(Tổ Quốc) - Châu Á là một châu lục đặc biệt bởi sự đa dạng văn hóa, truyền thống, tôn giáo, ngôn ngữ và ẩm thực.
Với nhiều du khách, châu Á được ví như một thế giới thu nhỏ với cảnh quan đẹp và văn hóa đặc sắc. Theo văn hóa người châu Á, Năm Mới là một dịp nghỉ lễ đặc biệt. Tuy nhiên tết ở một số nước ở châu lục này lại không tổ chức theo lịch dương lịch mà lựa chọn lịch âm. Trung Quốc và Việt Nam ăn tết theo lịch Âm (thường bắt đầu vào tháng Hai dương lịch) trong khi Thái Lan, Campuchia và Lào ăn Tết vào tháng Tư.
Dưới đây là 6 quốc gia châu Á đặc trưng ăn Tết theo lịch âm:
Tết của người dân Trung Quốc
Người dân Trung Quốc ăn Tết theo lịch Mặt Trăng (Tết âm lịch), từ ngày 1/1 đến ngày 15/1.
Theo truyền thuyết, có một con quái vật tên Nian sẽ xuất hiện vào mỗi đêm Giao thừa. Người dân địa phương đã phát hiện con quái vật này rất sợ pháo hoa hay đèn đỏ và đây là lý do cho sự ra đời của pháo hoa, đèn lồng đỏ vào mỗi dịp tết. Theo truyền thuyết về quái vật Nian, pháo được cho là khiến lũ quái vật sợ hãi và xua đuổi xui xẻo, vì vậy mọi người sẽ đốt pháo trong đêm Giao thừa để chào năm mới cũng như chúc nhau mọi điều may mắn.
Ngày nay, cứ vào mỗi dịp tết, người Trung Quốc thường treo đèn lồng đỏ trên đường phố cùng với đó là các lễ hội hóa trang rồng và sư tử rộn ràng trên đường phố. Các tô mì đặc biệt biểu tượng cho sự trường thọ sẽ thưởng thức vào năm mới. Trẻ em sẽ nhận các phong bao lì xì đỏ với ý nghĩa may mắn trong một năm sắp tới.
Tết Hàn Quốc (Seollal)
Năm mới của người Hàn Quốc thường được tổ chức cùng thời điểm với người Trung Quốc. Seollal là tên gọi Tết Nguyên Đán của người Hàn Quốc - một trong hai kỳ nghỉ Tết lớn nhất ở Hàn Quốc.
Ảnh minh họa. Nguồn: trazy
Vào dịp Tết, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống là hanbok, thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, chơi các trò chơi dân gian, ăn các món ăn truyền thống, nghe kể chuyện, và gặp gỡ mọi người. Người Hàn Quốc tin rằng món ăn truyền thống (cùng nhau dùng thức ăn và đồ uống thờ cúng) sẽ mang đến phúc lành cho mọi người. Giới trẻ Hàn Quốc cũng bày tỏ sự kính trọng bằng cách cúi lạy người cao tuổi và nhận món quà sebaedon (tiền mừng năm mới).
Tết Việt
Người dân Việt Nam đón Năm Mới vào cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng Hai (Dương lịch) bằng những buổi sum họp gia đình. Những cuộc sum vầy gia đình trong những ngày lễ tết được xem là thói quen quý giá với mỗi người dân. Các món ăn truyền thống của người Việt có bánh chưng xanh, dưa hành, canh măng... Hoa đào là biểu tượng của ngày Tết và sự may mắn.
Tết Tây Tạng ( Lễ hội Losar)
Người Tây Tạng không sử dụng lịch dương hay âm mà thường có cách đếm ngày riêng gọi là lịch Tây Tạng. Lịch này gần giống với lịch âm ở một số nước thường lựa chọn để đón tết.
Ảnh minh họa
Món ăn truyền thống của người Tây Tạng là súp (hay còn gọi là Guthuk). Súp guthuk thường được làm từ thịt, phô mai khô, củ cải trắng và một ít mì sợi to kiểu Tây Tạng. Người Tây Tạng ăn súp trong khi đốt pháo và vẫy đuốc rơm xua đuổi linh hồn xấu. Đồ thắp hương sẽ dâng lên các vị thần, cùng với đó là các lá cờ màu sắc được trưng bày – tượng trưng cho hòa bình, từ bi và trí tuệ.
Tết cổ truyền của người Bali (Nyepi)
Ảnh: tripcanvas
Ngày Tết Nyepi sẽ diễn ra vào khoảng tháng Ba. Trước ngày Nyepi, người dân Bali thường diễu hành trên đường phố, rước các tượng quỷ Ogoh-ogoh sặc sỡ, răng nanh lớn, mắt lồi, làm bằng tre tượng trưng cho cái ác, linh hồn tội lỗi tồn tại xung quanh con người. Vào đúng ngày, người dân đảo Bali sẽ nhịn ăn uống, không thắp lửa, không nói chuyện, chỉ đóng cửa ở nhà ngồi cầu nguyện trong im lặng từ sáng đến tối. Lễ nghi này dành riêng cho một ngày được gọi là Ngày im lặng. Các hoạt động ngừng nghỉ và Bali chìm trong im lặng. Một số người nói rằng truyền thống này bắt nguồn từ niềm tin từ xa xưa cho rằng sự im lặng sẽ đánh lừa các linh hồn ác quỷ tin người dân đã rời đi và các linh hồn cũng sẽ tự rời đi. Tuy nhiên, sau ngày năm mới, nhiều nghi thức, lễ hội đặc biệt lại được diễn ra sôi động khác hẳn.
Tết của người dân Thái Lan (Songkran)
Tết cổ truyền Thái Lan thường diễn ra vào khoảng 13-15/4 mỗi năm. Người dân Thái Lan chào đón năm mới theo Phật lịch, bắt đầu bằng ngày Đản sinh của Đức Phật (15/4). Người dân Thái Lan tin tưởng nước có thể gột sạch những điều xui xẻo trong năm quá và một nghi lễ tôn giáo gắn với Songkran liên quan đến việc đổ nước lên các bức tượng phật giáo. Theo phong tục truyền thống của người Thái, các gia đình lên chùa dâng hương, lễ Phật và thực hành nghi lễ không thể thiếu là tắm Phật đầu năm, để tỏ lòng thành kính và cầu may cho năm mới. Đại tiệc nước vui nhộn là các chủ điểm thu hút du khách từ khắp thế giới với hy vọng phun nước vào người nhau để gột rửa mọi ưu phiền của năm cũ, đón may mắn cho năm mới.