• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phương Tây viện trợ vũ khí tấn công hạng nặng cho Ukraine liệu có giúp thay đổi cục diện chiến trường?

Thế giới 28/01/2023 10:39

(Tổ Quốc) - Mỹ và Đức vừa quyết định cung cấp cho Ukraine xe tăng Abrams và Leopard-2 - những loại xe tăng hiện đại bậc nhất thế giới. Đặc biệt, Berlin còn cho phép các nước đang sử dụng Leopard do Đức sản xuất được tái xuất sang nước thứ ba. Việc cung cấp các loại xe tăng này cho Ukraine được kỳ vọng sẽ là một bước ngoặt thay đổi cục diện xung đột tại Ukraine.

Phương Tây viện trợ vũ khí tấn công hạng nặng cho Ukraine liệu có giúp thay đổi cục diện chiến trường? - Ảnh 1.

Tại Hội nghị Nhóm liên lạc hỗ trợ Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nước phương Tây cung cấp cho Kiev các thiết bị quân sự mới.

Hội nghị Nhóm liên lạc hỗ trợ Ukraine tại Ramstein

Ngày 20/1/2023, Bộ trưởng quốc phòng Nhóm liên lạc hỗ trợ Ukraine (UDCG) gồm các nước NATO và đồng minh đã gặp nhau tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức. Đây là cuộc họp thứ tám của UDCG kể từ khi thành lập tháng 4/2022 sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt (SMO) tại Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu tại hội nghị bằng hình thức trực tuyến, kêu gọi các nước phương Tây cung cấp cho Kiev các thiết bị quân sự mới. Vấn đề chính được bàn tại hội nghị là việc cung cấp xe tăng hiện đại cho Ukraine.

Ngày 25/1, sau nhiều cuộc thảo luận và tranh cãi, Mỹ và Đức đã quyết định cung cấp cho Ukraine xe tăng Abrams và Leopard-2 - những loại xe tăng hiện đại bậc nhất thế giới. Đặc biệt, Berlin còn cho phép các nước đang sử dụng Leopard do Đức sản xuất được tái xuất sang nước thứ ba. Việc cung cấp các loại xe tăng này cho Ukraine được kỳ vọng sẽ là một bước ngoặt thay đổi cục diện chiến sự tại Ukraine. Kết thúc hội nghị, 12 nước đã tuyên bố sẽ cung cấp xe tăng cho Ukraine gồm Mỹ, Đức, Anh, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Na Uy, Cộng hòa Séc, Bulgaria, Pháp và Hà Lan. Số xe tăng các loại dự kiến chuyển cho Ukraine khoảng 140 chiếc.

Ukraine khẩn thiết yêu cầu phương Tây cung cấp xe tăng hạng nặng

Chiến sự tại Ukraine sắp bước sang năm thứ hai mang tính quyết định. Quân Nga chiếm được phần lớn lãnh thổ phía Đông Ukraine. Gần đây, quân Ukraine đã đạt được một số tiến bộ, giành lại được một phần lãnh thổ ở Kherson. Các cuộc giao tranh ác liệt vẫn đang diễn ra ở Bakhmut. Phía Nga tuyên bố kiểm soát hoàn toàn Solidar và các thành phố lân cận phía Tây - Nam Donetsk, đồng thời đang siết chặt vòng vây xung quanh Bakhmut.

Mặt khác, Moscow đang triển khai chiến dịch đặc biệt bảo vệ Donbass và huy động một lực lượng lớn chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công khi mùa Đông kết thúc.

Phương Tây viện trợ vũ khí tấn công hạng nặng cho Ukraine liệu có giúp thay đổi cục diện chiến trường? - Ảnh 2.

Kiev hy vọng, các xe tăng mới sẽ giúp giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm.

Trong tình hình như vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần yêu cầu các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng, đặc biệt là xe tăng tiên tiến để phá vỡ thế bế tắc hiện nay trên chiến trường, củng cố các tuyến phòng thủ của mình để chuẩn bị đối phó với khả năng Nga mở cuộc tấn công lớn vào đầu mùa Xuân tới.

Kiev hy vọng, các xe tăng mới sẽ giúp giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm, bao gồm Donbass và thậm chí cả Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014.

Sau 11 tháng từ khi xung đột nổ ra, số xe tăng của Ukraine đã bị mất đi nhiều và nhiều chiếc khác đã bị loại khỏi biên chế do thiếu phụ tùng thay thế, vì tất cả vũ khí của Ukraine trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2 năm ngoái là do Liên Xô chế tạo và hiện nay Nga là nguồn cung cấp phụ tùng thay thế duy nhất.

Trước khi chiến sự bùng nổ, Ukraine có khoảng 900 xe tăng T-64 và T-72 từ thời Liên Xô và khoảng 200 xe tăng T-72 do một số nước thuộc khối Đông Âu cũ gia nhập NATO tặng lại.

Trong khi đó, Nga tham chiến với khoảng 3 nghìn xe tăng hiện đại T-72 đã được hiện đại hóa và T-90 được coi là một trong các loại xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay.

Phản ứng quốc tế

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh quyết định của Washington và Berlin cung cấp xe tăng cho Ukraine. Ông Stoltenberg nói: "Chúng tôi nhất trí ủng hộ Ukraine tự vệ và cần phải cung cấp vũ khí hạng nặng cho họ để đảm bảo rằng ông Putin sẽ không chiến thắng trong cuộc chiến này.”

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hoan nghênh quyết định của Đức gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine, cảm ơn Thủ tướng Đức Olaf Scholz và gọi đây là "một bước tiến lớn để ngăn chặn Nga".

Thủ tướng Anh Rishi Sunak hoan nghênh quyết định của Đức và hứa sẽ cung cấp cho Ukraine 14 xe tăng Challenger-2. Ông Sunak nói: "Điều đó sẽ tăng cường hỏa lực phòng thủ của Ukraine. Chúng ta đang hợp tác tích cực để đảm bảo Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này và thiết lập một nền hòa bình lâu dài."

Pháp hoan nghênh quyết định của Đức. Điện Elysee tuyên bố: “Điều này sẽ mở rộng và tăng cường sự hỗ trợ của Pháp dành cho Ukraine. Trước đây, Paris đã cung cấp cho Kiev AMX10 RC và sẽ gửi sang Ukraine các phương tiện chiến đấu bánh lốp hạng nhẹ.”

Các nước vùng Baltic không có xe tăng Leopard-2 cũng tuyên bố ủng hộ quyết định của Đức và Mỹ.

Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Zhang Jun, phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an, nói rằng việc tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Kiev và áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga càng làm cho tình hình trở nên khó khăn hơn và thậm chí có thể gây ra một cuộc đối đầu quy mô lớn.

Giáo hoàng Francis kiên quyết phản đối việc cung cấp vũ khí cho các khu vực xung đột. Giáo hoàng cho rằng giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột là đàm phán.

Phương Tây viện trợ vũ khí tấn công hạng nặng cho Ukraine liệu có giúp thay đổi cục diện chiến trường? - Ảnh 3.

Ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - nói, việc Đức cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine báo hiệu không tốt cho tương lai quan hệ giữa Berlin và Moscow.

Phản ứng của Nga

Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước việc Đức và Mỹ chấp thuận cung cấp xe tăng cho Ukraine. Điện Kremlin tuyên bố việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm của Nga trong việc hoàn thành các mục tiêu được đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Chỉ một ngày sau khi hai nước này quyết định cung cấp xe tăng cho Kiev, Ukraine đã phải hứng chịu một trận “mưa tên lửa” của Nga nhằm vào các mục tiêu trên khắp đất nước Ukraine. Quân đội Ukraine đã phải tuyên bố báo động toàn quốc.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Berlin đang chối bỏ “trách nhiệm lịch sử với Nga”, đồng thời đi ngược lại cam kết không gửi vũ khí đến các khu vực chiến sự của chính mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, quyết định của Berlin là một động thái xác nhận Đức tham gia "một cuộc chiến được lên kế hoạch trước" chống lại Moscow.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, cung cấp vũ khí cho Ukraine, các nước NATO đang "đùa với lửa", Mỹ và NATO đã trực tiếp can dự vào cuộc xung đột Ukraine. Ông Lavrov lưu ý rằng, bất kỳ lô hàng nào chở vũ khí đến Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga.

Ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - nói, việc Đức cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine báo hiệu không tốt cho tương lai quan hệ giữa Berlin và Moscow. Ông Peskov cho biết, những bước đi như vậy sẽ không thay đổi cục diện trên chiến trường và chỉ kéo dài cuộc xung đột, gây thêm vấn đề cho Ukraine và người dân Ukraine. Ông Peskov kêu gọi không nên phóng đại tầm quan trọng của xe tăng phương Tây, và tuyên bố những chiếc xe tăng này sẽ bị thiêu rụi giống như tất cả những chiếc khác.

Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechaev gọi quyết định của Berlin là "cực kỳ nguy hiểm" vì nó "chuyển cuộc xung đột sang một cấp độ đối đầu mới". Ông Nechaev cho rằng, Đức và các nước phương Tây không quan tâm đến giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, sẵn sàng leo thang vĩnh viễn và đổ vào Ukraine ngày càng nhiều vũ khí sát thương.

Xe tăng cho Ukraine không làm thay đổi cục diện chiến trường

Việc cung cấp 140 xe tăng hiện đại sẽ tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine sẽ không nhận được ngay số xe tăng này, mà sẽ nhận theo từng đợt và có thể phải mất nhiều tháng, đặc biệt là xe tăng Abrams của Mỹ.

Tướng Mark Hertling - cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu - nói: "Chúng tôi có thể thấy xe tăng Leopard ở Ukraine trong vòng 2-3 tháng, nhưng việc cung cấp xe tăng Abrams cho quân đội Ukraine sẽ cần 6-8 tháng."

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius cho biết, phải mất 3 tháng để xe tăng Leopard của Đức đến được Ukraine. Trong khi đó, hệ thống phòng thủ Patriot mà Mỹ hứa chuyển giao cho Ukraine sớm nhất cũng phải sau mùa hè mới nhận được, nếu không thì phải cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

Phương Tây viện trợ vũ khí tấn công hạng nặng cho Ukraine liệu có giúp thay đổi cục diện chiến trường? - Ảnh 4.

Sự chậm trễ trong việc cung cấp xe tăng cho Ukraine sẽ đặt nước này vào tình thế khó khăn. Các chuyên gia quân sự cho rằng, nếu có 100 xe tăng tiên tiến, quân đội Ukraine sẽ có hỏa lực mạnh, nhưng vẫn không đủ để ảnh hưởng đến cục diện trên chiến trường.

Chuyên gia Miranda Meron, phụ trách bộ môn phòng vệ tại Đại học King's College ở London nói: "Việc cung cấp xe tăng cho Ukraine là một bước đi mang ý nghĩa chính trị hơn là một yếu tố để thay đổi cục diện cuộc chiến. Quyết định gửi xe tăng đến Ukraine chủ yếu là để thể hiện sự thống nhất về quân sự của Liên minh NATO. Mặt khác, với việc chấp thuận cung cấp Leopard cho Kiev, Berlin muốn chuyển sang một mức độ cam kết quân sự khác trong cuộc chiến hiện tại và trong tương lai để thoát khỏi hội chứng của Thế chiến II."

Theo các chuyên gia quân sự, không thể đánh giá thấp sự tham gia của hơn 100 xe tăng hiện đại như vậy trên chiến trường vì chúng cung cấp hỏa lực lớn và sự cơ động. Tuy nhiên, việc huấn luyện cho 140 kíp lái Leopard và Abrams khoảng 600 người sẽ mất rất nhiều thời gian. Để chuyển giao công tác huấn luyện hoàn toàn cho người Ukraine, cần ít nhất là 8 tháng.

Đến nay vẫn chưa có lịch trình huấn luyện và sử dụng rõ ràng, do đó xe tăng sẽ không thể góp phần đối đầu với lực lượng Nga nếu Ukraine muốn mở cuộc tấn công trong 3 tháng tới, trong khi phương Tây lo ngại Nga sẽ mở cuộc tấn công toàn diện sau khi mùa Đông kết thúc. Đó là chưa kể việc chuyển giao xe tăng cho Ukraine đang gặp phải sự phản đối trong nội bộ các nước cung cấp.

Hiện nay, Nga đang kiểm soát hầu như toàn bộ miền Đông Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye. Như vậy, việc tấn công bằng bộ binh không còn là vấn đề ưu tiên của quân Nga nữa mà họ sẽ chuyển sang dùng không quân, máy bay không người lái và tên lửa. Trong tình hình này, xe tăng sẽ không còn phát huy được hiệu quả khi phải đối mặt với không quân Nga.

Và điều quan trọng nhất là Nga tuyên bố sẽ ngăn chặn việc đưa xe tăng vào lãnh thổ Ukraine bằng mọi cách. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev tuyên bố sẽ phong tỏa thành phố cảng Odessa và cắt đứt các tuyến đường bộ - cửa ngõ đưa vũ khí vào Ukraine.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

NỔI BẬT TRANG CHỦ