(Tổ Quốc) - Hải quân Mỹ ngày 24/8 đã chính thức tái kích hoạt một hạm đội từ thời Chiến tranh lạnh mà họ đã dựa vào hàng thập kỷ qua để đối phó với các đối thủ tại vùng biển ngoài khơi Bắc Mỹ.
Động thái này là một trong hàng loạt các nỗ lực nhằm kiềm chế sự gia tăng hiện diện quân sự của Moscow.
Hành động này cũng diễn ra khi hoạt động của tàu ngầm Nga đang được tăng cường ở Đại Tây Dương.
Quyền lực của Hạm đội 2
Hạm đội 2 của Mỹ ở Norfolk, Virginia, đã ngừng hoạt động vào năm 2011, một lần nữa sẽ được chuyển giao tàu, máy bay và lực lượng đổ bộ trên biển cho các hoạt động tiềm tàng dọc theo bờ biển phía Đông và Bắc Đại Tây Dương- nơi băng giá Bắc cực đang tan và mở ra một cuộc cạnh tranh mới về tài nguyên.
Hạm đội 2 của Mỹ sẽ tập trung vào kiềm chế sức mạnh trên biển của Nga? |
Đô đốc Chris Grady, Tổng tư lệnh các hạm đội của Hải quân Mỹ cho biết trong một buổi lễ trên tàu sân bay USS George HW Bush: "Trên cương vị là lực lượng Hải quân, hay tổng thể quốc gia, chúng tôi chưa từng phải đối mặt với những đối thủ ngang tầm như thế này kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc cách đây gần 30 năm”.
"Năng lực kiểm soát đại dương, năng lực viễn chinh, hai yếu tố quan trọng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi – hiện đang bị thách thức bởi các thế lực bên ngoài, cụ thể là Nga và Trung Quốc", ông nói thêm.
Đô đốc John Richardson , người đứng đầu Hải quân Mỹ - đầu năm nay đã ra lệnh tái kích hoạt Hạm đội 2, nhấn mạnh, Hải quân nước này không " tìm kiếm một cuộc chiến". Nhưng ông cho biết, thực tế yêu cầu rằng họ phải duy trì đơn vị "tác chiến cơ động quy mô lớn” tại khu vực Đại Tây Dương.
Đầu năm nay, ông Richardson cũng nói với các phóng viên rằng, hoạt động tàu ngầm của Nga ở Đại Tây Dương đang "dày đặc hơn mức chúng tôi đã thấy trong 25 năm qua."
Hạm đội 2 sẽ thực hiện các nhiệm vụ quân sự ở khu vực Đại Tây Dương và bờ biển phía đông của Mỹ. Chỉ huy của lực lượng này sẽ phối hợp điều phối các tàu chiến, hàng không và lực lượng đổ bộ tại khu vựcc này. Ngoài ra, các đơn vị mới sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung với các lực lượng khác và đào tạo, huấn luyện các lực lượng cho Hải quân Mỹ.
Từ mùa xuân năm ngoái, Hải quân Mỹ đã tỏ ý muốn tái lập hạm đội này, khẳng định đây là điều cần thiết "để ứng phó tốt hơn với môi trường an ninh thay đổi."
Đó là một ám chỉ rõ ràng về sự tích tụ quân sự liên tục của Nga – điều cũng đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nêu lên như một nội dung quan trọng trong Chiến lược Quốc phòng mới vào tháng 1. Chiến lược này đã dịch chuyển trọng tâm của Lầu Năm Góc ra khỏi việc tập trung chủ yếu vào chống khủng bố sang “cạnh tranh quyền lực với các siêu cường”.
Melvin Williams, người lãnh đạo Hạm đội 2 từ năm 2008 đến năm 2010 cho biết, “động thái (tái lập Hạm đội 2) được định hướng bởi ông Mattis”. “Ông ấy đã đưa ra một chiến lược phòng thủ chuyển hướng tập trung vào các đối thủ lớn, nên Hạm đội 2, khi được trở lại , sẽ tham gia nhiều hơn vào các vấn đề cơ bản của việc đối phó với một đối thủ cạnh tranh lớn, có thể là Nga hoặc Trung Quốc”.
Phương Tây dồn trọng tâm đối phó Nga trên biển?
Trong khi lực lượng sẽ nhỏ hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh, Hạm đội 2 mới sẽ phản ánh rất nhiều vai trò lịch sử của nó.
Từ khi thành lập vào năm 1950 cho đến cuối thời kì Chiến tranh Lạnh, Hạm đội 2 chịu trách nhiệm kiềm chế các tàu ngầm của Nga và bảo vệ các lực lượng đồng minh trên khắp Đại Tây Dương trong trường hợp chiến tranh. Ngay cả sau khi Liên bang Xô viết tan rã, hạm đội này vẫn là một lực lượng đáng kể.
Bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ tháng 8/2018, bước đầu trong thành phần chỉ huy của Hạm đội 2 sẽ có 11 sĩ quan và 4 binh sĩ giúp việc. Sau đó lực lượng của hạm đội này sẽ được tăng lên thành 85 sĩ quan, 164 quân nhân và các lực lượng bảo đảm khác.
Tháng trước, Hải quân Hoàng gia Anh cũng công bố kế hoạch thành lập trụ sở mới của riêng mình với vai trò tương tự như Hạm đội 2 của Mỹ, viện dẫn sức mạnh quân sự Nga đang “hồi sinh”. NATO đã chính thức lên kế hoạch vào tháng 6 vừa qua về việc thành lập một Bộ Tư lệnh Đại Tây Dương của liên minh trong cùng một khu vực Hạm đội 2 của Mỹ sẽ tuần tra, và Lầu Năm Góc đã đề nghị đưa Norfolk là nơi đóng trụ sở chính.
Chưa rõ mối quan hệ giữa đội tàu mới của Mỹ và trụ sở hải quân mới của NATO là gì. Nhưng trong Chiến tranh Lạnh, Hạm đội 2 đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc Bộ Tư lệnh Đại Tây Dương của NATO, và Tư lệnh Hạm đội 2 cũng là người đứng đầu Hạm đội mũi nhọn này của Liên minh.