(Tổ Quốc) - Mỹ nên dừng “giương cờ gióng trống” về những mối đe doạ đến từ Trung Quốc và Nga để đặt ra những mục tiêu mới.
Phương Tây được lợi gì trong cuộc xung đột Mỹ - Nga -Trung |
Các nhà lãnh đạo Mỹ cần phải cân nhắc kỹ càng cách cư xử với hai đối thủ Nga và Trung Quốc; đồng thời đặt tiêu chí “quan hệ cân bằng giữa các cường quốc” lên trước các tham vọng bá chủ. Cho dù muốn hay không, kỷ nguyên đơn cực của Mỹ đã chấm dứt và cánh cửa dẫn đến “thế giới của cân bằng quyền giữa các nước lớn” đang được mở ra.
Trên đây là những dự đoán của Ngài Robert John Sawers, người từng đứng đầu Cục Tình báo mật MI6 của Anh. “Chính sách đối ngoại ưu tiên đầu tiên của Tổng thống Mỹ mới chính là làm sao để có thể tránh xung đột trực tiếp với Nga hay Trung Quốc. Cả hai quốc gia này, bằng các cách khác nhau, đang đe doạ sự thống trị của Mỹ. Cuộc chiến giữa các siêu cường là một khả năng có thể xảy ra. Cho dù tốt hơn hay tệ hơn, chúng ta cũng đang trở lại một thế giới với sự cân bằng giữa các nước lớn,” ngài Sawers phân tích.
Theo ông, sự thống trị đơn cực của nước Mỹ chỉ kéo dài chưa đầy 25 năm, và thực ra đã kết thúc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự châm ngòi của các cuộc nội chiến trên toàn thế giới. Mặc dù, Mỹ hiện vẫn là quốc gia quyền lực nhất, “nhưng nó không còn giữ vị trí bá chủ,” Sawers nhấn mạnh. Ngoài ra, sự thống trị về mặt kinh tế của phương Tây cũng đã giảm mạnh trong những năm gần đây: các nền kinh tế phát triển G7 chỉ còn đóng góp 47% sản lượng toàn cầu, và một tương lai sáng sủa hơn là điều hầu như không thể xảy ra.
Ngài cựu giám đốc tình báo cho rằng “đầu tư quốc phòng của Washington hiện đang bị chệch hướng do phải đáp ứng nhu cầu của ‘những cuộc chiến tranh chống khủng bô’; mới gần đây, Mỹ mới bắt đầu tập trung vào mối ganh đua với Nga và Trung Quốc.”
Mặc dù vậy, theo Sawerts, điều này không đồng nghĩa với sự bắt đầu của một cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh lạnh. Thay vào đó, các siêu cường có thể hướng tới một hình mẫu hợp lý hơn - tương tự như những gì từng diễn ra vào thế kỷ 19 tại châu Âu, khi 6 nước lớn cùng gìn giữ một thế thăng bằng trong gần 100 năm. “Các giải pháp mang tính hợp tác cho các vấn đề của khu vực sẽ có thể đạt được một cách dễ dàng hơn nếu các siêu cường không trực tiếp phá hoại lẫn nhau… Chúng ta không thể rơi vào một cuộc xung đột quân sự giữa các cường quốc lớn,” Sawerts khẳng định.
Tổng thống Mỹ mới cần đặt ra những mục tiêu cụ thể trong quan hệ với Nga và Trung Quốc |
Các nhà phân tích chính sách đối ngoại của nước Mỹ là Dimitri K. Simes, Pratik Chougule và Paul J. Saunders đều tin rằng Washington và các đồng minh nên xem xét lại chiến lược đối ngoại của mình.
Thay vì “giương cờ gióng trống” về những mối đe doạ do Trung Quốc và Nga đem lại cho phương Tây, người kế vị ông Obama nên đặt ra những mục tiêu rõ ràng trong quan hệ với Moscos và Bắc Kinh. “Nước Mỹ cần phải xác định được những lợi ích quốc gia mang tính sống còn… Họ cần phải xem lại những chính sách hiện tại - bao gồm cả những đồng minh, đã đem lại lợi ích gì cho đất nước.”
Ba nhà phân tích cũng chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo Mỹ đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra sự thiếu tin tưởng giữa Mỹ và các đối thủ Trung Quốc, Nga. Sự mở rộng NATO do Mỹ đứng đầu, cũng như những chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Obama càng làm tăng thêm căng thẳng giữa các nước lớn. “Mỹ cần phải có một chính sách đối ngoại, trong đó, không còn bóng dáng của những kẻ theo chủ nghĩa chiến thắng, những giả định sai lầm và những kết luận được chuẩn bị trước – để đi theo thực tế và những phân tích nghiêm túc.”