(Tổ Quốc) - Thăm bà con dân tộc tại xã Đạo Trù (Vĩnh Phúc), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao những thành tích và nỗ lực vươn lên vượt khó của bà con các dân tộc thiểu số đồng thời đề nghị tỉnh cần tiếp tục phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, làm ăn giỏi trên địa bàn.
- 30.06.2020 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu làm rõ thông tin “Trả nợ cho Fe Credit bằng cách tìm cái chết”
- 12.06.2020 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu 6 nội dung trọng tâm trong thu hút đầu tư của Thanh Hóa
- 03.05.2020 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2020
Sáng 13/7, tại xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm mô hình làm kinh tế giỏi của gia đình bà Lý Thị Man, dân tộc Sán Dìu.
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đạo Trù là xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc của huyện Tam Đảo, có diện tích tự nhiên 7.456 ha, có 13 thôn dân cư, dân số 15.630 người (trong đó người dân tộc Sán Dìu chiếm 85,1%). Xã hoàn thành chương trình 135 năm 2014, hiện nay xã còn 3 thôn đặc biệt khó khăn.
Là xã thuần nông, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2019 còn 229 hộ nghèo, chiếm 5,71%, giảm 4,5% so với năm 2015; hộ cận nghèo còn 650 hộ, chiếm 16,21%, giảm 14% so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 35 triệu đồng/người/năm; sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, phân tán, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh còn thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi năm 2019, đại dịch COVID -19 đã làm cho giá cả hàng hóa, vật tư tăng cao ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Trong những năm qua, bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đạo Trù luôn nhận được sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc của các cấp chính quyền, được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT, khám chữa bệnh miễn phí; các chính sách đối với thôn thuộc chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 có 3 thôn được thụ hưởng kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng là 3 tỷ đồng, hỗ trợ sản xuất 750 triệu đồng; chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nước sinh hoạt tập trung, vay vốn tín dụng… góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.
Theo UBND xã Đạo Trù, gia đình bà Lý Thị Man có 6 nhân khẩu, từ những năm 2010-2015, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình bà Lý Thị Man được vay vốn của Hội phụ nữ (50 triệu đồng), Hội Nông dân (50 triệu đồng) để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay được, gia đình bà Man đã tập trung đầu tư vào trồng cây dược liệu ba kích, chăn nuôi gia cầm, sản xuất đồ mộc (quy mô, diện tích đất sản xuất khoảng 2 ha; tổng đàn gia cầm khoảng trên 3.500 con; nghề mộc thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 3-4 lao động địa phương). Tổng thu nhập của gia đình khoảng 400-500 triệu đồng/năm.
Với những thành tích về phát triển sản xuất, chăn nuôi giỏi của mình, gia đình bà Lý Thị Man đã góp phần xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bà được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trò chuyện cùng cán bộ và nhân dân trong xã Đạo Trù, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao những thành tích và nỗ lực vươn lên vượt khó của bà con các dân tộc thiểu số trong xã nói riêng và nhân dân xã Đạo Trù nói chung. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an ninh trật tự và giữ gìn bản sắc văn hóa của bà con các dân tộc thiểu số, nhất là đối với đồng bào Sán Dìu chiếm đa số trong xã.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ mong rằng, xã Đạo Trù nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung cần tiếp tục phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, làm ăn giỏi trên địa bàn như gia đình bà Lý Thị Man đến đồng bào trong xã, trong huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo trên quê hương Vĩnh Phúc anh hùng. Các cấp chính quyền trong tỉnh cần tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất về đất đai, thủy lợi, con giống, cây trồng, tiêu thụ sản phẩm và hàng hóa nông sản của bà con làm ra ngày càng có thị trường tiêu thụ tốt, có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh./.