• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để tình trạng ‘nói chung chung không ai làm’ trong Công nghệ Thông tin

Thời sự 28/12/2017 11:04

(Tổ Quốc) -Sáng 27/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đã có buổi hợp về Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, trong năm 2017, Bộ TT&TT đã cung cấp 1.357 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4, xử lý 70,9 triệu hồ sơ. Các địa phương cung cấp 31.659 dịch vụ công cấp độ 3-4, xử lý 6,5 triệu hồ sơ. Một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... đã có Cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung. Còn lại các bộ, ngành khác, các dịch vụ công trực tuyến chủ yếu được cung cấp riêng lẻ theo từng cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Về tình hình triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng của quốc gia, những khó khăn nổi bật là các bộ ngành vẫn tiếp tục đề xuất nhiều CSDL không thuộc danh mục ưu tiên làm phân tán nguồn lực; cơ sở pháp lý của các CSDL quốc gia chưa đồng bộ, hoàn thiện; việc triển khai CSDL chuyên ngành, địa phương có phạm vi chồng lấn với CSDL quốc gia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho ý kiến, gợi mở nhiều vấn đề cụ thể nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: VGP

Nổi bật lên trong đó là việc kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ cải cách hành chính, các CSDL giữa các bộ ngành với nhau cũng như giữa bộ ngành với địa phương rất hạn chế, không có kết nối chia sẻ trực tiếp. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng tính cục bộ và thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ là nguyên nhân chính khiến các bộ ngành, địa phương không chịu kết nối, chia sẻ là tính cục bộ và thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cung cấp thông tin mới nhất cho các cơ quan, tổ chức tham gia đánh giá Chỉ số Chính phủ điện tử.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để cải thiện Chỉ số Chính phủ điện tử, cần phát triển mạnh thuê bao băng rộng, tăng nhanh số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4. “Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng đến nay dịch vụ công cấp 3 chưa đến 10%, cấp 4 chưa đến 1%, năm tới các bộ có dám tăng gấp đôi số dịch vụ công cấp độ 3-4 không”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện ngay việc cung cấp thông tin, số liệu cơ bản về giáo dục Việt Nam cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) để phục vụ việc đánh giá Chỉ số Chính phủ điện tử và cập nhật thường xuyên trên cổng thông tin điện tử của Bộ.

Cũng tại buổi họp, Ủy ban cũng đã nghe và thảo luận báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về cơ hội của DN từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT; báo cáo của nhóm chuyên gia độc lập về nguy cơ an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam; đánh giá của Bộ KH&CN về sự chuẩn bị đón đầu đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các thành viên Ủy ban.

Toàn cảnh buổi họp (Ảnh: VGP)

Từ các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp với sự gia tăng các cuộc tấn công mạng, tình trạng lây nhiễm phần mềm độc hại, lộ lọt thông tin, nguy cơ phá hủy hệ thống, chiếm quyền kiểm soát…đồng thời đề nghị các bộ ngành tiếp tục triển khai những nhiệm vụ đã được giao trong năm 2017 gồm Quy trách nhiệm nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử; đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT; hoàn thiện các quy định về sản phẩm thiết bị thông tin đặc thù chuyên biệt của Việt Nam; xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia; đánh giá chỉ số an toàn thông tin của từng bộ ngành, địa phương.

Đối với việc ứng dụng CNTT trong DN, Phó Thủ tướng nhận xét lĩnh vực thuế, bảo hiểm đã thực hiện tương đối tốt, thời gian tới các cơ quan nhà nước tập trung vào những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, dịch vụ công để DN bớt bị phiền nhiễu.

Trong lĩnh vực đời sống xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT cần tập trung vào một số lĩnh vực được người dân quan tâm nhiều nhất: Học tập, nâng cao kiến thức; sức khoẻ; thông tin, giải trí…

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến định hướng tháo gỡ vướng mắc về tần số, cước phí để đẩy mạnh phát triển hạ tầng băng rộng, 4G; triển khai thanh toán điện tử với sự phối hợp của ngân hàng, các DN viễn thông; rà soát các quy định liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, địa phương gắn với các dịch vụ công cụ thể; phát triển một số sản phẩm, giải pháp CNTT trọng điểm quốc gia do DN Việt Nam làm chủ từ thiết kế, phần cứng, phần mềm, công nghệ sản xuất…

Đăng Huy (t/h)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ