhân quyền. "Tôi nghĩ đó sẽ là một chủ đề lớn", ông nói. Ý kiến này nhận được sự đồng tình từ CEO của công ty phân tích chính trị R.Politik là Tatiana Stanovaya. "Nga nhận định Biden sẽ thắt chặt chính sách trừng phạt và phản ứng quyết liệt hơn [đối với Moscow]", bà cho hay. Và đây có thể chính là lý do tại sao Điện Kremlin vẫn chưa lên tiếng về chiến thắng của ông Biden. "Đạo luật Magnitsky là một trong những thứ khiến ông Putin không hài lòng nhất trong quan hệ với Mỹ", ông Browder chỉ ra.

Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều coi trừng phạt là một ưu tiên. "Chúng không phải là viên đạn bạc", Giám đốc Điều hành Vladimir Ashurkov của Quỹ Chống tham nhũng Nga nhận xét. Theo ông, mặc dù các lệnh trừng phạt cá nhân "có thể rất có ích", chúng không phải là những công cụ "đặc biệt hiệu quả" giúp đem lại "những thay đổi trường tồn trong dài hạn" tại Nga. "Khía cạnh quan trọng nhất của chính sách đối ngoại Mỹ liên quan tới Nga là khôi phục lại vị thế của Mỹ trong vai trò một cường quốc thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, đồng thời củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây dương thông qua NATO", ông Ashurkov nói.

Đối với phe đối lập Nga, năm 2024 sẽ là một bài kiểm tra đối với lời hứa của ông Biden về một lập trường cứng rắn hơn đối với Moscow. Vào mùa xuân năm đó, cuộc bầu cử tổng thống của Nga sẽ diễn ra. Những cải cách hiến pháp hồi tháng Bảy đã cho phép ông Putin có thể tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2024.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ