• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Trọng Nghĩa: Bảo đảm chủ quyền với tinh thần "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"

Thời sự 31/10/2019 10:16

(Tổ Quốc) - Tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội sáng 31/10, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã phân tích về các nội dung giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Sáng 31/10, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, "đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và tại phiên khai mạc kỳ họp lần này, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng đều nêu rõ việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc".

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, thời gian qua công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng đã được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu. Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối, quan điểm, đối sách của Đảng là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia, giữ môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế.

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Trọng Nghĩa: Bảo đảm chủ quyền với tinh thần "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" - Ảnh 1.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: VietNamNet

Kế thừa truyền thống văn hóa dựng nước của cha ông, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, chúng ta luôn tuân thủ tinh thần "dĩ bất biến ứng vạn biến". Điều gì thuộc về nguyên tắc phải kiên quyết giữ gìn; những vấn đề thuộc về độc lập lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì quyết không nhân nhượng. Nhưng Việt Nam phải có đối sách phù hợp vì truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông là hòa hiếu, hòa bình.

"Từng tình huống cụ thể phải có sách lược phù hợp; khẳng định tính đúng đắn, chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế"- Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.

Ông cũng nói thêm, Việt Nam luôn sử sử dụng tổng hợp các biện pháp, xây dựng thế trận gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, lịch sử, pháp lý, trong đó lịch sử, pháp lý là một trong những căn cứ quan trọng để khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam theo hiến chương của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 và các điều ước khác mà Việt Nam đã cam kết.

Cũng về chủ đề này, ĐBQH Dương Trung Quốc tại hội trường đề nghị, các báo cáo chính thức và phát biểu trên nghị trường liên quan đến vấn đề Biển Đông cần nêu rõ "hành động vi phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam được xác định theo các luật pháp quốc tế là ai?". Bởi theo ĐB Dương Trung Quốc, trên các diễn đàn quốc tế, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã phát biểu Trung Quốc là bên gây bất ổn ở Biển Đông.

"Tôi cho rằng không nên né tránh gọi tên "một quốc gia văn minh nhưng cũng đáng lên án bởi những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của Việt Nam"- ĐB Dương Trung Quốc nêu./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ