• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phụ huynh cần đồng hành để bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng

Văn hoá 30/11/2022 10:59

(Tổ Quốc) - Cùng với sự phát triển của công nghệ số, trẻ em được tiếp cận nhiều hơn với internet từ khi còn nhỏ. Điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng luôn hiển hiện. Làm gì để bảo vệ con em của mình an toàn trên môi trường mạng là vấn đề luôn được nhiều phụ huynh quan tâm.

Hành vi xâm hại trẻ em trên mạng rất đa dạng

Sự phát triển của công nghệ số hiện nay mang lại nhiều điều tiện ích cho con người. Cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, phát triển hơn, thông minh hơn, con người gần nhau hơn nhờ có internet. Thông qua internet và mạng xã hội, con người được cung cấp rất nhiều thông tin cần thiết…

Đối với trẻ em, sự phát triển của công nghệ số cũng đem lại nhiều lợi ích. Các em được tiếp cận với nguồn thông tin khổng lồ từ mạng internet để phục vụ cho việc học tập, vui chơi, giải trí. Trên thực tế, internet và mạng xã hội đã hỗ trợ cho các em rất nhiều trong việc học tập những kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông thông qua các phần mềm, ứng dụng… Một ví dụ điển hình là vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, internet và mạng xã hội là công cụ đã hỗ trợ rất đắc lực để việc dạy và học không bị gián đoạn.

Phụ huynh cần đồng hành để bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng - Ảnh 1.

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, trẻ em được tiếp cận nhiều hơn với internet từ khi còn nhỏ (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, cùng với những lợi ích to lớn, môi trường mạng hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hại đến con người, mà đối tượng dễ bị tổn thương nhất chính là trẻ em. Một số thông tin các em tiếp cận có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý, tình cảm mà ngay chính các em cũng không ý thức được, dẫn đến trở thành nạn nhân.

Theo các chuyên gia tâm lý học, chưa bao giờ việc xâm hại trẻ em có thể dễ dàng xảy ra từ môi trường mạng như hiện nay. Hành vi xâm hại trên mạng thể hiện rất đa dạng, như đánh cắp thông tin cá nhân, xâm hại tình dục bằng cách đe dọa đăng hình ảnh nhạy cảm, "cưỡng bức" xem hình ảnh khiêu dâm, quấy rối qua tin nhắn, bắt trẻ gửi hình ảnh hoặc livestream nhạy cảm, bắt nạt trên mạng, công kích bằng lời hù dọa, thách thức, bêu xấu trẻ... Trên môi trường mạng, các em có thể bị xâm hại về cả thể chất lẫn tinh thần khi cuốn theo những thông tin lệch lạc, sai trái, trái với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức do thiếu sự định hướng.

Thủ đoạn của những kẻ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng rất tinh vi. Ban đầu, kẻ xấu thường tiếp cận các em qua các diễn đàn, mạng xã hội (các nhóm, hội), hay qua các phòng chat hay game online. Sau đó, các đối tượng này tạo niềm tin bằng cách khen ngợi, quan tâm, tặng quà và tiền, khiến trẻ tin tưởng. Kẻ xâm hại thường tạo sự cảm thông với trẻ, khiến trẻ mất cảnh giác, đáp ứng các yêu cầu như quay video, gửi hình ảnh nhạy cảm. Nếu trẻ từ chối, chúng dọa sẽ kể cho bố mẹ, bạn bè hoặc phát tán những hình ảnh, video chúng đã có.

Đáng lo ngại là hiện nay, rất nhiều phụ huynh đang "thả cửa" đối với con em mình khi giao cho các thiết bị công nghệ nhưng thiếu đi sự quan tâm, kiểm soát trong việc sử dụng internet. Điều này đã vô tình tạo ra kẽ hở dẫn đến các em có nguy cơ bị xâm hại.

Đồng hành cùng trẻ để ngăn ngừa

Việc bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ xâm hại từ môi trường mạng hẳn nhiên là trách nhiệm của người trưởng thành. Trong đó có gia đình, nhà trường và toàn xã hội. ThS Tâm lý học Trần Cao Quanh - Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Minh Anh cho rằng, các trường học, cơ sở giáo dục hiện nay cần phải chú trọng giáo dục cho học sinh kiến thức pháp luật, kỹ năng tương tác an toàn, bảo vệ bản thân trên không gian mạng. Tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng các em nâng cao kiến thức, kỹ năng, để có thể tự bảo vệ mình.

Cùng với nhà trường, vai trò của gia đình, của phụ huynh là hết sức quan trọng. Cha mẹ cần phải dành thời gian bên trẻ, tham gia các hoạt động cùng trẻ, trò chuyện với trẻ nhiều hơn để kịp thời nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, sự thay đổi về tâm sinh lý. Cần định hướng các mối quan hệ xã hội cho trẻ, tập cho trẻ kỹ năng xử lý vấn đề.

Phụ huynh cần đồng hành để bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng - Ảnh 2.

Trên môi trường mạng, trẻ em có thể bị xâm hại về cả thể chất lẫn tinh thần khi cuốn theo những thông tin lệch lạc (Ảnh minh họa).

"Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra, các bậc cha mẹ cần chú trọng quan tâm, quản lý hoạt động của con cái trên không gian mạng. Thay vì cấm đoán trẻ sử dụng internet, hãy đồng hành cùng với trẻ trong việc sử dụng. Hãy sớm dạy cho trẻ biết cách sử dụng internet như thế nào để an toàn, hợp lý. Giúp trẻ biết cách sử dụng các tiện ích cũng như nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy dạy con em mình những kỹ năng xử lý giải quyết tình huống trên mạng xã hội. Dạy trẻ cách bảo vệ mình trên internet như cách bảo mật thông tin, không đưa các thông tin cá nhân hay hình ảnh nhạy cảm của bản thân lên mạng xã hội… Hướng dẫn trẻ khi nghi ngờ ai đó xâm hại đến bản thân thì cần làm gì và tìm ai trợ giúp", ThS. Trần Cao Quanh chia sẻ.

Cũng theo ThS. Trần Cao Quanh, hơn ai hết, cha mẹ cần xây dựng mối quan hệ đồng hành với trẻ, để trẻ tin cậy và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. Để làm được điều này đòi hỏi thời gian, công sức nên người lớn phải hết sức kiên nhẫn, bình tĩnh. Trong trường hợp phát hiện trẻ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, bạo lực cần khẩn trương thông báo, tố giác đến cơ quan chức năng để xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Lê Chung



*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ