(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định có hiện tượng đạo đức xuống cấp nhưng chúng ta vẫn tự hào về những khía cạnh tốt đẹp mà đạo đức, văn hóa của dân tộc ta vun đắp.
- 09.11.2020 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Nhiều nghĩa cử, tấm lòng nhân ái của người Việt trong khắc phục hậu quả lũ lụt, chống COVID-19 là những tấm gương rất sống động trong việc giáo dục đạo đức lối sống
- 21.09.2020 Làm tốt công tác Gia đình, sức mạnh nội sinh giúp ngành văn hóa thực hiện, ngăn chặn phần nào sự xuống cấp đạo đức
- 31.10.2019 Đại biểu Quốc hội mong muốn vấn đề xuống cấp đạo đức, lối sống được quan tâm
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề xuống cấp đạo đức, chiều 9/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đạo đức xã hội là vấn đề rất lớn và thực trạng đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử xuống cấp là có thật. Nhiều hội thảo và tài liệu đánh giá là xuống cấp nghiêm trọng và đáng báo động. Thể hiện rõ ở tỉ lệ tội phạm, tệ nạn, ở hành vi gian dối, biểu hiện ở một số giá trị văn hóa truyền thống bị mai một…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, đánh giá thực trạng cần nhìn ở 2 mặt. Câu chuyện văn hóa, hình thành đạo đức xã hội là câu chuyện dài hơi, mấy chục năm, thậm chí là trăm năm. Sự xuống cấp này bắt đầu từ khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường.
"Nhưng chúng ta nhìn về đạo đức cũng không thể không tự hào về những khía cạnh tốt đẹp mà đạo đức, văn hóa của dân tộc ta vun đắp như: Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc; Tình yêu thương đồng loại, thương người. Có đất nước nào dịch bệnh, lũ lụt mà người dân thương nhau, giúp đỡ nhau như vậy. Thứ ba là tinh thần hòa ái, thân thiện, cởi mở. Nếu người dân Việt Nam không thân thiện, hòa ái, cởi mở thì làm sao hấp dẫn khách du lịch. Thứ tư là yêu lao động, chịu thương chịu khó; thứ 5 là tinh thần vươn lên, đức hiếu học"- Phó Thủ tướng phân tích.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, chúng ta thấy hiện tượng xuống cấp đáng báo động nhưng không vì thế nhìn nhận đạo đức, xã hội Việt Nam không công bằng. Gần đây có những khắc phục đã rất tốt, ví dụ Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng nêu nhiều nguyên nhân về việc xuống cấp đạo đức, trong đó có nguyên nhân khách quan là do mặt trái kinh tế thị trường; nguyên nhân chủ quan là sự yếu kém của văn hóa, giáo dục.
"Nhưng nhìn sâu xa, trong mỗi con người trong toàn xã hội đấu tranh giữa thiện và ác, đấu tranh giữa tốt và xấu từ khi có loài người, chưa bao giờ bên tốt thắng tuyệt đối bên xấu, hay bên xấu thắng tuyệt đối bên tốt. Khi có sự suy yếu đạo đức trong từng thời kỳ đều không chỉ riêng do giáo dục hay do văn hóa mà do cả những bất cập trong thể chế pháp luật, kinh tế, xã hội, bao gồm cả đạo đức"- Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nêu các giải pháp nhằm đẩy mạnh cái tốt, giảm cái xấu thì phải tăng cường tuyên truyền, để từng người dân hiểu rõ cái gì tốt, cái gì xấu, phải kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền vận động các phong trào với xử lý sai phạm.
Bên cạnh đó là tính nêu gương: nêu gương trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, trong Đảng...
Ngoài ra, cần lưu ý đến các ngành nghệ thuật, hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Những tác phẩm nghệ thuật hay là thông điệp giáo dục đạo đức tốt nhất. Những hoạt động văn hóa tín ngưỡng đúng pháp luật sẽ giúp cái tốt nảy nở trong mọi người một cách bền vững.
"Đó là những điều cần lưu ý và làm kiên trì trong việc xây dựng đạo đức xã hội"- Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đầu tư nguồn lực con người, dành tâm sức chỉ đạo các vấn đề xã hội nói chung trong đó có vấn đề về đạo đức và văn hóa./.