(Tổ Quốc) - Qatar sẵn sàng lắng nghe các lo lắng của các quốc gia vùng Vịnh nhằm giải quyết khủng hoảng ngoại giao trong khu vực, Kuwait cho biết.
Qatar sẵn sàng lắng nghe
Saudi Arabia và các quốc gia đồng minh bao gồm Ai Cập, Bahrain cùng với các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã cắt đứt quan hệ với Qatar vào tuần trước khi cho rằng, Doha hỗ trợ các tổ chức và bè phái khủng bố như Huynh đệ Hồi giáo (MB), IS và Al-Qaeda.
Qatar sẵn sàng lắng nghe các lo lắng của các quốc gia vùng Vịnh nhằm giải quyết khủng hoảng ngoại giao trong khu vực. Ảnh:reuters |
Khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia vùng Vịnh đã khiến các chuyến bay đến nước này đứt đoạn, nhiều gia đình chia cắt và mối quan hệ thương mại giữa các nước trở nên khó khăn hơn.
“Qatar sẵn sàng chia sẻ các lo lắng và quan ngại của những người anh em, cũng như chú ý tới sự cố gắng để tăng cường an ninh và ổn định", hãng thông tấn nhà nước Kuna của Kuwait dẫn lời Ngoại trưởng Sabah al-Khalid al-Sabah hôm qua nói.
Ngoại trưởng Kuwait mong muốn có thể giải quyết các mâu thuẫn nhằm tiến tới thống nhất các quốc gia vùng vịnh.
Trước đó, nỗ lực hàn gắn giữa Riyadh, Abu Dhabi và Doha đã từng thất bại.
“Đây là điểm khởi đầu cho ứng xử phù hợp và tinh tế. Tôi hi vọng như vậy”, Bộ trưởng ngoại giao UAE - Anwar Gargash viết trên Twitter trước phản ứng của ngoại trưởng Kuwait về việc Qatar sẵn sàng lắng nghe các lo lắng của các quốc gia vùng Vịnh.
Morocco, đồng minh thân thiết của các quốc gia vùng Vịnh cho biết vẫn tiếp tục ở vị trí trung lập và yêu cầu tham gia đối thoại.
“Nếu các bên cùng mong muốn, Morocco sẵn sàng tiến tới các đối thoại dựa trên nền tảng không can thiệp các vấn đề nội bộ các nước và nỗ lực đấu tranh chống lại lực lượng hồi giáo cực đoan”, Bộ ngoại giao Morocco cho biết.
Phản ứng từ Mỹ
Lầu Năm Góc nói rằng hành động cô lập Qatar hiện nay đang cản trở khả năng của Mỹ để lên kế hoạch cho các hoạt động dài hạn trong khu vực. Căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar có hơn 11.000 lực lượng Mỹ và liên minh và là căn cứ quan trọng cho cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo IS. Đây là căn cứ lớn nhất của Không quân Hoa Kỳ trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có lời đề nghị chủ trì cuộc họp với Qatar và các đồng minh Mỹ tại Nhà Trắng, tuy nhiên, ông Trump cũng nhấn mạnh, Qatar hiện đang là nước bảo trợ khủng bố và gây sức ép đến các quốc gia vùng Vịnh.
Ngoại trưởng Tillerson nói với các phóng viên tại Bộ Ngoại giao rằng cuộc khủng hoảng, đã cắt đứt liên lạc giao thông và thương mại, đã bắt đầu làm tổn thương người dân thường ở Qatar, và làm suy yếu tiến trình giao dịch kinh doanh và gây tổn hại cho cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu chống lại IS.
Ông Tillerson đã yêu cầu Qatar, cũng như các nước khác, thực hiện các bước để giảm bớt sự ủng hộ cho chủ nghĩa khủng bố. Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác đã cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm cực đoan.
Hãng thông tấn nhà nước SPA cũng dẫn tin, phó Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã đưa ra các thỏa thuận nỗ lực chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vào ngày 11/6. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao Qatar phản ánh rằng, cuộc khủng hoảng lần này ở Qatar cho thấy việc thiếu trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Mỹ.
“Đây là bằng chứng thất bại lớn nhất của Mỹ đối với các quốc gia vùng Vịnh. Điều này chỉ ra rằng, Mỹ không biết cách để kiểm soát quan hệ với các đồng minh”, nhà ngoại giao này nói trên Reuters
Thổ - Iran trợ giúp khẩn cấp Qatar
Iran đã điều máy bay chở lương thực, thực phẩm tới Qatar sau khi quốc gia này bị các nước vùng Vịnh cắt mọi giao thương đường biển và hàng không.
Iran, đối thủ chính của Saudi Arabia, đã điều động 5 máy bay chở các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu đến Qatar khi căng thẳng ngoại giao ở vùng Vịnh nổ ra khiến quốc gia này bị nhiều nước cắt quan hệ ngoại giao.
“Kế hoạch hỗ trợ 100 tấn hoa quả và rau xanh tới Qatar mỗi ngày”, các quan chức Iran cho biết ngày 11/6.
“5 máy bay chở theo thực phẩm, trái cây và rau đã được gửi tới Qatar. Mỗi chiếc chở 90 tấn hàng hóa, một chiếc khác sẽ có mặt trong ngày 12/6”, ông Noushabadi cho hay. Ngoài máy bay, 3 tàu chứa 350 tấn thực phẩm cũng chuẩn bị rời cảng của Iran để đến với Qatar. Tehran hiện cũng mở cửa không phận cho hơn 100 chuyến bay từ Qatar mỗi ngày.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng ý viện trợ sữa, sữa chua và gia cầm cho Doha, đề phòng thiếu thốn lương thực trong vài tuần tới.
(Theo reuters)